Cư dân vạn đò sông Hương lên bờ, vẫn còn nhiều trăn trở...

Bài, ảnh: SƠN THÙY

VHO - 16 năm trước, tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là Thành phố Huế) đã thực hiện cuộc di dân vạn đò trên sông Hương với những chính sách thiết thực, ý nghĩa. Thế nhưng, đến nay vẫn còn những hộ dân vì khó khăn, đành liều dựng nhà tạm trên đất công, trên mặt nước để sinh sống.

Cư dân vạn đò sông Hương lên bờ, vẫn còn nhiều trăn trở... - ảnh 1
Những căn nhà chồ, nhà tạm nhếch nhác ở khu vực âu thuyền khu tái định cư Lại Tân

Nhếch nhác những căn nhà tạm

Trở lại Tổ dân phố Lại Tân, phường Dương Nỗ, quận Thuận Hóa (Thành phố Huế) những ngày cuối tháng 3, chúng tôi thấy nhiều nhà cửa đã khang trang, kiên cố, trẻ em í ới rủ nhau đạp xe đến trường...

Trái với khung cảnh nhà cửa khang trang ấy thì gần khu vực âu thuyền của khu tái định cư Lại Tân lại nhếch nhác bởi những căn nhà chồ, nhà tạm. Những căn nhà bằng tôn, được lắp ghép đơn giản và dựng trên mặt nước bến thuyền và những đoạn đất vỉa hè, công viên (đất công do Nhà nước quản lý).

Suốt nhiều năm qua, vợ chồng chị Dương Thị Huệ (50 tuổi) và anh Phan Văn Tý (52 tuổi) đã dựng một căn nhà tạm trên đất công viên để làm nơi sinh sống của gia đình 5 nhân khẩu.

Cư dân vạn đò sông Hương lên bờ, vẫn còn nhiều trăn trở... - ảnh 2
Căn nhà tạm của gia đình chị Dương Thị Huệ dựng lên ở khu đất công viên

Chị Huệ kể rằng: cách đây hơn 25 năm, hai vợ chồng kết hôn rồi có con và được gia đình cho một chiếc thuyền nhỏ sống lênh đênh trên sông Hương. Tháng 6.2009, khi dân cư vạn đò lên bờ tái định cư, gia đình chồng được bố trí một căn nhà liền kề ở Lại Tân (xã Phú Mậu cũ, nay là phường Dương Nỗ).

Vợ chồng chị có 3 người con, cùng với cha mẹ chồng, em chồng nên rất khó khăn khi sống chung trong căn nhà nhỏ tái định cư. Thời điểm đó, hai vợ chồng có xin cấp đất theo chính sách nhưng vì toàn thể gia đình chồng mới 9 khẩu, chưa đủ điều kiện để xét cấp đất thêm cho một hộ phụ.

Để thuận tiện cho sinh hoạt, hai vợ chồng đành liều dựng một căn nhà tạm gần 20m2 trên không gian đất vỉa hè, công viên của khu tái định cư. Căn nhà tạm cũng được sửa chữa, dịch chuyển đến 3 lần.

“Vì nhà cửa tạm bợ, cả 3 đứa con cũng đã tuổi lớn (từ 19 đến 25 tuổi) nhưng chưa đứa nào dám dẫn bạn bè về nhà chơi. Hiện 2 đứa con đầu đi làm thuê ở các tỉnh phía Nam; vợ không có việc ở nhà nội trợ, còn chồng thì đánh bắt cá trên sông, ngày có ngày không hoặc có ai thuê việc gì thì làm nấy”- chị Huệ kể.

Cư dân vạn đò sông Hương lên bờ, vẫn còn nhiều trăn trở... - ảnh 3
Khoảng 5 năm trước, vợ chồng chị Nguyễn Thị Cân dựng nhà tạm và dùng phao nổi trên mặt nước âu thuyền để sinh sống

Khác với chị Huệ, gia đình chị Nguyễn Thị Cân (34 tuổi) lắp ghép một ngôi nhà tạm đơn giản và sử dụng phao để nổi trên mặt nước khu vực âu thuyền. Ngôi nhà gần 15m2 là nơi sinh sống của 6 thành viên trong gia đình.

Trước đó, khi được thực hiện di dời năm 2009, gia đình ông Nguyễn Văn Dớ (bố chồng chị Cân) được cấp một lô đất tái định cư ở Lại Tân. Ngôi nhà cấp 4 được xây dựng và làm nơi sinh sống của nhiều thành viên trong gia đình. Nhưng sau đó, con cái kết hôn, điều kiều sống chật chội, khó khăn trong sinh hoạt.

Anh Nguyễn Văn Rạnh - chồng chị Cân là con thứ hai, chuyển ra ngoài sinh sống. Chị Cân kể, ban đầu hai vợ chồng cũng đi thuê nhà nhưng điều kiện quá khó khăn nên hơn 5 năm trước, vợ chồng con cái bồng bế nhau quay trở lại khu tái định cư và dựng căn nhà tạm chỗ âu thuyền để ở.

Các hộ dân ở Lại Tân nói họ biết dựng nhà tạm trên đất công, trên mặt nước là không đúng quy định. Nhưng vì điều kiện khó khăn, nên đành làm liều.

Chính sách lớn

Lại Tân là một trong những khu tái định cư của người dân vạn đò trên sông Hương năm 2009, cùng với khu tái định cư ở các phường Kim Long, Phú Hậu, Hương Sơ.

Chính sách tái định cư cho dân vạn đò của tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là Thành phố Huế) thời điểm đó đã nhận được sự ủng hộ và đồng tình cao từ người dân. Đã có hơn 1.000 hộ dân được đưa lên bờ, không còn cảnh sống lênh đênh sông nước.

Tại khu tái định cư Lại Tân, có gần 340 hộ được chuyển đến, và tất cả đã được cấp đất, cấp nhà theo chính sách với hơn 260 lô đất và 170 nhà liền kề.

Cư dân vạn đò sông Hương lên bờ, vẫn còn nhiều trăn trở... - ảnh 4
Nhiều nhà cửa khang trang tại khu tái định cư Lại Tân sau khi thực hiện di dời dân cư vạn đò sông Hương lên bờ

Ông Võ Văn Kèn, 71 tuổi, Trưởng ban mặt trận Tổ dân phố Lại Tân khẳng định rằng: cuộc di dân vạn đò lên bờ là rất đúng đắn, người dân rất vui mừng. Về đây, bà con yên tâm hơn trong căn nhà của mình, thuận tiện hơn trong sinh hoạt, con cái được học hành đàng hoàng, hàng năm có gần 20 cháu đậu vào các trường cao đẳng, đại học.

Đó là giấc mơ có thật, bởi qua nhiều thế hệ, các hộ sinh sống lênh đênh trên sông vừa không đảm bảo an toàn nhất là mùa mưa bão, vừa không đảm bảo môi trường, công việc không ổn định, con cái thì thất học…

“Thời đó, ngoài việc cấp đất, thì chính sách của tỉnh cũng hỗ trợ cho các hộ dân vạn đò 15 triệu đồng/hộ để trang trải thêm khi đến nơi tái định cư”- ông Võ Văn Kèn nhớ lại.

Nói về tình trạng người dân dựng nhà tạm trên đất công viên, vỉa hè, khu vực âu thuyền…, ông Võ Văn Kèn cho biết sự việc đã xảy từ năm 2009-2010. Lúc đó, các hộ dân được lên bờ cùng hộ chính của cha mẹ; họ không đủ điều kiện được cấp đất tái định cư theo chính sách nên làm liều ra riêng dựng nhà tạm.

Một phần nữa là do sau này, một số hộ có con cái kết hôn rồi sinh con đẻ cháu, gia đình đông người nên cũng tách riêng ra dựng nhà tạm, nhà chồ. Ước tính có khoảng 30 - 40 hộ thiếu đất ở.

Có mấy lần, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cũng đến khảo sát, tìm hiểu về tình trạng này nhưng cũng chưa thể giải quyết được vì các hộ không đủ điều kiện áp dụng chính sách.

“Tại khu tái định cư hiện còn nhiều lô đất chưa cấp, chúng tôi cũng từng có ý kiến đề xuất chia nhỏ các lô đất này để cho bà con thiếu đất tham gia đấu giá nhưng đến nay có chủ trương gì”- ông Võ Văn Kèn thông tin.

Cư dân vạn đò sông Hương lên bờ, vẫn còn nhiều trăn trở... - ảnh 5
Bên cạnh các dãy nhà kiên cố, khang trang vẫn còn những căn nhà chồ được dựng tạm ở khu tái định cư Lại Tân

Khó xử lý

Theo tìm hiểu, phần lớn các hộ dân sau khi lên bờ chủ yếu đi lao động, số ít có kinh doanh nhỏ lẻ. Một số hộ vẫn duy trì nghề đánh cá trên sông, nuôi cá lồng, đạp xích-lô, xe ôm... 

Các hộ dân dựng nhà tạm trên đất công viên, vỉa hè hay dựng nhà chồ trên mặt nước là các trường hợp khó khăn, công việc bấp bênh, không ổn định nên việc dành dụm tiền của để mua đất, mua nhà là giấc mơ xa vời. 

Trao đổi với Báo Văn Hóa, ông Nguyễn Văn Trai, Chủ tịch UBND phường Dương Nỗ cho biết: năm 2009, khi Ban đầu tư thành phố Huế (cũ) bàn giao khu tái định cư Lại Tân cho địa phương thì đã xuất hiện tình trạng xây dựng nhà chồ trên mặt nước.

Ban đầu người dân làm nhà chồ, nhà phao để phục vụ việc bảo vệ, chăm nuôi cá lồng trên sông. Nhưng sau đó, thì một số hộ đã xuống dựng nhà tạm ở luôn. Qua thống kê, lúc đó có 7 hộ dân dựng nhà chồ, nhà tạm ở đất công để ở.

Trong giai đoạn 2009 - 2013, UBND huyện Phú Vang đã có các chỉ đạo nhằm tháo gỡ khó khăn cho những hộ dân này nhưng vấn đề liên quan đến pháp lý nên khó thực hiện.

Cư dân vạn đò sông Hương lên bờ, vẫn còn nhiều trăn trở... - ảnh 6
Một số hộ dựng nhà trên mặt nước ở ngã 3 sông vừa sinh sống vừa nuôi cá mưu sinh

Chính sách thời điểm đó, nếu hộ gia đình có bao nhiêu khẩu đi nữa thì chỉ cấp tối đa không quá 3 lô đất (gồm 1 lô chính, 2 lô phụ). Nhiều gia đình quá đông người, khó sống chung được nên ra ở riêng.

“Trước đây, xã Phú Mậu cũ cũng đã nhiều lần làm việc và yêu cầu các hộ trở về nhà cha mẹ sinh sống nhưng không dứt điểm được. Nếu làm căng quá cũng khó cho bà con”- ông Nguyễn Văn Trai thông tin.

Hiện nay, địa phương đang đẩy mạnh triển khai công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát  theo phong trào thi đua của Chính phủ, tuy nhiên các hộ dân nói trên không đủ điều kiện để thực hiện chính sách do họ ở trên đất lấn chiếm.

“Trước mắt, chúng tôi cũng phải để bà con sinh sống tạm vậy và từng bước kiến nghị các cấp chính quyền, cơ quan liên quan có giải pháp, chính sách thêm”-  lãnh đạo phường Dương Nỗ nói.

Đồng thời, địa phương cũng đã thành lập tổ xung kích chốt ở Lại Tân để xử lý các tình huống khẩn cấp khi mưa gió, bão lụt. Đặc biệt, hỗ trợ người dân di dời khỏi nhà tạm đến nơi tránh trú an toàn.