“Gieo chữ” giữa trùng khơi

XUÂN HƯỚNG

VHO - Giữa trùng khơi sóng vỗ, nơi những người lính kiên cường bảo vệ biển trời Tổ quốc, có một lớp học đặc biệt, vơi những ước mơ đang được vun đắp. Đó là lớp học ở đảo Trường Sa Lớn, ở đó thầy giáo Lê Xuân Hạnh đã "gieo chữ" suốt những năm qua, mang ánh sáng tri thức đến cho những tâm hồn trẻ thơ nơi đảo xa.

“Gieo chữ” giữa trùng khơi - ảnh 1
Lớp học ở Trường Sa Lớn

Vượt muôn trùng khơi, chúng tôi đến đảo Trường Sa Lớn vào những ngày đầu tháng Tư năm 2025, được tham quan nhiều công trình trên đảo mới thấu hiểu được nỗi vất vả của quân và dân nơi đây. Điều khiến chúng tôi ấn tượng và xúc động nhất đó là lớp học thật đặc biệt ở trên đảo này chỉ có 2 giáo viên với 9 học sinh tiểu học và mầm non.

Giữa mênh mông biển trời Trường Sa, một lớp học nhỏ bé với 9 học sinh, trong đó có 4 em tiểu học và 5 em mầm non, là cả một thế giới tri thức diệu kỳ, nơi ươm mầm những ước mơ tươi đẹp.

Em Vy Quý Đăng, cậu bé lớp 3 có bố là thợ xây dựng, mẹ làm lao động phổ thông, ngày ngày chăm chỉ đến trường, nỗ lực hết mình để tìm "con chữ". Trong đôi mắt sáng ngời của em ánh lên niềm tin mãnh liệt, nuôi dưỡng ước mơ trở thành người lính hải quân, lái tàu bảo vệ biển đảo quê hương.

“Gieo chữ” giữa trùng khơi - ảnh 2
Trường tiểu học ở trị trấn Trường Sa

Đăng cho biết: Hàng ngày thầy dạy chữ, dạy những điều hay, điều tốt đẹp cho các em. Em sẽ cố gắng học thật tốt và ước mơ trở thành người chiến sĩ Hải quân, góp sức bảo vệ biển đảo.

Cũng là học sinh lớp 3, Lê Thị Kim Quyên, cô bé có bố là dân quân tự vệ, mẹ làm nghề may, rạng rỡ nụ cười hồn nhiên. Đôi mắt em sáng lên niềm vui khi thấy chúng tôi đến, như gặp được người thân.

 Quyên tâm sự, mong muốn lớn lên trở thành bác sĩ, được khám chữa bệnh mang lại sức khỏe cho mọi người trên đảo.

“Gieo chữ” giữa trùng khơi - ảnh 3
Học sinh chia sẻ về ước mơ trở thành cô giáo trên đảo

Trương Nguyễn Triệu Vy, cô học sinh lớp 4, thỏ thẻ chia sẻ về những ngày đầu ra đảo: "Hồi đầu mới theo bố, mẹ ra đảo sinh sống, em cảm thấy rất buồn vì phải xa đất liền, xa ông bà. Rồi em được đến lớp học tại đây, được thầy yêu thương, có thêm bạn trên lớp nên đã dần quen với điều kiện trên đảo và vui hơn nhiều.

 Vy ấp ủ ước mơ trở thành cô giáo, mang con chữ đến cho các em nhỏ trên đảo Trường Sa, tiếp nối sự nghiệp "trồng người" cao quý.

Trong lớp học nhỏ bé ấy, những ước mơ bình dị mà cao đẹp đang ngày ngày được vun đắp, thắp lên niềm tin và hy vọng về một tương lai tươi sáng trên mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc.

“Gieo chữ” giữa trùng khơi - ảnh 4
Thầy giáo Lê Xuân Hạnh (trái) nói về những kỷ niệm dạy học ở Trường Sa

Chia sẻ với chúng tôi, thầy Lê Xuân Hạnh, giáo viên phụ trách lớp học tại đây cho biết: "Tôi ra công tác, giảng dạy tại đảo được 2 năm. Nơi đây điều kiện khó khăn hơn rất nhiều trong đất liền. Trong suốt 2 năm gắn bó ấy đã chất chứa biết bao ân tình giữa thầy và trò, khi những con chữ đến được với các em là niềm vui lại dâng trào vô bờ bến."

Cuộc sống và việc dạy học ở Trường Sa không hề dễ dàng. Những cơn bão biển bất chợt, những ngày sóng to gió lớn, và sự thiếu thốn về cơ sở vật chất là những thách thức mà thầy Hạnh và các em học sinh phải đối mặt. Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả, tình yêu thương, sự kiên trì và niềm đam mê học tập đã giúp họ vượt qua mọi khó khăn.

“Gieo chữ” giữa trùng khơi - ảnh 5
Thăm các em học sinh trên đảo Trường Sa Lớn

Thầy Hạnh không chỉ là người thầy, mà còn là người cha, người bạn của các em. Thầy luôn dành thời gian quan tâm, chăm sóc và động viên các em, giúp các em cảm thấy ấm áp và an tâm giữa biển khơi bao la. Tình cảm thầy trò gắn bó như keo sơn, là nguồn động lực to lớn giúp các em vững bước trên con đường học tập.

Rời đảo Trường Sa Lớn vào chiều muộn, khi những con sóng ầm ào xô vào những bờ đá ở đảo xa mà thấy long nao nao khó tả. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi luôn tin tưởng những đứa trẻ ở Trường Sa Lớn vẫn luôn giữ vững niềm tin và hy vọng vào tương lai tươi sáng.

Các em học tập chăm chỉ, nuôi dưỡng ước mơ và quyết tâm cống hiến cho quê hương, đất nước.

“Gieo chữ” giữa trùng khơi - ảnh 6
Học sinh ở Trường Sa Lớn sau giờ học

Lớp học ở Trường Sa Lớn là biểu tượng của tinh thần hiếu học, sự kiên trì và tình yêu quê hương đất nước. Nơi đây, những ước mơ nhỏ bé đang được ươm mầm, và những con người nhỏ bé đang viết nên những câu chuyện lớn lao về ý chí và nghị lực.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc