Gia Lai: Căng mình chống “giặc lửa” giữa cao điểm mùa khô

NGỌC HOÀ

VHO - Trong bối cảnh mùa khô diễn biến phức tạp, lực lượng bảo vệ rừng tại tỉnh Gia Lai đang ngày đêm căng mình chống lại “giặc lửa” để bảo vệ hơn 600.000ha rừng trên địa bàn.

Gia Lai: Căng mình chống “giặc lửa” giữa cao điểm mùa khô  - ảnh 1
Các đơn vị chủ rừng trên địa bàn Gia Lai chủ động đốt thực bì để phòng cháy chữa cháy rừng

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, nhiều khu vực đang ở mức báo động cháy cấp 5 – mức cực kỳ nguy hiểm, dễ xảy ra cháy rừng quy mô lớn, lan nhanh và khó kiểm soát.

Nguy cơ cháy rừng ở mức báo động Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng đang bước vào cao điểm nắng nóng, khiến nguy cơ cháy rừng tăng cao. Kết quả rà soát từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho thấy có khoảng 280 vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng, với tổng diện tích lên tới hơn 124.000ha.

Từ đầu năm 2025 đến nay, địa phương đã ghi nhận nhiều vụ cháy rừng. Nổi bật là vụ cháy vào tháng 1 tại huyện Ia Grai khiến gần 36ha rừng thuộc Công ty Cổ phần Trần Quang Gia Lai bị ảnh hưởng.

Nguyên nhân được xác định là do công ty chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng như dọn thực bì, tạo đường băng cản lửa theo đúng quy định.

Gia Lai: Căng mình chống “giặc lửa” giữa cao điểm mùa khô  - ảnh 2
Lực lượng bảo vệ rừng phát dọn thực bì

Trước tình hình đó, Chi cục Lâm nghiệp - Kiểm lâm tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, xã để triển khai đồng loạt các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng phù hợp với từng địa phương. Trong đó, tập trung vào các biện pháp chủ động như làm đường ranh cản lửa, đốt thực bì có kiểm soát, tăng cường tuần tra, kiểm soát người dân ra vào rừng.

Tại vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao như rừng phòng hộ Chư Mố (huyện Ia Pa), Ban Quản lý rừng đã bố trí lực lượng trực 24/24. Cán bộ quản lý rừng thường xuyên phối hợp với Hạt Kiểm lâm và lực lượng xã để tuần tra, kiểm soát địa bàn, đặc biệt là tại những khu vực giáp ranh với nương rẫy của người dân.

Ông Nông Văn Thiện, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Mố cho biết, đơn vị hiện quản lý khoảng 24.900ha rừng tự nhiên tại các xã Chư Mố, Ia Kdăm (huyện Ia Pa) và xã Yang Nam (huyện Kông Chro). Thời gian qua, đơn vị đã chủ động mở đường ranh cản lửa, tổ chức đốt thực bì có kiểm soát, đồng thời ký cam kết phòng cháy với các hộ dân sống gần rừng.

“Lâm phần rộng, phân tán, lại xen kẽ nương rẫy của người dân khiến công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp không ít khó khăn, nhất là khi người dân dọn nương vào mùa khô, nguy cơ cháy lan rất cao,” ông Thiện chia sẻ.

Gia Lai: Căng mình chống “giặc lửa” giữa cao điểm mùa khô  - ảnh 3
Tăng cường tuần tra, triển khai các biện pháp ứng phó để phòng cháy chữa cháy rừng

Tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, đơn vị đang quản lý hơn 9.000ha rừng trải dài qua các huyện Chư Păh, Ia Grai, Đăk Đoa và TP. Pleiku, toàn bộ lực lượng cũng đang được huy động tối đa để ứng phó với nguy cơ cháy rừng.

Ông Nguyễn Tất Thành, Trưởng Ban Quản lý cho biết, đơn vị đã đốt có kiểm soát hơn 50km đường ranh cản lửa tại 12 khu vực trọng điểm. Song song đó, lực lượng bảo vệ rừng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở người dân không đốt nương rẫy gần rừng trong điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt như hiện nay.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ban, tổ, đội bảo vệ rừng tăng cường tuần tra tại các vùng trọng điểm, bảo dưỡng phương tiện, thiết bị phòng cháy chữa cháy để sẵn sàng ứng phó.

Ông Trương Thanh Hà, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp - Kiểm lâm tỉnh cho biết, đơn vị đang khai thác hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm từ Cục Kiểm lâm để kịp thời phát hiện các điểm cháy rừng.

Các chủ rừng có trách nhiệm kiểm tra, xác minh, báo cáo tình hình điểm cháy về Chi cục trước 16h hàng ngày. Việc này giúp cơ quan chức năng theo dõi sát sao và có chỉ đạo kịp thời, nhằm giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, sự vào cuộc chủ động, quyết liệt của lực lượng kiểm lâm, chủ rừng và chính quyền các cấp là yếu tố then chốt để bảo vệ những cánh rừng quý giá trước mối hiểm họa từ “giặc lửa”.