Độc đáo những ngôi nhà xây bằng vỏ sò, vỏ ốc ở miền biển xứ Nghệ
VHO - Giữa nhịp sống hiện đại nơi làng biển xứ Nghệ, đâu đó vẫn lặng lẽ tồn tại những ngôi nhà cổ được xây dựng bằng những vật liệu từ đại dương như vỏ sò, vỏ ốc...Nếu được bảo tồn đúng cách, những ngôi nhà vỏ sò có thể trở thành điểm nhấn văn hóa – du lịch đặc sắc, giới thiệu với du khách nét đẹp mộc mạc, tài hoa của cư dân miền biển Nghệ An.
Thiên nhiên ban tặng
Tại xã An Hòa (huyện Quỳnh Lưu) và nhiều xã ven biển lân cận như Diễn Kim, Diễn Trung, Hùng Hải (huyện Diễn Châu)..., những ngôi nhà cổ được xây dựng bằng “gạch sò” vẫn âm thầm tồn tại như những chứng nhân của thời gian, là ký ức của một thời khốn khó nhưng đầy sáng tạo.
“Gạch sò”, cái tên mộc mạc mà người dân nơi đây đặt cho loại vật liệu đặc biệt được kết tinh từ thiên nhiên và bàn tay lao động cần mẫn.
Đó là vỏ sò, vỏ điệp, vỏ ốc… được nhặt từ bãi biển sau những đợt thủy triều rút, đem về rửa sạch, phơi khô, rồi trộn cùng vôi vữa và xếp chồng lên nhau để làm tường nhà, hàng rào, cổng ngõ.

Không lò nung, không xi măng, cũng không có sắt thép, nhưng những bức tường ấy vẫn đứng vững qua hàng chục năm nắng mưa, gió bão, thách thức thời gian.
Ngày nay, vỏ sò không còn được sử dụng phổ biến trong xây dựng, thay vào đó là các công trình cao tầng kiên cố từ gạch, đá, xi măng.
Tuy nhiên, vẫn có những ngôi nhà xưa giữ lại vẻ đẹp cổ kính với những bức tường ốp vỏ sò, vững chãi và bình yên, lặng lẽ đón nhận âm thanh sóng biển qua bao năm tháng.

Một trong những công trình đặc biệt ấy là căn nhà ba gian rộng gần 40m² của bà Nguyễn Thị Danh (61 tuổi) ở xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu.
Căn nhà được dựng nên hoàn toàn từ vỏ sò và vỏ điệp, thành quả của hơn hai năm miệt mài nhặt nhạnh, tích cóp từng bao vỏ của vợ chồng bà.
“Ngày ấy khó khăn trăm bề, làm gì có xi măng, gạch nung. Có được vài chục viên gạch đỏ để xây bếp là quý lắm rồi. Nhưng biển thì không phụ người nghèo.
Mỗi lần thủy triều rút, bãi sau trơ ra lớp lớp vỏ sò ken đặc. Người ta coi là rác, còn với dân làng chài chúng tôi, đó là ưu đãi thiên nhiên ban tặng. Là món quà của trời đất để mình có nguyên vật liệu dựng nhà, làm rào", bà Danh xúc động nói.

Giọng bà Danh trầm lại khi nhắc về những tháng ngày gồng gánh mưu sinh cùng chồng: “Có đêm trăng sáng, hai vợ chồng vác bao ra bãi nhặt từng vỏ sò, chân tay tứa máu vì vỏ sắc, nhưng vui lắm.
Gom đủ một bao là lại rạng rỡ, vì biết hôm sau sẽ có thêm một phần tường được dựng lên. Nhà nghèo, không có tiền mua gạch, nhưng mình vẫn xây được một mái ấm.”
Những "chứng nhân" của thời gian
Nếu “gạch sò” làm từ vỏ biển là món quà nổi từ sóng, thì “sò mỏ” lại là báu vật ẩn mình dưới lòng đất, thứ vật liệu chỉ có ở một số vùng ven biển như Diễn Châu. Đó là loại vỏ sò hóa thạch, tích tụ hàng vạn năm, có độ cứng và khả năng kháng mặn, chống thấm nước vượt trội.
“Nhất đá đỏ, nhì sò mỏ”, người xưa truyền lại như vậy để nói về giá trị của vật liệu này. Muốn khai thác sò mỏ, người dân phải đào sâu xuống 2–3 mét, đẽo từng viên một, phơi khô, rồi chở về đẽo gọt, tích lũy dần dần như gom góp từng viên gạch vàng.

Ông Trần Văn Tuấn (78 tuổi), ở xã Ngọc Bích, huyện Diễn Châu tự hào chỉ tay vào ngôi nhà cấp 4 đã gần 80 năm tuổi của mình: “Cha tui xây nó năm tui lên 2. Từ đó đến giờ ngôi nhà vẫn vững chãi dù bao nhiêu trận bão. Vách thì mát rượi mùa hè, ấm áp mùa đông.
Trong ký ức của người dân miền biển, sự thiếu thốn vật liệu xây dựng trong giai đoạn những năm 1960 - 1980 đã khiến người dân nơi đây trở thành những nghệ nhân vừa sáng tạo vừa kiên trì.
Không có máy móc, tất cả đều làm thủ công, từ khâu nhặt vỏ, phơi, phân loại, đến trộn vôi theo tỷ lệ vừa đủ để giữ được độ kết dính nhưng không làm mục vỏ.

Ngày nay, dù những căn nhà bê tông dần thế chỗ, thì ở nhiều làng biển xứ Nghệ người ta vẫn dành tình cảm đặc biệt cho những căn nhà vỏ sò, coi đó như một phần hồn cốt quê hương.
Chúng không chỉ là nơi ở, mà còn là bảo tàng sống động về một thời gian khó, một giai đoạn lịch sử nơi con người buộc phải sáng tạo để tồn tại.
Bà Nguyễn Thị Lộc (66 tuổi), ở Diễn Trung, huyện Diễn Châu sống trong căn nhà vỏ sò đã rệu rã theo năm tháng, giọng bùi ngùi: “Giờ mưa là phải che bạt, dột tứ tung. Nhưng bỏ đi thì không nỡ. Vì từng viên vỏ trong đó là ký ức tuổi thơ, là hình bóng ông bà, cha mẹ.”

Ông Phạm Văn Giang, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quỳnh Lưu cho biết: Giữa những căn nhà bê tông hiện đại, mái nhà làm từ sò mỏ và gạch sò ở Nghệ An như những dấu ấn sâu lắng. Chúng nhắc nhở rằng sự bền vững không chỉ đến từ công nghệ, mà từ sự giản dị, bàn tay khéo léo và tấm lòng biết ơn với thiên nhiên.
Nếu được bảo tồn và khai thác hợp lý, những ngôi nhà vỏ sò hoàn toàn có thể trở thành điểm nhấn độc đáo trong bức tranh du lịch văn hóa của vùng biển Nghệ An.