Gánh nặng đồng nhiễm lao của người mắc HIV

QUỲNH HOA

VHO - Khả năng mắc bệnh lao của người nhiễm HIV là 50% và cao hơn từ 10 đến 30 lần so với người không nhiễm. Chính vì vậy, việc điều trị cùng lúc hai bệnh truyền nhiễm trở nên khó khăn hơn cho gia đình và cộng đồng.

Gánh nặng đồng nhiễm lao của người mắc HIV - ảnh 1
Sau một thời gian điều trị, hiện tại sức khỏe của anh Tằm đã khá hơn nhiều

 “Mẹ ơi, con mệt lắm, mẹ bảo anh đưa con về, nếu ở lại thì chắc con không còn gặp được mẹ”, bà Lô Thị Dụng (sinh năm 1967, bản Tục Pang, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, Nghệ An) kể lại lời người con trai Lương Văn Tằm (sinh năm 1993) thều thào gọi qua điện thoại. Lúc đó, anh Tằm đang làm công nhân khu công nghiệp tại Đồng Nai. Nghe con cầu cứu, người mẹ dân tộc Thái cồn cào ruột gan, đêm không ngủ được, liền bảo anh của Tằm vào đón em về. “Tôi không còn nhận ra con mình, nó không đi nổi, anh nó phải bế vào nhà”, bà Lô Thị Dụng nghẹn ngào.

Đó là thời điểm tháng 10.2023, khi về đến nhà, người thanh niên 30 tuổi chỉ còn da bọc xương, yếu đến nỗi không mở được mắt, suốt 8 ngày không ăn nổi một hạt cơm. Cả nhà không biết anh bị bệnh gì, nghĩ sắp mất con nên bà Dụng chỉ biết khóc. Nghe tin người bạn chơi từ nhiều năm trước về nhà, anh Lục Văn Hai, thành viên Nhóm đồng đẳng Sao Va đến thăm. Qua kinh nghiệm tiếp xúc và vận động nhiều thanh niên đi xét nghiệm HIV, thấy Tằm lúc đó trong tình trạng sốt, tiêu chảy, ho… là những triệu chứng điển hình của HIV và lao, anh Hai đã hỗ trợ gia đình đưa Tằm đi xét nghiệm. Kết quả khẳng định anh Tằm đã bị đồng nhiễm cả lao và HIV.

Sau một thời gian điều trị, sức khỏe của Tằm đã khá hơn nhiều. Anh chia sẻ không biết hai căn bệnh này là bệnh gì. Anh bị ho, sốt dài ngày, cộng với tiêu chảy trong gần một tháng làm sức khỏe cạn kiệt. Đi khám ở phòng khám tư tại TP.HCM thì bác sĩ chẩn đoán bị viêm phổi nhưng anh uống thuốc mãi không đỡ, cứ yếu dần nên đành gọi điện cho mẹ.

Nói về nguyên nhân lây nhiễm HIV, Tằm ngập ngừng kể: “Hồi học xong lớp 12, một lần đi đám cưới em được mời hút heroin. Hồi đó, dùng heroin là khá phổ biến trong thanh niên, em cũng thỉnh thoảng dùng chứ không nghiện. Năm 2017, em vào Đồng Nai làm công nhân, lương 5 triệu đồng/tháng. Bạn bè hay rủ đi nhậu, lúc say thì có quan hệ tình dục với gái mại dâm. Có thể không sử dụng biện pháp an toàn, nên em đã bị lây nhiễm HIV lúc nào không biết”.

Đỡ lời người em, anh Hai cho biết, khoảng hơn chục năm về trước, thanh niên ở địa phương hầu như ai cũng hút heroin và coi đó như một cách thể hiện mình, phải hút mới được anh em công nhận là bạn bè. Dần dà, hút nhiều không đủ nên chuyển sang tiêm chích, chính vì thế Quế Phong một thời là điểm nóng về ma túy.

Cùng cảnh ngộ, anh Lô Văn Giáp (SN 1987, bản Lông Không, khối Thái Phong, thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong, Nghệ An) đồng nhiễm cả HIV và lao. Trong căn nhà tiêu điều quây bằng tôn trên đồi của Giáp không có thứ gì đáng giá ngoài con chó con và vài con gà. Căn bệnh đã tác động sâu đến sức khỏe tâm thần khiến anh đù đù, chậm chạp như một ông già.

Anh Lô Văn Nhất, thành viên Nhóm đồng đẳng Sao Va, người đã vận động đưa Giáp đi xét nghiệm và điều trị cho hay: “Giáp đã uống thuốc Methadone điều trị thay thế heroin được hai năm nay nên sức khỏe cũng khá hơn, dù còn yếu nhưng có thể lao động được. Năm 2019, gia đình phát hiện Giáp mắc HIV và đưa anh đi cai nghiện bắt buộc. Đến năm 2022, Giáp trở về dựng tạm căn chòi để ở. Trước kia, hai vợ chồng có nhà bê tông kiên cố ở phía dưới đồi nhưng vì nợ nần nên đã phải bán đất, bán nhà để trả nợ”.

Trong câu chuyện với Giáp, chúng tôi được biết, anh không nhớ mình nghiện từ lúc nào. Nhưng rất may mắn vợ anh và hai con không nhiễm HIV. Con trai lớn sinh năm 2007, bỏ học từ năm lớp 7, hiện đang làm công nhân ở Bắc Giang. Con gái út học lớp 4, vợ đi làm thuê. “Tôi ở nhà làm những công việc lặt vặt như đan lưới kiếm tiền nhưng sức khỏe yếu, chỉ được khoảng 500.000 đồng/tháng”, anh Giáp bộc bạch.

Hiện nay, huyện Quế Phong có số người mắc HIV khá cao, cùng với đó là đồng nhiễm lao cũng như các bệnh mãn tính khác, là điển hình cho tình trạng đồng nhiễm các bệnh truyền nhiễm của bệnh nhân HIV.

Trên thế giới, trong số 41 triệu người nhiễm HIV đang còn sống thì có 1/3 kèm nhiễm lao. Ước tính hằng năm, số người nhiễm HIV sẽ làm tăng thêm 1,5 triệu bệnh nhân lao. Theo số liệu của Chương trình phòng, chống lao quốc gia, tại Việt Nam năm 2023, bệnh nhân lao đồng nhiễm HIV ước tính khoảng 4.300 ca. Các yếu tố nguy cơ gây tái phát và tái nhiễm lao ở bệnh nhân đồng nhiễm HIV/lao bao gồm: Không tuân thủ điều trị, bệnh nhân HIV/ AIDS ở giai đoạn muộn, bệnh nhân không được phối hợp điều trị HIV; điều kiện chăm sóc y tế kém; các yếu tố dịch tễ, dòng vi khuẩn lao thích nghi trên bệnh nhân suy giảm miễn dịch...

Khả năng mắc bệnh lao của người nhiễm HIV là 50% và cao hơn từ 10 đến 30 lần so với người không nhiễm, chính vì vậy, việc phối hợp giữa công tác phòng, chống lao và HIV sẽ góp phần phát hiện sớm bệnh nhân đồng nhiễm để điều trị, tránh lây lan, kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Các bác sĩ khuyến cáo cơ sở y tế địa phương cần tăng cường hoạt động tuyên truyền để người dân có thêm kiến thức về bệnh lao, HIV và cùng chung tay xóa bỏ rào cản, giảm kỳ thị, không giấu bệnh, tự giác đi khám để được điều trị.

Theo BS.CKI Nguyễn Văn Khiêm, Trưởng Khoa Nội II, Bệnh viện Phổi Hà Nội, việc phát hiện và có phác đồ điều trị sớm sẽ giúp bệnh nhân được điều trị hiệu quả. Nếu người nhiễm HIV có một trong các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm lao phổi như ho kéo dài, sốt về chiều, khó thở… cần đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn khám, điều trị dự phòng bệnh lao. Bên cạnh đó, cần tuân thủ phác đồ điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV để đảm bảo hiệu quả quy trình chữa bệnh. 

Ý kiến bạn đọc