Công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
VHO – Sáng ngày 16.3, Hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và khai mạc “Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia - Quảng Nam 2024” đã chính thức diễn ra tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trao Quyết định số 72/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Quảng Nam
Tham dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; đại diện lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương, Quân khu 5, các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung - Tây nguyên.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã trao Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 17.1.2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Quảng Nam.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Nam, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ cảm nhận của ông về Quảng Nam là cái gì cũng có. Quảng Nam có biển, có núi, có rừng, có vùng kinh tế mở đầu tiên của cả nước, có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ từ đường bộ, đường thủy, đường hàng không, đường sắt, kết nối vùng rất thông suốt, có được một vị trí địa chính trị rất quan trọng, có thể sẽ là một địa phương trung tâm kết nối vùng trong tương lai gần. Quảng Nam là mảnh đất anh hùng, địa linh nhân kiệt, có truyền thống bất khuất, con người Quảng Nam dũng cảm, cần kiệm, chịu thương chịu khó... Đây là nguồn lực quan trọng để Quảng Nam có sự bứt phá.
Phó Thủ tướng cho rằng không phải vô cớ mà Bộ TN-MT chọn Quảng Nam để khởi đầu cho năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia. Phó Thủ tướng cho rằng thiên nhiên đã ban tặng cho Quảng Nam một sự đa dạng sinh học, đây là tiềm năng để Quảng Nam phát triển du lịch và tiềm năng để Quảng Nam xây dựng hình ảnh của mình với định hướng một địa phương phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn giữ được tài sản quý giá, vô giá và theo xu thế của thế giới, một sự phát triển bền vững và thân thiện với môi trường,…Với điều này, hoàn toàn có thể tính được sự phát triển bứt phá của Quảng Nam trong những thời gian sắp tới.
Về quy hoạch và thực hiện quy hoạch, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu tỉnh Quảng Nam nhớ và thực hiện trong 8 từ, đó là :
"Tuân thủ" định hướng và giải pháp của Quy hoạch để thực hiện định hướng đó.
"Linh hoạt” trong cách làm, thậm chí đối với những mục tiêu không có giá trị cốt lõi, trong chặng đường đi chúng ta có quyền thay đổi, đề xuất cách thay đổi.
"Đồng bộ", quy hoạch phải triển khai đồng bộ với quy hoạch cả nước, của vùng, của ngành và ở dưới một loạt quy hoạch con, nó phải đồng bộ với nhau, nếu không đồng bộ với nhau thì sẽ không đủ điều kiện để làm bất cứ việc gì.
"Thấu hiểu"- Chúng ta những người có trách nhiệm phải thấu hiểu để làm, doanh nghiệp và người dân phải thấu hiểu để đồng hành, cùng chúng ta phát hiện điểm chưa đúng, chưa tốt trong quy hoạch này để kịp thời sửa.
Quang cảnh hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Nam
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết: Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quan điểm, mục tiêu chủ động kiến tạo, đổi mới mạnh mẽ tư duy, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh; không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại; phát triển cảng hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch, công nghiệp ô tô, công nghiệp cơ khí, điện khí mang tầm khu vực; hình thành trung tâm công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến sâu sản phẩm nông lâm nghiệp, dược liệu, silica mang tầm quốc gia; có cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao; có nền văn hóa giàu bản sắc; đa số các cơ sở y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc gia; có hệ thống đô thị đồng bộ gắn kết với nông thôn.
Phấn đấu đến năm 2050, Quảng Nam phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững; phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương; là trung tâm du lịch quốc tế quan trọng. Chỉ số phát triển con người và thu nhập của người dân ở mức cao; đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương.
“Tuy nhiên, phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, chung sống hài hòa với tự nhiên theo quan điểm phát triển bền vững”, ông Thanh nhấn mạnh.
Chính vì vậy, cùng với Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Nam, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Nam đồng thời khai mạc Năm phục hồi đa dạng sinh học Quốc gia 2024. Đây cũng chính là thông điệp thể hiện tỉnh Quảng Nam sẽ kiên trì lựa chọn con đường tăng trưởng xanh, phát triển có trách nhiệm với thiên nhiên, với hành tinh này, với thế hệ hôm nay và mai sau.
Dịp này, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thỏa thuận nghiên cứu địa điểm đầu tư cho đại diện các nhà đầu tư với 16 dự án trên địa bàn tỉnh, tổng số vốn đăng ký xấp xỉ 20 nghìn tỷ đồng.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư một số dự án
Quy hoạch tỉnh Quảng Nam được lập với tinh thần đổi mới tư duy, cách tiếp cận và phương pháp lập quy hoạch, dựa trên các tiềm năng, lợi thế riêng có của tỉnh; phát triển kinh tế với tư duy kinh tế xanh, hài hòa với tự nhiên; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm phát triển toàn diện, bền vững, gắn với giữ gìn cảnh quan, da dạng sinh học, bảo tồn di sản; phát triển kinh tế hài hòa giữa đồng bằng - miền núi, đô thị - nông thôn; đồng thời, đổi mới sáng tạo, hướng đến tương lai.
Về tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam, được làm rõ qua mô hình cấu trúc: hai vùng, hai cụm động lực, ba hành lang phát triển.
Hai vùng bao gồm: Vùng Đông gồm các huyện, thị xã, thành phố đồng bằng ven biển) là vùng động lực của tỉnh với các ngành kinh tế chủ đạo là kinh tế biển, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp; tập trung các đô thị lớn, trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh. Tam Kỳ là đô thị trung tâm hành chính, kinh tế, giáo dục, đào tạo; Hội An là đô thị sinh thái - văn hóa - du lịch, giao lưu quốc tế với các sản phẩm đặc sắc có chiều sâu văn hóa; Điện Bàn là đô thị phát triển công nghiệp, khoa học, đổi mới sáng tạo.
Vùng Tây gồm các huyện miền núi là vùng bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên; phát triển vùng nguyên liệu lâm sản và dược liệu quốc gia.
Hai cụm động lực gồm: Cụm Điện Bàn - Hội An - Đại Lộc là cực tăng trưởng phía Bắc của tỉnh, kết nối với các không gian kinh tế của thành phố Đà Nẵng. Cụm Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh kết nối các không gian kinh tế của 03 đơn vị hành chính này thành khu vực phát triển kinh tế công nghiệp, dịch vụ logistic cảng biển, hàng không, thương mại, du lịch biển, y tế, giáo dục - đào tạo, đô thị thông minh,…
Ba hành lang phát triển gồm: Hành lang động lực kinh tế ven biển từ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến ven biển; Hành lang dọc đường Đông Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh thuộc không gian phía Tây của tỉnhl Hành lang dọc quốc lộ 14B và quốc lộ 14E nối lên quốc lộ 14D đến Cửa khẩu quốc tế Nam Giang.
KHÁNH CHI