Giữ nghề may thủ công ở Hội An
VHO - May mặc theo cách đo may thủ công là một nghề thủ công mỹ nghệ đặc trưng và rất phát triển cùng với sự phát triển của du lịch tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam. Sau thời gian dài ngưng trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nghề may đã sôi động trở lại. Người làm nghề may cũng quay lại với nghề, vui mừng vì nghề may đang dần “hồi sinh” trở lại.
Một cửa tiệm may đo trang phục ở Hội An
Họa sĩ Trương Bách Tường, một người Hội An đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu văn hóa vùng đất này, cho biết: Một trong những người dạy may âu phục, đặc biệt là đồ veston có tiếng ở Hội An là ông Lê Văn Diên (sinh năm 1933), Ông Diên được đào tạo nghề may bài bản ở trường Nghiệp đoàn Sài Gòn chứ không phải chỉ may đo bằng kinh nghiệm. Trước năm 1975, ông Diên là giáo viên chính dạy may của trường Nghiệp đoàn Hội An. Ông cũng là chủ tiệm may Diên An nổi tiếng nằm trên đường Hoàng Diệu- Hội An, nhận may đủ loại trang phục, từ áo dài truyền thống nam nữ đến đồ Âu phục. Do nhu cầu học nghề may tăng nên sau này ông không nhận may nữa mà chuyên tâm dạy may.
Cùng với sự phát triển của ngành du lịch, từ những năm 90, nhiều cơ sở may mặc theo cách đo may thủ công truyền thống của Hội An đã nhạy bén nắm bắt sở thích mua sắm, may áo quần tại điểm đến du lịch để mở rộng nghề phục vụ khách. Nghề may tại Hội An ngày càng phát triển cả về số lượng cơ sở, thu hút nhiều người theo nghề, đầu tư nâng cao tay nghề, kiểu mẫu, chất lượng vải theo thị hiếu của khách và nắm bắt xu hướng thời trang.
Đến Hội An du lịch vào dịp Giáng sinh, anh Joshpher (quốc tịch Canada) đã đến tiệm may ở phố cổ Hội An, sau khi được chủ cửa hàng tư vấn chọn vải, mẫu mã, đo đạc, anh lại tiếp tục hành trình tham quan phố cổ. Chiều tối cùng ngày, trước khi trở về khách sạn nghỉ ngơi, anh đến tiệm nhận bộ vest mới may, ướm thử và rất hài lòng vì không cần phải sửa sang lại gì nhiều.
“Đây là lần thứ 2 tôi đến Hội An; 5 năm trước, tôi thử dịch vụ “may nóng” ở Hội An theo lời giới thiệu trên các trang tư vấn du lịch và rất ưng ý với bộ đồ may đo vừa vặn. Lần này quay lại, tiệm may trước đây vẫn chưa mở cửa lại sau dịch Covid-19, tôi thử ở một tiệm khác và vẫn rất ưng ý, chất lượng, tay nghề, cách phục vụ vẫn nhanh, chu đáo như tôi từng biết”, anh Joshpher hào hứng chia sẻ.
Một công đoạn thiết kế, cắt mẫu trước khi cắt may trên vải
Nghề “may nóng”- may lấy liền trong ngày theo yêu cầu của du khách, là một trong những nghề đặc thù ăn nên làm ra, cho thu nhập cao thu hút rất nhiều lao động tham gia.
Một bộ đồ, tùy theo loại như vest, sơ mi, đầm, áo dài, khách hàng có thể chọn mẫu qua catalogue, hoặc tự đặt mẫu theo ý muốn, thời gian may chỉ từ 3-4 tiếng đồng hồ là đã có ngay được một bộ đồ cắt may thủ công theo số đo của chính khách hàng. Du khách có thể để lại địa chỉ khách sạn, may xong sẽ có người của cửa hàng đến tận nơi giao, thử tại chỗ không vừa ý sẽ sửa lại cho khách ưng ý.
May “nóng” nhưng vẫn đảm bảo may đo thủ công, tỉ mỉ, cẩn thận là một trong đặc trưng nổi bật để dịch vụ may mặc ở Hội An được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng bởi kiểu dáng đa dạng, luôn theo kịp xu hướng thời trang, có thể thiết kế theo yêu cầu của khách, phục vụ nhanh chóng.
“Không phải ngẫu nhiên mà năm 2006, tạp chí Time của Mỹ vinh danh nghề may ở Hội An là một trong những dịch vụ nhanh nhất và có giá cả rẻ nhất thế giới với mẫu mã đa dạng. Một số hiệu may đã vinh dự may trang phục cho Hoàng hậu Tây Ban Nha, nghị sĩ của nhiều quốc gia đến từ các nơi trên thế giới”, họa sĩ Trương Bách Tường chia sẻ.
Dù “may nóng”, nhưng sản phẩm giao cho khách hàng vẫn đạt tiêu chuẩn thẩm mỹ, vừa vặn, chất lượng vải tốt, tay nghề đường may tinh tế, sắc nét. Nhiều khách quen sau khi may xong đã đặt hàng theo số đo qua mạng. Giá cả tùy thuộc vào từng loại vải, loại quần áo nhưng hầu hết khách hàng đều vừa ý với giá, chất liệu, thậm chí nhiều lời khen ngợi rằng mức giá 300-350 USD cho một bộ vest là khá rẻ so với thị trường. Không chỉ may đo tại chỗ, nhiều cửa hàng cũng nhận may đo theo số đo, yêu cầu khách hàng quen gởi qua mạng, may xuất khẩu.
Du khách may đo trang phục tại các tiệm may ở Hội An
Nghề may là loại nghề thủ công mỹ nghệ đặc trưng mà ít có nơi nào phát triển mạnh mẽ theo nhiều cách từ quá khứ đến hiện tại và đã trở thành thương hiệu như ở Hội An. Đây cũng là một trong những nghề mũi nhọn trong nền kinh tế du lịch, toàn thành phố có gần 350 hộ kinh doanh may mặc bằng hình thức mở shop vải, tập hợp thợ tạo thành dây chuyền đo, cắt may tại chỗ. Bên cạnh lực lượng thợ may đo trực tiếp còn có hàng ngàn lao động gián tiếp tham gia vào các công đoạn nghề may như: Giao hàng, cung cấp nguyên-vật liệu như vải, bàn máy, kim chỉ,...
Chị Đoàn Thị Toàn, chủ shop may mặc Be Be chia sẻ: Trước dịch Covid-19, tiệm có khoảng 200 lao động thường xuyên. Thời gian dài ngưng trệ vì tình hình dịch bệnh, nhiều thợ may chuyển nghề buôn bán, làm phụ hồ, may gia công nhỏ lẻ cho một vài cơ sở may mặc,…Nay mới hồi phục lại dần dần, hiện tiệm cũng đã có hơn 100 lao động làm việc, trong đó rất nhiều người là thợ, nhân viên làm trước đây.
Dù cho cuộc sống hiện đại cùng với rất nhiều công nghệ máy móc hỗ trợ, xu hướng thời trang cập nhật, thay đổi liên tục, thì những người thợ may ở Hội An vẫn có những cách rất riêng, bền bỉ để giữ nghề may đo thủ công của ông cha truyền giữ.
Ở xóm thủ công mới hình thành ở một con hẻm trên đường Trần Phú, dù xóm nhỏ, nhưng đã tập trung vài ba cửa hàng may đo truyền thống của những bạn trẻ nối nghề từ cha mẹ. Cùng với các tiệm may là những cửa hàng thêu tay, phụ kiện sáng tạo từ vải vóc thừa khi may đo đi kèm, kết hợp thành những bộ trang phục cá tính, sáng tạo, không đụng hàng được người mua ưa thích.
Theo các bậc cao niên ở Hội An thì vị Tổ nghề may là bà Nguyễn Thị Sen, vốn là người ươm tơ dệt lụa đẹp nhất vùng, đã chế biến ra sợi chỉ lượt từ lá dứa dùng để may vá. Tương truyền Bà sinh vào ngày 12 tháng chạp và mất vào ngày 12 tháng giêng. Tưởng nhớ vị Tổ nghề, ngày 12 tháng Chạp hàng năm, những người làm nghề may ở Hội An lại tổ chức lễ giỗ Tổ để ngưỡng vọng công đức Tổ nghề, các vị tiền bối đã có công khai sáng nghề. Ngoài việc cúng tại nhà, từ năm 2006 đến nay, người làm nghề may còn tập trung lại cúng chung dưới sự tổ chức của nhà nước với đầy đủ các nghi thức truyền thống. Ngoài ra, trong ngày hội này tổ chức trình nghề, thi cắt may tại chỗ giữa những hiệp thợ khéo tay ở các nhà may để cùng trao đổi tay nghề.
THU HOÀI