Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024:

Đề cao yếu tố con người trong phòng ngừa gian lận

ANH HUY

VHO - Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 sắp diễn ra trên toàn quốc với sự tham gia của hơn một triệu thí sinh. Kỳ thi năm nay (diễn ra từ 26-28.6) đánh dấu một mốc quan trọng của giáo dục phổ thông khi đây là Kỳ thi của lứa học sinh cuối cùng học theo chương trình giáo dục phổ thông 2006.

Đề cao yếu tố con người trong phòng ngừa gian lận - ảnh 1

Đoàn kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của Trường ĐH Luật TP.HCM lên đường thực hiện nhiệm vụ tại Lâm Đồng sáng 25.6

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, cho biết nếu xét về quy mô, tính chất, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 hoàn toàn không có gì khác biệt với những kỳ thi năm trước. Kỳ thi vẫn được tổ chức trên phạm vi cả nước với quy mô hơn một triệu thí sinh dự thi vào cùng thời điểm và cùng đề thi. Về công tác tổ chức, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cơ bản giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023.

Mục tiêu của Kỳ thi cũng không thay đổi. Kết quả thi phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp THPT, làm cơ sở để xét tuyển đại học, cao đẳng và đánh giá chất lượng công tác quản lý, công tác dạy và học tại các cơ sở giáo dục. Tương tự như mọi năm, với tính chất quan trọng, phức tạp và nhạy cảm, Kỳ thi luôn nhận được sự quan tâm lớn của xã hội.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, qua kiểm tra thực tế, các địa phương đã có sự chuẩn bị cho Kỳ thi từ sớm, thể hiện cụ thể trong các nhóm công việc như: Ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; chủ động tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm tốt nhất cho Kỳ thi; chủ động trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ; đặc biệt công tác tập huấn được triển khai nghiêm túc với tinh thần tất cả các cán bộ tham gia Kỳ thi đều phải được tập huấn. Đồng thời, các địa phương cũng rất chủ động trong công tác truyền thông.

Năm 2024 là năm tiếp theo Bộ GD&ĐT triển khai hệ thống phần mềm đăng ký dự thi trực tuyến. Trong 9 ngày mở Cổng đăng ký dự thi trực tuyến với hơn 1 triệu thí sinh đăng ký thành công.

Cũng qua kiểm tra thực tế tại địa phương, một trong những việc mà các địa phương, nhà trường đã làm rất tốt, đó là hỗ trợ thí sinh. Không chỉ hỗ trợ các em về ôn tập, củng cố kiến thức để đạt kết quả mong muốn trong Kỳ thi, mà sự chăm lo còn từ những việc nhỏ như thu thập số điện thoại của nhiều người trong gia đình thí sinh để trong trường hợp thí sinh đến muộn sẽ có phương án đưa đón hay nắm biết từng thí sinh nhà xa để hỗ trợ đưa đón tới điểm thi.

Đặc biệt với những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, thí sinh yếu thế các địa phương đều có phương án hỗ trợ cả về vật chất, tinh thần để các em yên tâm tham gia Kỳ thi.

Một trong những vấn đề được nhắc tới nhiều trong những năm qua và vẫn tiếp tục được nhắc lại nhiều lần trong năm  nay, đó là phòng chống gian lận thi cử, nhất là thiết bị công nghệ cao. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ: “Chúng ta đều biết trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay thì không thể tránh khỏi việc xuất hiện ngày càng nhiều các thiết bị tinh vi - không chỉ phục vụ cho gian lận thi cử mà còn cho nhiều hoạt động khác. Vấn đề của chúng ta là phải làm tốt công tác phòng chống.

Trong nhiều năm qua, việc phòng chống gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao đã được Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT các cấp coi là một trong những việc quan trọng phải được thực hiện kỹ từ giai đoạn chuẩn bị. Trong đó, vai trò phối hợp tích cực của lực lượng công an đã phát huy rất hiệu quả”.

Đề cao yếu tố con người trong phòng ngừa gian lận - ảnh 2

Công tác tập huấn được triển khai nghiêm túc với tinh thần tất cả các cán bộ tham gia Kỳ thi đều phải được tập huấn. Trong ảnh: Một trường ĐH tại TP.HCM bố trí xe đưa đón các thành viên đoàn kiểm tra thi tốt nghiệp đến các điểm thi vào ngày 25.6

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi, để có thể phát hiện, ngăn chặn thiết bị gian lận thi cử, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an tập huấn cho tất cả các cán bộ làm thi. Tiếp đó, Công an các tỉnh/thành phố tiếp tục tập huấn về nhận diện các thiết bị công nghệ cao và nguy cơ thí sinh có thể sử dụng cho đội ngũ cán bộ giáo viên làm công tác thi tại các địa phương.

“Chúng tôi xác định lấy phòng ngừa, nhận diện, ngăn chặn là chính. Trong đó, tiếp tục đề cao công tác con người. Dù hiện nay các thiết bị công nghệ cao với mục đích gian lận có xuất hiện tràn lan như thế nào đi nữa thì quan trọng nhất vẫn là lựa chọn con người. Đồng thời làm tốt công tác truyền thông để thí sinh hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của việc bị phát hiện gian lận và  xử lý nghiêm với những trường hợp cố tình vi phạm”, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh.

Theo đó, hiện nay, Bộ Công an và Công an 63 tỉnh/thành phố đang phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục để làm tốt công tác phòng chống gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.