Cưỡng chế các công trình nuôi trồng thủy sản trái phép trên vịnh Hạ Long

VHO – Ngày 14.12, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với các trường hợp nuôi trồng thủy sản trái phép trên vịnh Hạ Long.

Cưỡng chế các công trình nuôi trồng thủy sản trái phép trên vịnh Hạ Long - Anh 1

Công trình nuôi trồng thủy sản trái phép trên vịnh Hạ Long

Các trường hợp bị cưỡng chế bao gồm: Hợp tác xã thủy sản Rồng Biển; hộ ông Vũ Đình Sĩ; ông Nguyễn Đức Việt (phường Tuần Châu). Các trường hợp vi phạm chủ yếu là những trường hợp nuôi trồng thuỷ sản  trên biển không có giấy phép, gây mất an toàn giao thông đường thủy nội địa; tác động tiêu cực đến hệ sinh thái tự nhiên, gây thiệt hại đến cảnh quan, môi trường thiên nhiên vịnh Hạ Long.

Tại buổi cưỡng chế, các lực lượng chức năng của thành phố Hạ Long đã tiến hành tháo dỡ, di dời toàn bộ công trình nuôi trồng thủy sản trên biển vi phạm ở khu vực biển giáp ranh giữa phường Tuần Châu và phường Hùng Thắng. Dự kiến, thời gian thực hiện cưỡng chế sẽ diễn ra trong 10 ngày.

Trước khi tiến hành tổ chức cưỡng chế, Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố đã thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các công trình nuôi trồng thuỷ sản  của HTX Thủy sản Rồng Biển và 2 hộ dân nói trên. Đồng thời, đã nhiều lần nhắc nhở, vận động người dân nuôi trồng thuỷ sản  trái phép trên vịnh Hạ Long tháo dỡ công trình vi phạm.

Tuy nhiên, sau nhiều lần vận động, kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt vi phạm hành chính, HTX Thủy sản Rồng Biển và các hộ nuôi trồng đã không tự nguyện tháo dỡ công trình nuôi trồng thuỷ sản  trái phép. Do đó, ngày 11.12, TP Hạ Long đã Thông báo về việc tổ chức cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với những trường hợp này. Đến sáng 14.12, các lực lượng chức năng của thành phố đã tiến hành cưỡng chế theo kế hoạch.

Đối với những công trình nuôi trồng thuỷ sản  trái phép khác trên vịnh Hạ Long, trong thời gian tới, TP Hạ Long sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ tự tháo dỡ, di dời. Nếu các hộ không tự nguyện tháo dỡ, di dời, thành phố sẽ tổ chức cưỡng chế, phấn đấu đến trước Tết Nguyên đán 2024 sẽ xử lý xong các công trình nuôi trồng thuỷ sản  trái phép.

Đây được coi là biện pháp mạnh nhằm nêu gương, chấn chỉnh tình trạng này trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; đồng thời tăng cường công tác quản lý và phát triển bền vững, đảm bảo trật tự đô thị, vệ sinh môi trường trên vịnh Hạ Long.

Cưỡng chế các công trình nuôi trồng thủy sản trái phép trên vịnh Hạ Long - Anh 2

Đại diện lãnh đạo Đội Kiểm tra trật tự đô thị và môi trường TP Hạ Long thông báo Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với HTX Thuỷ sản Rồng Biển. Ảnh: Hoàng Nga

Trước đó, tháng 8.2023, trong quá trình tuần tra kiểm soát trên vịnh, Đội Kiểm tra Trật tự Đô thị Môi trường TP Hạ Long đã phối hợp cùng với Đội Kiểm tra, xử lý vi phạm trên vịnh Hạ Long (Ban Quản lý vịnh Hạ Long) phát hiện khoảng 20 tàu cá, đò, mủng neo đậu tại khu vực tàu du lịch chờ đón, trả khách tham quan làng chài Vung Viêng (thuộc khu vực hoạt động tuyến du lịch số 4 trên vịnh Hạ Long). Xác định các tàu neo đậu này vi phạm Thông báo số 673/TB-UBND ngày 29.10.2019 của UBND TP Hạ Long về việc không neo đậu phương tiện thuỷ, bè mảng trái phép trong khu vực Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, Tổ công tác đã tuyên truyền, nhắc nhở và yêu cầu các chủ phương tiện di dời ra khỏi khu vực.

Cùng với xử lý các tàu cá neo đậu trái phép trong vịnh Hạ Long và ven bờ vịnh Hạ Long, các lực lượng chức năng của thành phố đã tổ chức trên 15 đợt kiểm tra, kiểm soát việc thực thi pháp luật Thủy sản và khai thác IUU trên địa bàn thành phố với gần 200 lượt người, gần 30 lượt xuồng. Qua công tác kiểm tra, kiểm soát các lực lượng chức năng tiến hành cấp phát trên 800 tờ rơi tuyên truyền về nhận biết hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, không theo quy định và không báo cáo (IUU), 700 tờ rơi về bản đồ vùng cấm khai thác, phân vùng, phân tuyến khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Thành phố cũng ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời đăng ký tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 đến dưới 12 mét đóng mới, cải hoán đang hoạt động trên địa bàn và  trình tự thủ tục cấp giấy phép khai thác đối với tàu cá có chiều dài dưới 6m đến các xã, phường. Đồng thời kiên quyết xử lý vi phạm đối với những trường hợp không viết số đăng ký tàu cá theo quy định, khai thác tại khu vực cấm khai thác và không đăng ký lại tàu cá theo quy định.

Cưỡng chế các công trình nuôi trồng thủy sản trái phép trên vịnh Hạ Long - Anh 3

Các lực lượng chức năng tiến hành tháo dỡ công trình NTTS trái phép tại khu vực giáp ranh giữa phường Tuần Châu và phường Hùng Thắng. Ảnh: Hoàng Nga

Liên quan đến công tác phối hợp, kiểm tra xác minh mất kết nối VMS, vượt ranh giới, ngay khi phát hiện 5 chủ tàu mất kết nối VMS, thành phố đã liên hệ với các chủ tàu mất kết nối để xác minh rõ nguyên nhân. Qua làm việc cho thấy có một tàu đang đỗ tại cảng Hòn Gai để sửa chữa thiết bị giám sát và hiện đã kết nối lại; 4/5 tàu còn lại hiện không khai thác hoặc cho thuê nên chủ tàu tháo thiết bị giám sát nhằm tránh mất mát. Để đảm bảo các quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, tại khu vực bến cá tạm phường Cao Xanh, thành phố đã thành lập tổ kiểm tra, kiểm soát tàu cá rời cảng, cập cảng, báo cáo khai thác thủy sản.

Mới đây nhất, ngày 12.10 vừa qua, đoàn công tác của Thành ủy Hạ Long  đã tiến hành  kiểm tra hoạt động nuôi trồng thủy sản tại khu vực Tây Nam (đảo Tuần Châu) và khu vực giáp ranh giữa TP Hạ Long và TX Quảng Yên (nằm trên vịnh Hạ Long). Qua kiểm tra cho thấy, tại khu vực Tây Nam (đảo Tuần Châu), khu vực giáp ranh giữa phường Tuần Châu, phường Hùng Thắng và khu vực hòn Cóc Đôi, hòn Lão Câu trên vịnh Hạ Long có 56 trường hợp nuôi trồng thủy sản trái phép ngoài vùng quy hoạch của thành phố với tổng diện tích trên 212 ha. Nhiều hộ trong số này hiện sử dụng phao xốp, bè tre để nuôi trồng thủy sản làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan, môi trường, an toàn giao thông luồng lạch. Những hộ này trước đó UBND TP Hạ Long đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính và yêu cầu các hộ di dời, tháo dỡ cơ sở nuôi để trả lại nguyên trạng. Tuy nhiên, nhiều hộ đã không chấp hành, tiếp tục nuôi trồng thủy sản trái phép.

NGUYỄN QUÂN

Ý kiến bạn đọc