Còn nhiều thách thức trong việc thanh toán bệnh mắt hột

QUỲNH HOA

VHO - Sau hơn 7 thập kỷ bền bỉ, nỗ lực khám, chữa bệnh mắt hột và đẩy lùi căn bệnh truyền nhiễm gây mù lòa ra khỏi cộng đồng, Việt Nam nằm trong 21 quốc gia đã thành công trong việc thanh toán bệnh mắt hột.

Theo các tiêu chí đánh giá của quốc tế, tại phiên họp thứ 75 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương được tổ chức ở Philippines ngày 21.10.2024,  WHO đã chính thức công nhận và vinh danh Việt Nam về thành tích thanh toán thành công bệnh mắt hột.  

TS.Phạm Ngọc Đông, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, đây là một dấu mốc quan trọng của Việt Nam nói chung, ngành y tế nói riêng sau hơn 7 thập kỷ phấn đấu và quyết tâm phòng, chống bệnh mắt hột.

Còn nhiều thách thức trong việc thanh toán bệnh mắt hột - ảnh 1
Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, Tiến sĩ Angela Pratt trao thư ghi nhận thành tựu thanh toán bệnh mắt hột tại Việt Nam của Tổng Giám đốc WHO tới Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn

Theo TS.Phạm Ngọc Đông, cách đây 70 năm, người mắc bệnh mắt hột chiếm tới 80-90% dân số. Trong đó, 15% dân số bị lông quặm và 2% dân số vùng nông thôn bị mù loà do bệnh mắt hột gây ra…

Thời điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm đặc biệt đến dịch bệnh mắt hột đang tràn lan, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của quân và dân ta. Mùa thu năm 1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Viện Mắt (tiền thân của Viện Mắt hột và Bệnh viện Mắt Trung ương ngày nay).

 Người đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho các y, bác sĩ nhãn khoa:“Các cô, các chú là những người thầy thuốc chữa mắt nên phải có phương pháp dự phòng bệnh mắt hột, phải tích cực chạy chữa cho những người bị đau mắt, đem lại ánh sáng cho nhân dân”.

Ngay sau sự kiện quan trọng mang dấu ấn lịch sử này, đầu năm 1957, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đến thăm Viện Mắt, và sau đó ban hành Nghị định số 278/TTg ngày 1.7.1957 thành lập Viện Mắt hột, mở ra thời kỳ mới trong công cuộc phòng chống mù lòa tại Việt Nam.

Nhiều thập kỷ sau đó, phong trào phòng chống bệnh mắt hột lan rộng khắp cả nước. Viện Mắt hột (Bệnh viện Mắt Trung ương) trong vai trò hạt nhân của ngành Mắt, triển khai các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các phương pháp tiên tiến trong phòng chống bệnh mắt hột, đến các hoạt động triển khai xây dựng, đào tạo mạng lưới cán bộ nhãn khoa ở các địa phương.

Đồng thời, thành lập các đoàn xe lưu động khám mắt, mổ quặm… ở cộng đồng;  phát động các phong trào tuyên truyền, phổ biến kiến thức toàn dân giữ gìn vệ sinh cá nhân, phòng chống bệnh mắt hột và các biến chứng liên quan.

Phát biểu tại lễ công bố thanh toán bệnh mắt hột tại Việt Nam do Bộ Y tế vừa tổ chức tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, bệnh mắt hột từ lâu đã là một thách thức lớn đối với ngành Y tế ở những quốc gia có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.

Tại Việt Nam, từ nhiều thập kỷ trước, Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai quyết liệt Chiến lược SAFE do WHO khuyến cáo, bao gồm: Phẫu thuật (Surgery), Kháng sinh (Antibiotics), Rửa mặt (Face Washing) và Cải thiện môi trường sống (Environmental Improvement).

Các cuộc điều tra và giám sát tác động được thực hiện liên tục trong giai đoạn từ năm 1995 đến 2023 đã tạo cơ sở khoa học và thực tiễn vững chắc cho việc xác nhận thanh toán bệnh mắt hột tại Việt Nam theo tiêu chuẩn, tiêu chí khắt khe của WHO.

“Thành công này là minh chứng rõ nét cho nỗ lực bền bỉ, sự đồng lòng và quyết tâm rất lớn của toàn ngành Y tế, của đội ngũ y, bác sĩ chuyên ngành mắt nói riêng và của cả hệ thống chính trị, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư nói chung.

Tuy nhiên, thanh toán bệnh mắt hột không có nghĩa là chúng ta được phép chủ quan hay lơ là. Thay vào đó, nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là phải tiếp tục duy trì thành quả đã đạt được một cách bền vững”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Còn nhiều thách thức trong việc thanh toán bệnh mắt hột - ảnh 2
Việc sử dụng nước ao, hồ, kênh, rạch... để sinh hoạt là nguy cơ cho bệnh đau mắt hột trở lại (ảnh minh hoạ)

Theo bác sĩ Hoàng Cương, Trưởng phòng Quản ký khoa học đào tạo (Bệnh viện Mắt Trung ương), để đảm bảo kết quả “thanh toán bệnh mắt hột” được bền vững thì chiến lược SAVE phải được duy trì lâu dài.

Đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân phải tốt, như nước sinh hoạt phải sạch, không dùng chung khăn mặt; khi có bệnh thì phải điều trị sớm, điều trị  dứt điểm…

Nếu một điều tra về liên quan đến bệnh về mắt tình cờ được tiến hành, hoặc là tình trạng bệnh mắt hột tự nhiên lại xấu hơn. ở một địa bàn nào đó thì kết quả “thanh toán mắt hột” có thể là bị xem xét lại.

Bác sĩ Cương cũng cho rằng, hiện nay ở một số gia đình ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn sử dụng nước kênh, rạch là nước sinh hoạt, không xử lý phân thải của các loại động vật mà để trực tiếp phóng uế xuống kênh, rạch… Đây chính là tác nhân gây bệnh đau mắt hột.

Do đó, cần tuyên truyền, nâng cao ý thức vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân cho nhân dân để phòng bệnh mắt hột. Khi 1 hộ gia đình mắc bệnh, lây nhiễm cho 1 cụm dân cư và hay rộng trong cộng đồng đạt đến tỉ lệ nào đó thì công bố “thanh toán bệnh mắt hột” không còn hiệu lực.

"Bên cạnh đó, mặc dù bệnh mắt hột đã được thanh toán và không chế tốt nhưng có một số bệnh lý về mắt mới nổi lên, đó là các bệnh mắt do rối loạn chuyển hóa như bệnh đái tháo đường, bệnh mắt trên bệnh nhân cao huyết áp, trên bệnh nhân rối loạn mỡ máu.

Hoặc những bệnh lý do ô nhiễm môi trường, rối loạn miễn dịch như các bệnh lý dị ứng viêm kết mạc… đòi hỏi ngành Y tế cần có những chính sách kịp thời để giảm sự gia tăng của căn bệnh", bác sĩ Hoàng Cương nói.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc