Để xảy ra thực phẩm bẩn, lãnh đạo địa phương chịu trách nhiệm
VH- Thẳng thắn nhìn nhận sau một năm đi vào hoạt động của Ban Quản lý an toàn thực phẩm (BQL ATTP) TP.HCM, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban này nói: “Vấn nạn thực phẩm bẩn vẫn còn nhiều nỗi lo, trong khi các quy định về pháp luật vẫn còn chồng chéo, chế tài chưa đủ mạnh và thiếu sức răn đe”.
Vẫn còn chồng chéo trong quy định khiến công tác kiểm tra an toàn thực phẩm gặp nhiều khó khăn
Thấy gì sau một năm hoạt động?
Sau một năm thí điểm hoạt động, BQL ATTP TP.HCM đã phát hiện, bắt giữ và kiên quyết xử lý rất nhiều vụ vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm. Theo đó, đã kiểm tra an toàn thực phẩm đối với 967 cơ sở, phát hiện vi phạm 174 cơ sở (chiếm tỷ lệ 18%), trong đó có 119 quyết định xử phạt với số tiền hơn 1,7 tỉ đồng. Hiện đang tiếp tục xử lý 55 trường hợp vi phạm với số tiền phạt dự kiến hơn 800 triệu đồng. Tiến hành thu hồi, tiêu hủy, tạm giữ 1.400kg râu mực, 2.500kg mực ống, tiêu hủy gần 35 ngàn tấn sản phẩm động vật, 123 kg thịt gia cầm và 134kg thực phẩm các loại. Bên cạnh đó, các Đội quản lý ATTP đã phát hiện và xử phạt 14 trường hợp vi phạm về điều kiện thú y trong vận chuyển sản phẩm động vật với số tiền 45 triệu đồng.
Ngoài ra nhiều vụ vi phạm ATTP có quy mô lớn, mức độ hết sức nghiêm trọng cũng được ngăn chặn kịp thời như tháng 10.2017, đã phát hiện 3.700 con lợn bị tiêm thuốc an thần chuẩn bị giết mổ tại lò mổ Xuyên Á, huyện Củ Chi; phát hiện hơn 27 tấn sản phẩm động vật hư thối tại cơ sở giò chả huyện Hóc Môn…
Về tình hình ngộ độc thực phẩm, trong năm 2017 trên địa bàn thành phố đã không có vụ ngộ độc nào vượt quá 30 người. Đặc biệt trong hai tháng đầu năm 2018, là mùa cao điểm lễ hội đã không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, có thể nói về cơ bản Ban đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, ngoài việc chống thực phẩm bẩn, đơn vị đang kết hợp với các Sở, ngành của thành phố và các tỉnh, thành khác để xây dựng nguồn thực phẩm sạch, thực phẩm theo chuỗi, đảm bảo chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, ATTP là lĩnh vực nhạy cảm liên quan vì nó chi phối đến tất cả mọi người. Trước đây, Sở nào cũng tham gia công tác ATTP, ngành nào cũng kiểm tra, nên chưa hiệu quả, nhìn đâu cũng thấy bẩn, không bảo đảm chất lượng. Việc thành lập BQL ATTP bước đầu đã tạo được sự đồng thuận giữa các sở ngành, được xã hội nhìn nhận là cần thiết. Thời gian tới việc quản lý ATTP tại các quận, huyện trên địa bàn TP “sẽ không còn nói chung nữa, mà lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm cụ thể. Làm sao để thành phố nói không với thực phẩm bẩn”.
Gần 4000 con heo bị tiêm thuốc an thần được lực lượng thanh tra ATTP phát hiện trong năm 2017 tại lò mỗ Xuyên Á huyện Củ Chi
Quy định còn chồng chéo, chế tài chưa đủ mạnh
Bên cạnh những kết quả đạt được, bà Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh, hiện các quy định liên quan đến ATTP vẫn còn bị chồng chéo, mức xử phạt chưa đủ nghiêm nên thiếu tính răn đe.
Dẫn chứng cho điều này bà Phong Lan cho biết, sự việc lợn bị tiêm thuốc an thần thì phải yêu cầu kiểm soát nguồn thuốc, không để thương lái mua tự do. Mặt khác theo quy định, lợn bị tiêm thuốc vẫn có thể đưa ra thị trường, lợn chỉ được tiêu hủy khi liều lượng thuốc an thần vượt quá ngưỡng do Bộ Y tế quy định. Thế nhưng từ trước đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa đưa ra ngưỡng nào cụ thể liên quan đến vấn đề này. Trong khi đó để phát hiện các vụ vi phạm trong ATTP là không hề đơn giản, và phát hiện thì hầu hết chỉ xử phạt hành chính, muốn xử lý hình sự để tăng tính răn đe là rất khó.
Trước những trở ngại nói trên, bà Lan cho rằng thời gian tới BQL ATTP sẽ tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành tham mưu cho UBND TP.HCM trong việc quản lý ATTP để thành phố có những văn bản kiến nghị các Bộ, ngành có những giải pháp khắc phục những vướng mắc, chồng chéo trong quy định pháp luật về ATTP để quản lý hiệu quả hơn vấn đề này.
Bài, ảnh: NGUYỄN HIẾU