Công bố Quy hoạch mạng lưới, hệ thống cơ sở giáo dục
VHO - Chiều 7.3, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo công bố Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm, Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Báo cáo những nội dung chính Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Anh Dũng cho biết, ngày 27.2.2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 452/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch đưa ra mục tiêu tổng quát và một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể trong đó nhấn mạnh tới yếu tố củng cố, mở rộng không gian phát triển theo yêu cầu của chuẩn cơ sở Giáo dục đại học để thực hiện Luật Giáo dục đại học (sửa đổi, bổ sung năm 2018).
Đồng thời, đặt mục tiêu phát triển cơ sở giáo dục đại học đạt các tiêu chuẩn chất lượng ngang tầm khu vực và thế giới, đáp ứng yêu cầu thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030.
Mục tiêu cũng khẳng định mở rộng quy mô đào tạo của mạng lưới, trong đó nhấn mạnh đến việc phải tăng tỉ trọng quy mô đào tạo các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM) đạt 35% trong tổng số trên 3 triệu người học (đảm bảo 260 sinh viên đại học trên 1 vạn dân).
Hình thành các trung tâm giáo dục đại học lớn, đào tạo chất lượng cao, trình độ cao gắn với nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo tại 4 vùng đô thị gồm Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ, tạo động lực phát triển các vùng kinh tế trọng điểm và cả nước.
Các mục tiêu đưa ra hướng tới khẳng định sứ mạng của giáo dục đại học trong việc tăng các chỉ số đóng góp của giáo dục đại học trong mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDG 4.3) và chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), phấn đấu vào tốp 10 quốc gia châu Á.

Đối với Hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là bảo đảm về số lượng, cơ cấu và chất lượng, đáp ứng yêu cầu bảo đảm cơ hội công bằng trong tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ giáo dục có chất lượng và nhu cầu học tập suốt đời đối với người khuyết tật ở tất cả các địa phương.
Bảo đảm người khuyết tật có cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục có chất lượng, hoàn thành giáo dục bắt buộc, mở ra cơ hội học tập suốt đời nhằm phát triển tối đa tiềm năng của cá nhân và có những đóng góp tích cực cho xã hội.
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, liên quan đến các lĩnh vực, các cơ sở giáo dục trọng điểm, những ngành đào tạo về khoa học kĩ thuật công nghệ, STEM… là những ngành được ưu tiên.
Vì thế, các trường có uy tín là tiêu chí quan trọng nhất để lựa chọn trở thành các đại học trọng điểm trong từng lĩnh vực, trong từng vùng.
Về giải pháp phát triển nguồn nhân lực đối với giáo dục đặc biệt trong đào tạo các ngành sư phạm, ông Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông cho biết:
Đội ngũ nhân lực dành cho hệ thống chuyên biệt được cấu thành bởi hai lực lượng là sinh viên tốt nghiệp tại các khoa, ngành giáo dục đặc biệt và các giáo viên trung học cơ sở được bồi dưỡng thêm chuyên môn.
Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập ra đời là tín hiệu tốt để các cơ sở giáo dục đại học dự kiến về chỉ tiêu đào tạo, đáp ứng được nhu cầu sử dụng nguồn lực.