Xung quanh tranh luận về bài thơ Tiếng hạt nảy mầm:

Đừng tiếp tay cho sự “vô minh” trên cõi mạng

PGS.TS BÙI MẠNH HÙNG

VHO - Mấy ngày gần đây trên trang facebook mang tên “Giáo viên Việt Nam” có đăng ý kiến chỉ trích gay gắt bài thơ Tiếng hạt nảy mầm của Tô Hà được dùng làm văn bản đọc ở bài 5, chủ điểm “Thế giới tuổi thơ” trong sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt 5, bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”.

Đừng tiếp tay cho sự “vô minh” trên cõi mạng - ảnh 1
Bài thơ “Tiếng hạt nảy mầm” của nhà thơ Tô Hà, trong sách Tiếng Việt lớp 5 thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống

 Chỉ trong thời gian ngắn đã có hàng ngàn lượt tương tác. Những ngày đầu, số ý kiến chê bai, phê phán (tạm gọi là “ý kiến tiêu cực”) chiếm tỷ lệ áp đảo, còn ý kiến ủng hộ, khẳng định giá trị của bài thơ (tạm gọi là “ý kiến tích cực”) rất ít và cũng bị phía có ý kiến tiêu cực “tấn công” dữ dội. Sau khi mạng xã hội và báo chí đăng tải nhiều bài phân tích về giá trị nhân văn và nghệ thuật đặc sắc của bài thơ thì tương quan giữa hai luồng ý kiến có sự thay đổi theo chiều hướng ý kiến tích cực tăng dần lên.

Các ý kiến tiêu cực chủ yếu tập trung vào một số từ ngữ bị coi là lạ và khó, nhất là từ “ánh ỏi”; cách gieo vần có vẻ trúc trắc, khó đọc, khó nhớ; nội dung mơ hồ, trừu tượng.

Luồng ý kiến này có thể xuất phát từ những lý do: Đọc bài thơ một cách vội vàng, chưa kịp hiểu về tác phẩm đã vội phán xét; Quan niệm về thơ cũ kĩ, nhất là thơ được dùng trong SGK; Quan niệm về giáo dục còn lạc hậu. Nhiều người chỉ muốn học sinh ngày nay học những bài thơ mà ngày xưa họ từng được học bất chấp thực tế ngày nay nhiều thứ đã thay đổi; Học vấn và khả năng đọc văn bản, đặc biệt là khả năng cảm thụ thơ rất hạn chế...

Thật may mắn và đáng mừng là rất nhiều ý kiến đã lên tiếng khẳng định giá trị độc đáo của bài thơ một cách kịp thời, một số người còn cung cấp cho công chúng nhiều thông tin hữu ích về Tô Hà, một nhà thơ cẩn trọng với nghề và có nhân cách đáng kính.

Ngoài những ý kiến phản hồi tích cực xuất hiện rất sớm trên mạng xã hội nói trên, nhiều ý kiến khác cũng đã được đăng trên trang cá nhân của nhiều nhà thơ, nhà phê bình, nhà giáo, nhà báo, đặc biệt là nhiều chuyên gia về giáo dục tiểu học.

Nhiều báo, trang tin đã đăng bài, giúp bạn đọc hiểu hơn về một bài thơ bị “vùi dập”. Ở đó đều khẳng định Tiếng hạt nảy mầm của nhà thơ Tô Hà là một bài thơ đặc sắc, nhân văn và giàu tính sáng tạo.

Việc dạy học bài thơ này còn giúp cho học sinh có cơ hội được thưởng thức cái hay trong cách diễn đạt đặc thù của thơ, biết thêm một số từ tạm gọi là “mới”. Trong câu Hót nắng vàng ánh ỏi có sự chuyển đổi cảm giác giữa nghe và thấy, dựng lên một không gian tươi sáng, ngập tràn ánh sáng và âm thanh.

Từ “ánh ỏi” vừa nói đến âm thanh lảnh lói, vừa nói đến không gian đầy ánh sáng bao bọc những âm thanh ấy. Trong “ánh ỏi” vừa có “inh ỏi”, “rộn ràng”, vừa có “lấp lánh”, “lóng lánh”. “Chữ” trong thơ luôn có tính sáng tạo. Nhà thơ có thể tạo ra những từ mới hay kết hợp từ mới để biểu đạt cùng lúc vừa đặc điểm khách quan của sự vật vừa ấn tượng, cảm xúc chủ quan của mình về sự vật đó. Vậy, chúng ta có thể thấy được gì đằng sau cuộc tranh luận này?

Đổi mới chương trình và SGK là một hành trình vô cùng khó khăn và gian truân. Viết SGK là một công việc rất “nguy hiểm” trong bối cảnh hiện nay. Đối với SGK Tiếng Việt - Ngữ văn, vấn đề chủ yếu xuất phát từ ngữ liệu.

Một bài thơ có nội dung nhân văn được biểu đạt bằng những từ ngữ, hình ảnh thơ đặc sắc, chọn lọc công phu của một nhà thơ có tên tuổi, đáng kính mà vẫn có thể bị chỉ trích thậm tệ thì nhiều tác phẩm văn học khác trong SGK mới khó tránh được nguy cơ trở thành “nạn nhân” của mạng xã hội.

Quan niệm “truyền thống” về dạy học Ngữ văn và về văn chương với một số mặt bất cập hiện vẫn còn chi phối nhận thức của nhiều người, khiến cho việc đánh giá ngữ liệu trong SGK mới dễ có những ý kiến trái chiều. Kế thừa là một nguyên tắc nền tảng của đổi mới giáo dục, nhưng tiếp nhận cái mới, cái tiến bộ để đáp ứng mục tiêu giáo dục mới cũng là nguyên tắc không thể bỏ qua.

Thứ nữa, mạng xã hội là một công cụ truyền thông quan trọng, có sức ảnh hưởng lớn đến công luận. Những người có ý đồ xấu, có quan điểm bảo thủ, lạc hậu dễ lợi dụng mạng xã hội để tác động tiêu cực đến cộng đồng, nhưng những tư tưởng tiến bộ, thông tin tích cực cũng có cơ hội được lan tỏa nhanh, đấu tranh hiệu quả với cái xấu, bảo thủ, lạc hậu.

Qua cuộc tranh luận về bài thơ Tiếng hạt nảy mầm chắc hẳn nhiều người học hỏi được những điều hữu ích theo cách riêng của mình. Ngay cả những người vốn có phản hồi tiêu cực cũng có cơ hội nhìn nhận lại vấn đề và sẽ có ứng xử cẩn trọng, đúng đắn hơn trước những vấn đề quan trọng và nhạy cảm trong tương lai.

Chúng tôi hy vọng công chúng hiểu rõ hơn khó khăn của những người viết SGK, đồng cảm với họ và ủng hộ cái tiến bộ. Đổi mới giáo dục không bao giờ là dễ dàng, khó tránh khỏi những tranh cãi và xung đột, ngay cả ở những nước phát triển.

Giáo dục Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trước nhiệm vụ đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển đất nước trong khi đó đầu tư cho giáo dục còn thiếu hụt, tiêu cực trong giáo dục chưa khắc phục đáng kể. Khiếm khuyết, hạn chế, thậm chí sai sót trong biên soạn SGK là khó tránh khỏi, nhưng không phải ng­hiêm trọng như một số người đang cố tình phóng đại.

Các văn bản được đưa vào SGK là kết quả của quá trình tìm kiếm, lựa chọn rất chuyên nghiệp, công phu, tâm huyết và đầy trách nhiệm của đội ngũ tác giả; có sự biên tập tỉ mỉ, cẩn trọng của đội ngũ biên tập viên nhà xuất bản, sự góp ý của giáo viên dạy thử nghiệm, hội đồng thẩm định nội bộ của nhà xuất bản, ý kiến phản biện độc lập của các chuyên gia giáo dục, nhà nghiên cứu và cuối cùng là sự thẩm định nghiêm ngặt (nhiều khi khắc nghiệt), tận tụy của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK trước khi SGK được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt.

Cuộc tranh luận về bài thơ Tiếng hạt nảy mầm của nhà thơ Tô Hà có lẽ đã gần đi đến hồi kết. Nhưng những vấn đề gốc rễ gây nên “sóng gió” cho bài thơ này thì vẫn còn đó.

PGS.TS Đỗ Hải Phong, nguyên Trưởng khoa Ngữ văn (Đại học Sư phạm Hà Nội) đã có lý khi viết trên trang cá nhân: “Sự vô minh của đám đông độc giả mạng chỉ tạm thời lắng xuống. Nó vẫn giơ cao nanh vuốt tiếp tục rình rập cơ hội để vùi dập những giá trị chân chính mỗi lúc ai đó “lỡ lời” chia sẻ băn khoăn với toàn cõi mạng. Mong các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, những người đọc có suy nghĩ hãy cảnh giác. Xin đừng tiếp tay cho sự vô minh theo kiểu “đẽo cày trên cõi mạng” như vậy nữa”. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc