Gần 2,6 ha rừng phòng hộ ven biển được xã “thanh lý” trước sáp nhập

THÙY AN

VHO - Lực lượng chức năng đang làm rõ việc 3,1 ha rừng keo ven biển xã Quảng Công (cũ) - nay là phường Phong Quảng, thành phố Huế bị đốn hạ. Trong đó, có gần 2,6 ha rừng phòng hộ đã được “thanh lý”.

Ngày 11.7, Chi cục Kiểm lâm thành phố Huế vừa làm việc với UBND phường Phong Quảng (sáp nhập từ các xã Quảng Công, Quảng Ngạn và phường Phong Hải) về việc gần 2,6 ha rừng phòng hộ ven biển thôn An Lộc bị khai thác trái phép.

Gần 2,6 ha rừng phòng hộ ven biển được xã “thanh lý” trước sáp nhập - ảnh 1
Rừng phòng hộ ở thôn An Lộc, xã Quảng Công (cũ) bị chặt còn trơ gốc. Ảnh: VT

Theo kiểm tra của lực lượng chức năng từ đầu tháng 7, đã có hơn 3,1 ha rừng ven biển thôn An Lộc bị đốn hạ với khoảng 1.460 cây bị chặt trơ gốc. Trong đó, có gần 2,6 ha rừng phòng hộ tại lô 152, khoảnh 1, tiểu khu 89 bị khai thác với hơn 1.330 cây.

Cùng với đó là gần 0,56 ha diện tích rừng sản xuất ở lô 161, khoảnh 1, tiểu khu 89 cũng bị khai thác. Tại hiện trường, còn lại cành nhánh đã khô, có chồi tái sinh cao khoảng 20-40cm. Loại cây bị chặt hạ là keo lưỡi liềm, nhiều gốc cây có đường kính từ 6cm lên đến 30cm.

Được biết, cuối tháng 4.2025, lực lượng kiểm lâm đã làm việc với Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Quảng Điền (cũ) và UBND xã Quảng Công (cũ) và đã yêu cầu các đơn vị này tăng cường kiểm tra, bảo vệ, giám sát các lô rừng phòng hộ trên địa bàn. Thời điểm này, cây rừng phòng hộ ở lô 152, khoảnh 1, tiểu khu 89 chưa bị đốn hạ.

Trao đổi với báo chí liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đình Thông - nguyên Chủ tịch UBND xã Quảng Công, hiện là Phó Chủ tịch UBND phường Phong Quảng, thừa nhận rằng: diện tích rừng phòng hộ ở thôn An Lộc nói trên đã được xã Quảng Công (cũ) thanh lý trước khi sáp nhập với giá 20 triệu đồng. Tiền bán rừng được chi trả cho các hộ dân chăm sóc rừng và mua giống trồng rừng mới.

Theo ông Nguyễn Đình Thông, lâu nay khu vực rừng nói trên đã được giao cho các hộ dân quản lý, sau đó bàn giao cho xã Quảng Công. Lâu nay, địa phương cứ nghĩ khu vực rừng nói trên là rừng sản xuất, không biết rừng phòng hộ vì Hạt Kiểm lâm không thông báo và cũng chưa có cột mốc.

Giải thích của lãnh đạo chính quyền xã Quảng Công (cũ) khá mâu thuẫn với biên bản làm việc của Hạt Kiểm lâm khu vực phía bắc thành phố Huế, bởi từ cuối tháng 4.2025 đơn vị này đã có yêu cầu  tăng cường kiểm tra, bảo vệ rừng phòng hộ trên địa bàn, trong đó có lô 152 và các lô 14, 17, 43, 114.

Lãnh đạo Cục Kiểm lâm thành phố Huế cho biết, nếu rừng sẽ phối hợp với các đơn vị tiếp tục điều tra vụ việc này. Theo quy định, nếu rừng nghèo, muốn thanh lý để tái sinh rừng thì địa phương hoặc đơn vị quản lý phải có hồ sơ xin phép và tổ chức đấu giá.