Giá sách giáo khoa cần hài hòa lợi ích
VHO - Ngày 1.7.2024, Luật Giá 2023 có hiệu lực thi hành, trong đó quy định sách giáo khoa (SGK) nằm trong danh mục những hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Tuy nhiên, việc định giá SGK thế nào để vừa đảm bảo lợi ích của người học, vừa phải khuyến khích được các đơn vị xuất bản SGK có chất lượng tốt nhất, thực hiện đúng chủ trương thực hiện đa dạng hóa một chương trình nhưng nhiều sách giáo khoa.
Những năm gần đây, SGK trở thành vấn đề “nóng” khi nhiều đơn vị cùng tham gia công tác biên soạn và phát hành SGK. Việc xã hội hóa công tác biên soạn và phát hành SGK với việc ra đời nhiều bộ sách đã khiến người học có nhiều lựa chọn, nhưng cũng gây ra nhiều tranh luận về “giá”.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa SGK theo chương trình mới so với giai đoạn trước là có nhiều bộ SGK được tổ chức biên soạn, thẩm định và đưa vào giảng dạy trong các cơ sở giáo dục phổ thông thay vì chỉ có một bộ SGK được sử dụng thống nhất trên cả nước. Đặc biệt, về quá trình biên soạn, xuất bản, SGK trước đây đều do Bộ GD&ĐT xây dựng đội ngũ tác giả, tổ chức biên soạn, dạy thí điểm, tập huấn giáo viên; Nhà xuất bản chỉ thực hiện từ khâu biên tập, xuất bản, in và phát hành. Với SGK chương trình 2018, các NXB, đơn vị tổ chức biên soạn phải thực hiện toàn bộ các khâu từ xây dựng đội ngũ tác giả, tổ chức biên soạn, biên tập; tổ chức thực nghiệm; giới thiệu, tập huấn giáo viên; xuất bản, in và phát hành. Và các đơn vị xuất bản phải chịu toàn bộ các chi phí liên quan đến cả quá trình này.
Bên cạnh đó, trước đây do chỉ có một bộ SGK nên không phải thực hiện công đoạn giới thiệu sách. Khi thực hiện xã hội hóa SGK thì các NXB phải tự tổ chức giới thiệu sách tới giáo viên, các cơ sở giáo dục trên toàn quốc bằng nhiều phương thức khác nhau. Việc cung ứng sách cũng phức tạp hơn do các địa phương không lựa chọn SGK theo bộ mà lựa chọn theo môn học. Các trường học có thể lựa chọn sách từ nhiều bộ khác nhau. Do đó các đơn vị xuất bản cũng gặp những khó khăn nhất định trong quá trình cung ứng SGK theo nhu cầu riêng của từng trường. Chính về vậy, cơ cấu giá SGK và giá SGK mới (theo chương trình 2018) cao hơn giá SGK cũ (theo chương trình 2000). Bởi, giá SGK được cấu thành từ nhiều yếu tố, trong đó về cơ bản tập trung vào các yếu tố: Chi phí tổ chức bản thảo; chi phí nhuận bút; chi phí sản xuất như giấy in, công in…; các chi phí khâu lưu thông (hay còn gọi là chi phí phát hành); chi phí tài chính (hay còn gọi là lãi vay).
Để kiểm soát giá SGK, Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT ban hành văn bản hướng dẫn về phương pháp định giá SGK, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí xuất bản, phát hành để giảm giá SGK; sửa đổi, bổ sung quy định về thực nghiệm, phê duyệt và lựa chọn SGK. Do đó, nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT là xây dựng một hướng dẫn thực hiện quy định về định giá để hướng dẫn cho đơn vị xuất bản, trên cơ sở đó định giá ra SGK, nhưng đồng thời cũng đưa ra mức tối đa của mỗi một loại SGK đó. Việc này phải trải qua rất nhiều khâu.
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, để thực hiện việc này, đầu tiên phải đánh giá, rà soát lại toàn bộ các quy trình từ khâu đầu tiên là tổ chức biên soạn ra bản thảo SGK, sau đó triển khai thử nghiệm, thẩm định, bổ sung rồi tái thẩm định đến khi được phép in ấn và lưu hành. Tiếp đó là khâu in ấn sách và phát hành đến tay người học. Hiện nay, phải căn cứ vào rất nhiều quy định để tính giá, chi phí đầu vào cho từng khâu. Mỗi khâu cần xem xét, đánh giá tỉ mỉ và có sửa đổi nếu chưa phù hợp. Bởi vì, nếu các khâu đã phù hợp thì sau đó mới được tính là yếu tố đầu vào để tính chi phí và cần loại bỏ các khâu chưa phù hợp để tránh việc đội chi phí SGK lên.
Như vậy, cần rà soát lại tất cả những đầu công việc để có thể tính ra được tổng các chi phí cho việc ra đời được một bộ sách. Tuy nhiên, mức giá này chưa phải là giá thành bán của một bộ SGK, mà giá bán của SGK còn phụ thuộc vào yếu tố thứ hai là thị trường. Nếu số lượng người học đông, khiến số lượng sách in tăng lên rất nhiều, thì giá thành sẽ rẻ, nếu số lượng sách nhỏ thì giá thành sẽ cao. Do vậy, phải đánh giá thị trường của mỗi một cuốn sách, thị trường của mỗi loại sách để xem là các loại sách này có khả năng, quy mô thị trường là bao nhiêu và từ đánh giá thị trường để xác định được quy mô xuất bản và của sản phẩm sách đó. Đó là căn cứ giúp tính ra được chi phí giá thành cho từng cuốn SGK.
Chia sẻ xung quanh vấn đề giá SGK, PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB GDVN) cho biết, khi biên soạn SGK mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo chủ trương Nghị quyết 88 của Quốc hội, NXB phải làm thêm nhiều công đoạn trong quy trình xuất bản SGK. Bên cạnh những công đoạn quen thuộc như tổ chức bản thảo, biên tập hoàn chỉnh bản mẫu, in ấn và phát hành, NXB phải làm thêm các công đoạn như thực nghiệm bản mẫu, thực nghiệm những tiết dạy được biên soạn trước tại các cơ sở giáo dục theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, NXB còn phải thực hiện việc tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tập huấn giáo viên sử dụng SGK mới,…
Việc thực hiện thêm nhiều công đoạn trong biên soạn và xuất bản SGK khiến chi phí tăng lên. Bên cạnh đó, do có nhiều bộ sách của nhiều NXB nên sản lượng phát hành trên mỗi đầu sách sẽ bị chia sẻ, sản lượng phát hành của mỗi đầu sách sẽ bị giảm xuống. Và khi sản lượng giảm xuống thì chi phí trên mỗi bản sách sẽ tăng lên. Ông Nguyễn Văn Tùng cho biết, vì phải thực hiện hoàn thiện các công đoạn trong biên soạn và xuất bản SGK nên lợi nhuận thu được từ SGK là rất thấp. Song, thực hiện chỉ đạo của các cấp quản lý, đồng thời xác định trách nhiệm của một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ GD&ĐT, NXB GDVN xác định việc hỗ trợ giáo viên, học sinh và đảm bảo an sinh xã hội là một trong những mục tiêu quan trọng nhất. Vì vậy, từ năm học 2024- 2025, NXB GDVN đã thực hiện điều chỉnh giảm giá SGK.