Gần 1,6 triệu học sinh các tỉnh khu vực Tây Nguyên bước vào năm học mới

NGỌC HOÀ

VHO - Hoà chung không khí hào hứng, sôi nổi của cả nước, sáng 5.9, gần 1,6 triệu học sinh ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên (Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Kon Tum) hân hoan khai giảng năm học mới 2024 - 2025.

Gần 1,6 triệu học sinh các tỉnh khu vực Tây Nguyên bước vào năm học mới  - ảnh 1
Gần 404 nghìn học sinh trên địa bàn tỉnh Gia Lai khai giảng, bắt đầu năm học mới 2024 - 2025

Tại Gia Lai, gần 404 nghìn học sinh của 759 trường học trên địa bàn tỉnh Gia Lai đồng loạt tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2024 -2025.

Chủ đề của năm học 2024 - 2025 của ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai được xác định là năm học “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ của năm học, từ đầu tháng 8, các trường học trên địa bàn đã tổ chức dọn vệ sinh, cắt tỉa cây xanh, bảo đảm trường lớp xanh - sạch - đẹp, an toàn; phân công nhiệm vụ, kế hoạch giảng dạy cho giáo viên.

Ngành Giáo dục tỉnh đã huy động các nguồn lực để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang, thiết bị dạy học với tổng kinh phí hơn 367,4 tỉ đồng. Từ nguồn kinh phí sự nghiệp, Sở GD&ĐT đã mua sắm trang bị thiết bị thí nghiệm, phòng học đa chức năng dạy nhiều môn học, phòng dạy và học ngoại ngữ…

Cùng với đó, hoàn thành đưa vào sử dụng 7 công trình tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có học sinh bán trú với tổng kinh phí hơn 31,9 tỉ đồng.

Ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai cho biết: Ngay sau lễ khai giảng năm học mới, các cơ sở giáo dục sẽ bắt đầu tổ chức hoạt động đầu năm học như: ổn định và duy trì nền nếp học tập; tổ chức các hoạt động đầu năm học gắn với thực tế của địa phương; chú trọng xây dựng văn hóa học đường; phối hợp với cha mẹ học sinh để tạo sự đồng thuận, chia sẻ, hỗ trợ ngành giáo dục thực hiện tốt nhiệm vụ năm học.

Đồng thời, đề nghị các cơ sở giáo dục tập trung rà soát, kiểm tra, tham mưu cấp có thẩm quyền bảo đảm đủ cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục cho năm học mới.

Thực hiện đúng các quy định về quản lý thu, chi tài chính, công khai các khoản thu, chi ngay từ đầu năm học.

Triển khai thực hiện phương án hỗ trợ các đối tượng học sinh nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… có đủ sách giáo khoa, đồ dùng học tập và các điều kiện thiết yếu khác; không để có học sinh vì hoàn cảnh khó khăn mà không được đến trường.

Tại Đắk Lắk, năm học mới 2024 - 2025, toàn tỉnh có trên 1.000 trường học, cơ sở giáo dục từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông với gần 500 nghìn học sinh đồng loạt khai giảng vào sáng 5.9.

Đây là năm học có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình đổi mới giáo dục phổ thông mới từ lớp 1 đến lớp 12 và chuẩn bị cho việc thi tốt nghiệp Trung học phổ thông theo chương trình đổi mới giáo dục toàn diện.

Gần 1,6 triệu học sinh các tỉnh khu vực Tây Nguyên bước vào năm học mới  - ảnh 2
Năm học 2024 - 2025, ngành GD&ĐT Đắk Lắk tập trung vào 6 nhóm chỉ tiêu, 11 giải pháp trọng tâm để nâng cao chất lượng giáo dục

Năm học 2024 - 2025 với chủ đề “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng”, ngành GD&ĐT Đắk Lắk tập trung vào 6 nhóm chỉ tiêu, 11 giải pháp trọng tâm.

Ngành phấn đấu, đến cuối năm 2025, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 64%; tỉ lệ thôn, buôn có trường, lớp mẫu giáo đạt 100%; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 93%...

Để đạt được mục tiêu trên, ngành tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo. Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo…

Tại Đắk Nông, sáng 5.9, gần 184 nghìn học sinh tỉnh Đắk Nông hân hoan khai giảng năm học mới 2024 – 2025.

Trong năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh Đắk Nông có 370 cơ sở giáo dục với 183.676 học sinh và 5.912 nhóm, lớp. 

Gần 1,6 triệu học sinh các tỉnh khu vực Tây Nguyên bước vào năm học mới  - ảnh 3
Uỷ viên BCH TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Nông Ngô Thanh Danh đánh trống khai giảng năm học mới

Các địa phương trong tỉnh Đắk Nông đã ưu tiên bố trí kinh phí tập trung đầu tư xây dựng mới, sửa chữa các phòng học, phòng chức năng và mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục ước tính hơn 344 tỉ đồng, trong đó 332,7 tỉ đồng xây mới phòng học, cải tạo sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất.

Hơn 11,3 tỉ đồng thực hiện các gói thầu mua sách vở cho học sinh dân tộc, mua sắm thiết bị mầm non, bàn ghế học sinh và bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu, thiết bị chương trình phổ thông mới, thiết bị hỗ trợ học trực tuyến.

Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành Giáo dục tỉnh Đắk Nông là tình trạng thiếu giáo viên. Bước vào năm học 2024 - 2025, toàn ngành giáo dục tỉnh Đắk Nông thiếu 2.158 biên chế giáo viên. Trong đó, cấp mầm non và tiểu học thiếu nhiều giáo viên nhất.

Tuy nhiên, ngành Giáo dục đã có những phương án chuẩn bị cơ bản nhằm khắc phục khó khăn, bảo đảm nhu cầu dạy học cho các cơ sở giáo dục.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông cho biết, ngành GD&ĐT đã tiến hành rà soát nhu cầu giáo viên năm học mới. Trên cơ sở đó, Sở GD&ĐT tỉnh chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện một số giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế ở các địa phương như: dồn lớp, luân chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, bố trí nhân viên và giáo viên phụ trách giảng dạy nhiều trường gần nhau trong cùng khu vực…

“Sở đề nghị các địa phương nhanh chóng tuyển dụng giáo viên hợp đồng theo quy định nhằm bổ sung thêm số lượng giáo viên còn thiếu hiện nay. Sở GD&ĐT cũng đã kiến nghị các cấp bổ sung thêm biên chế giáo viên nhằm đáp ứng nhu cầu dạy, học về lâu dài”, Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Nông cho hay.

Tại Lâm Đồng, sáng nay, ngày 5.9, hơn 336.000 học sinh tỉnh Lâm Đồng đã chính thức bước vào năm học mới 2024 - 2025.

Năm học 2024 - 2025, toàn ngành Giáo dục Lâm Đồng có 668 đơn vị trường học, với 336.359 học sinh.

Trong đó, cấp Mầm non có 227 trường (công lập 171 trường, ngoài công lập 56 trường); Tiểu học 213 trường (công lập 211 trường, ngoài công lập 2 trường);

THCS 156 trường (công lập 155 trường, ngoài công lập 1 trường); THPT 59 trường (công lập 56 trường, ngoài công lập 3 trường); 

1 Trung tâm GDTX tỉnh; 1 Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh và 11 trung tâm GDNN-GDTX huyện, thành phố.

Hiện tại, Sở tiếp tục hoàn chỉnh các thủ tục để đầu tư xây dựng 17 trường còn lại giai đoạn 2023 - 2025 với tổng kinh phí hơn 151 tỉ đồng.

Tại Kon Tum, sáng 5.9, ngành Giáo dục tỉnh Kon Tum đã tổ chức lễ khai giảng năm học 2024 - 2025 trong không khí trang trọng, an toàn, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của từng đơn vị.

Gần 1,6 triệu học sinh các tỉnh khu vực Tây Nguyên bước vào năm học mới  - ảnh 4
Uỷ viên BCH TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Kon Tum Dương Văn Trang đánh trống khai giảng năm học mới 2024 - 2025

Năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh Kon Tum có hơn 170.000 học sinh (tăng 3.000 học sinh so với năm trước), trong đó học sinh dân tộc thiểu số là hơn 102.000.

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum, năm học 2024 - 2025, toàn ngành hiện có 9.846 giáo viên.

Số giáo viên còn thiếu ở tất cả các cấp học trên địa bàn tỉnh là 496 chỉ tiêu gồm: 160 chỉ tiêu cấp mầm non, 208 chỉ tiêu cấp tiểu học, 96 chỉ tiêu cấp trung học cơ sở và 32 chỉ tiêu cấp trung học phổ thông.

Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum đã tập trung khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và lên phương án hỗ trợ các em học sinh người dân tộc thiểu số, học sinh có hoàn cảnh khó khăn đủ điều kiện để bước vào năm học mới.

Để bảo đảm chất lượng dạy học, Sở GD&ĐT đã tổ chức bồi dưỡng tập huấn cho giáo viên, giáo viên chủ động, sẵn sàng thay đổi phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá; đồng thời yêu cầu, các đơn vị giáo dục chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức dạy học, khắc phục triệt để tình trạng thiếu giáo viên cục bộ.

Gần 1,6 triệu học sinh các tỉnh khu vực Tây Nguyên bước vào năm học mới  - ảnh 5
Năm học 2024 - 2025 tỉnh Kon Tum có hơn 170 nghìn học sinh, trong đó học sinh người đồng bào DTTS trên 102 nghìn

Đối với cấp tiểu học, ngành giáo dục phấn đấu đạt tỷ lệ 100% tổ chức dạy học 2 buổi/ngày hoặc tăng buổi nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đối với học sinh, nhất là đối với học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum cho biết, để học sinh thích ứng với đổi mới trong các kỳ thi từ năm 2025, Sở đã tổ chức bồi dưỡng tập huấn cho 380 cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán các nhà trường về công tác xây dựng đề kiểm tra đánh giá học sinh ở tất cả môn học. Sở đã chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch dạy học chính khóa, dạy học buổi thứ 2, nhất là đối với học sinh lớp 12 phù hợp với định hướng về cách ra đề mới từ năm học 2025.