Giới trẻ cần trang bị kỹ năng “chữa lành” đúng cách

THANH MAI

VHO - “Chữa lành”, cụm từ mới xuất hiện thời gian gần đây và ngay lập tức đã trở thành trào lưu phổ biến của giới trẻ. Cứ mỗi khi căng thẳng, áp lực hay mất định hướng, nhiều người lại loay hoay tìm cách “chữa lành” nhằm cân bằng lại cuộc sống. Tuy nhiên, liệu đây có phải là phương pháp điều trị các tổn thương tâm lý hay chỉ là cách để họ trốn tránh cuộc sống thực tại?

 Giới trẻ cần trang bị kỹ năng “chữa lành” đúng cách - ảnh 1

 Được lắng nghe, trải nghiệm và truyền cảm hứng từ những tấm gương tích cực sẽ giúp giới trẻ có thêm định hướng đúng đắn (Trong ảnh: Triển lãm ảnh “Dám sống một cuộc đời rực rỡ” của nhà báo, đạo diễn Nguyễn Bông Mai tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam)

Hiểu đúng về trào lưu “chữa lành”

Chỉ cần lên mạng gõ cụm từ “chữa lành”, “healing”, Google sẽ cho ra hơn 2 tỉ kết quả trong vòng 0,23 giây. Lướt một vòng mạng xã hội, chúng ta dễ dàng bắt gặp từ “bộ phim chữa lành”, “cuốn sách chữa lành”, “âm nhạc chữa lành”, “du lịch chữa lành”... cho đến “cách chữa lành tâm hồn”, “cách chữa lành vết thương tâm lý”…

Healing (chữa lành) xuất hiện sau đại dịch Covid-19, là thuật ngữ thể hiện sự hàn gắn, xoa dịu, chuyển hóa cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực, bất an để trở về trạng thái an yên, mãn nguyện. Từ đó, giúp mỗi người tiếp tục tìm được niềm vui, ý nghĩa sống.

Nhà tâm thần học người Thụy Sĩ Carl Jung cho rằng, chúng ta có thể sẽ có những vết thương của quá khứ cần được chữa lành. Bởi nếu không kịp thời xử lý, nó có thể trở thành “vết sẹo”, kìm kẹp thế giới quan của chúng ta về bản thân, ảnh hưởng đến năng lực cảm nhận hạnh phúc của mỗi người.

 Cảnh báo việc lựa chọn dịch vụ tư vấn tâm lý

“Hiện nay, không ít người sau những tổn thương tâm lý đã tìm đến các khóa học để “chữa lành” vết thương. Đây là môi trường kinh doanh béo bở nên rất nhiều khóa học được mở ra mà không có sự kiểm duyệt của cơ quan chức năng. Trên thực tế, nhận thức của người dân Việt Nam về sức khỏe tâm thần còn thấp, chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng chưa thực sự phát triển, nhiều người do lo ngại bị gọi là “điên” nên không muốn gặp bác sĩ tâm thần đã tìm kiếm giải pháp ở nơi khác… Đây là một phần lý do khiến các khóa học “chữa lành” mọc lên như nấm sau mưa. Do vậy, người có vấn đề về sức khỏe tinh thần thì không chỉ cá nhân họ mà cả người thân cũng cần có sự tác động để cùng lựa chọn dịch vụ khám chữa bệnh một cách cẩn thận, thay vì mắc bẫy những nơi lợi dụng kiếm tiền”. (PGS.TS Trịnh Hòa Bình)

ĐÀO ANH ghi

Việc người trẻ tìm mọi cách để “chữa lành” cho thấy dấu hiệu tích cực khi họ bắt đầu có nhận thức và quan tâm đến sức khỏe tinh thần của mình. Theo thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), khoảng 30% dân số Việt Nam có rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%. Đặc biệt, số lượng học sinh, sinh viên nói riêng và người trẻ nói chung rơi vào tình trạng trầm cảm chiếm đại đa số.

Dễ nhận thấy, Gen Z (1997- 2012) là nhóm đối tượng phải chịu nhiều tổn thương tâm lý và áp lực hơn các thế hệ khác. Dù được biết đến là một thế hệ dư giả về vật chất, đầy đủ về giải trí, tinh thần, kết nối xã hội rộng mở, nhưng chính nhịp sống hiện đại gấp gáp đã đặt ra nhiều áp lực và đòi hỏi cho mỗi người. Từ áp lực gia đình, phải thành công, giàu có cho đến áp lực đồng trang lứa, phải giỏi, phải đẹp hơn… Đặc biệt, sự phát triển nhanh chóng của Internet đã dẫn đến thay đổi lớn trong các mối quan hệ, sự tương tác ảo tăng lên, giới trẻ tiếp cận với thế giới chỉ bằng những “cú chạm”. Cuộc sống thuận tiện khiến họ dễ thoả mãn nhưng cũng dễ thất vọng nếu không đạt được mục đích…

Nguyễn Hương Nguyên, sinh viên năm 3 Trường ĐH KHXH&NV, sinh ra ở thành thị, lớn lên trong cuộc sống đủ đầy. Thế nhưng Nguyên luôn trong trạng thái căng thẳng từ việc học tập đến các mối quan hệ xã hội. “Mình lựa chọn chữa lành mỗi khi cảm thấy bản thân mất cân bằng về mặt cảm xúc và chúng ảnh hưởng đến hiệu quả công việc cũng như sự giao tiếp xã hội. Để phục hồi lại trạng thái tâm lý, việc đầu tiên mình làm là chuyển điện thoại sang chế độ “không làm phiền” và đặt cho bản thân những câu hỏi “vì sao” để từ đó nhận ra muộn phiền đến từ đâu, mức độ nghiêm trọng của vấn đề như thế nào. Nếu chưa chiêm nghiệm ra được, mình thường nghe podcast hay các bài pháp thoại về triết học Phật giáo”, Hương Nguyên cho biết.

Tự trang bị kỹ năng “chữa lành”

Không thể phủ nhận, vai trò của “chữa lành” khiến nhiều người tự xoa dịu được vết thương tâm lý, thoát khỏi rối loạn, trầm cảm, lo âu... Nhưng đáng tiếc thay, “chữa lành” cũng đang bị một bộ phận người trẻ lạm dụng. Nhiều bạn hở chút than vãn mệt mỏi, áp lực nhưng đi liền sau đó là đăng lên mạng xã hội ảnh check-in thụ hưởng tại một khu du lịch nào đó, kèm theo lời nhắn “mỏi mệt quá thì chạy trốn thôi”.

Thực tế, trong cuộc sống ai cũng có những lúc gặp khó khăn, bất trắc, thậm chí là bất hạnh. Tuy nhiên, niềm đau, nỗi buồn là một phần tất yếu của cuộc sống, nó giúp ta vững vàng và trưởng thành hơn. Ở độ tuổi căng tràn nhiệt huyết, lẽ ra người trẻ phải “bùng nổ” để khẳng định bản thân, đằng này nhiều bạn không bệnh tật gì, thậm chí đang là gánh nặng của gia đình, nhưng lại mang tâm lý chán chường, mệt mỏi, muốn rút lui rồi tự huyễn hoặc bản thân bị những tổn thương cần được “chữa lành”… Đây là biểu hiện của tư duy sống ảo, không phản ánh tâm lý thật của người đang gặp bế tắc về tinh thần.

Tìm lại sự cân bằng là nhu cầu tự nhiên và cần thiết trong hành trình trưởng thành của mỗi con người. Tuy vậy, chúng ta cần phải hiểu rõ “chữa lành”, tránh lợi dụng để sống buông thả, lười biếng, thỏa hiệp với những khó khăn trong cuộc sống. “Mỗi cá nhân cần tự trang bị cho mình kỹ năng quản lý cảm xúc và cách giải quyết khủng hoảng”. ThS Phạm Nguyễn Ngọc Nguyên, người có 5 năm kinh nghiệm tại Viện Sức khỏe tâm thần và Trung tâm hỗ trợ gia đình của Chính phủ Singapore chia sẻ.

Chuyên gia này cũng cho hay, người trẻ có thể thử áp dụng mô hình P-E-R-M-A để làm lành các xung đột nội tâm, trong đó P (Positive emotions) là cố gắng duy trì các cảm xúc tích cực; E (Engagement) là dành thời gian cho những điều khiến ta hứng thú; R (Relationship) là tìm đến những mối quan hệ có chất lượng; M (Meaning) là nhận diện được ý nghĩa của những hành động hằng ngày và A (Achievement) là tạo ra cho mình nhiều hơn những khoảnh khắc hoàn thành một cam kết, ví dụ dù rất mệt nhưng vẫn tập thể dục 5 phút một ngày, dù buồn chán nhưng vẫn phải ăn uống đầy đủ…

Để làm lành tâm hồn đang tổn thương, liều thuốc tốt nhất là “làm bạn với chính mình”, ngay cả bản thân cũng không biết tự chăm sóc thì không ai có thể giúp ta được. Nếu cố gắng mà vẫn không thể vượt qua, người trẻ nên gặp chuyên gia trị liệu tâm lý đáng tin cậy để được tư vấn, hỗ trợ, tránh tiền mất tật mang, “không lành còn thêm rách”. 

Ý kiến bạn đọc