Cô giáo người Mông hiện thực giấc mơ “gieo chữ”
VHO - Ngay từ khi còn nhỏ, cô bé người Mông Lầu Y Pay đã luôn mơ ước trở thành giáo viên để mang cái chữ đến cho các em nhỏ trong bản. Với bản lĩnh, sự kiên trì và nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, ước mơ của cô gái bé nhỏ đã trở thành hiện thực…
Vượt khó theo đuổi ước mơ
Cô giáo Lầu Y Pay sinh năm 1986, là con thứ 4 trong gia đình có 8 người con tại vùng cao Kỳ Sơn, Nghệ An. Một ngày của cô thường bắt đầu từ lúc 5h sáng. Sau khi chuẩn bị cơm nước cho các con, cô lại lên chiếc xe máy cũ, vượt hơn 25 km đường rừng để đến với bản Huồi Mới, 1 trong 9 điểm trường lẻ của Trường Mầm non Tri Lễ (huyện Quế Phong).
Huồi Mới là điểm trường vùng biên giới đặc biệt khó khăn. Chuyện trở về nhà với quần áo lấm lem bùn đất hay gặp phải những hiểm nguy giao thông thường trực đối với cô giáo Pay là chuyện “như cơm bữa”. Có hôm trời mưa gió, nhiều đoạn đường lầy lội, trơn trượt, khiến cả người lẫn xe chỉ trực lao xuống vách núi. “Lúc nhỏ, ngoài những buổi tới trường, tôi thường theo bố lên nương hái măng, trồng lúa, về nhà thì phụ mẹ nấu cơm, chăm ẵm các em. Xuất thân trong gia đình nghèo khó, không những tuổi thơ vất vả, mà thời gian học phổ thông với tôi cũng là ký ức gian khổ khó quên. Nhiều lần tôi định nghỉ học để bớt một phần gánh nặng cho bố mẹ và tạo điều kiện cho các em có thêm cơ hội tốt hơn, nhưng thấu hiểu sự thiếu thốn và thiệt thòi của bà con người Mông mình, tôi lại quyết tâm theo học để trở thành cô giáo dạy trẻ, góp sức nhỏ nhoi đưa cái chữ về với quê hương”, cô Lầu Y Pay tâm sự.
Với ước mơ đó, cô Pay đã biến ước mơ thành hiện thực khi tốt nghiệp Khoa Giáo dục mầm non (Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An) năm 2009. Ngày mới ra trường, cô được phân công về dạy tại Trường Mầm non Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. “Con gái Mông lấy chồng rất sớm. Thời điểm đó, cả bản chỉ có mình tôi và một người nữa vào thị trấn để học cấp III. Nhiều người cứ nhỏ to xúi tôi nghỉ học để lấy chồng. Nhưng tôi nghĩ, nếu không đi học, không có chữ thì mình cũng sẽ mãi luẩn quẩn trong đói nghèo, vất vả. Vì thế, tôi được xem là “người lạ” ở bản”, cô giáo Pay cười chia sẻ.
Tận tâm với nghề giáo
Năm 2011, cô Pay nên vợ nên chồng với thầy giáo dạy Tiểu học ở huyện Quế Phong (Nghệ An). Đôi trẻ chọn xã Tri Lễ làm “quê hương thứ hai”. Đây là xã biên giới có diện tích rộng lớn, trong đó có 6 bản Mông ở khu vực xa xôi, biệt lập, nổi tiếng với rất nhiều số “0”: Không điện, không đường giao thông, không chợ, không trạm y tế, không sóng liên lạc… Trường Tiểu học Tri Lễ 4 thành lập để học sinh trong cụm 6 bản thuận tiện đến trường. Từ khi thêm trường mới, nơi đây lại được cộng thêm một số “0”: Không giáo viên!
Do điều kiện quá khó khăn nên ngành Giáo dục huyện Quế Phong chỉ phân công các nam giáo viên lên đây cắm bản. Tính đến thời điểm hiện tại, cô giáo Lầu Y Pay đã hết thời gian “nghĩa vụ”, thử thách đối với giáo viên trẻ từ lâu và có đủ điều kiện để chuyển về điểm trường trung tâm, tuy nhiên, cô vẫn chọn ở lại Huồi Mới, bản làng người Mông xa xôi này đã trở nên gần gũi, thân thuộc và thực sự trở thành quê hương thứ hai của cô. “Nhà trường cũng cho tôi xuống điểm trung tâm, nhưng nếu vậy thì phải có giáo viên khác lên thay. Họ không biết tiếng Mông, đi mò từng câu nói, từng nhà dân thì vất vả cho đồng nghiệp quá. Trong khi bà con và các cháu nhỏ ở Huồi Mới đã thân quen với tôi rồi. Là người Mông, sinh ra ở vùng cao nên phục vụ cho dân tộc mình, chăm lo các cháu nhỏ đồng bào mình là điều tôi cần phải làm”, cô Pay trải lòng.
Cô lại say sưa kể về những tháng ngày gắn bó với Huồi Mới, chứng kiến bao sự đổi thay ở vùng đất này, nhất là trong nhận thức của đồng bào về việc học. “Khi tôi mới đến, bà con không muốn cho trẻ đi học mầm non, vì họ quan niệm người Mông cứ sinh ra là sẽ tự lớn. Để vận động học sinh đến trường, giáo viên phải đến từng nhà nói chuyện, thuyết phục phụ huynh…”, cô Pay cho biết. Cứ thế, hơn 10 năm qua, cô đã vận động thành công cho gần 300 trẻ đi học mầm non đúng độ tuổi. Không những thế, thấy các em không đủ áo ấm, giày dép trong ngày đông lạnh cắt da cắt thịt, cô còn kêu gọi được nhiều tổ chức, nhà hảo tâm ở trong và ngoài tỉnh hỗ trợ các em về vật chất hoặc nhiều hình thức khác.
Chia sẻ thêm về nghề, cô cho biết, trẻ em Mông có điểm chung là rất nhút nhát, khả năng nghe tiếng Việt còn hạn chế. Bởi vậy, mỗi giờ lên lớp truyền thụ kiến thức, cô luôn sử dụng song song 2 thứ tiếng để hỗ trợ các em một cách tốt nhất.
Sự tận tụy vì học trò của cô giáo Lầu Y Pay đã “chinh phục” được đồng bào Huồi Mới, họ đã thực sự coi cô là người thân và tự nguyện cho con em đến trường. Với những nỗ lực không mệt mỏi, năm 2022-2023, cô Pay đã đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp huyện, đồng thời trúng cử vào Đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện Quế Phong nhiệm kỳ 2021-2026. Năm 2021-2022, cô được Chủ tịch UBND huyện Quế Phong tặng Giấy khen Giáo viên có nhiều cống hiến tại địa bàn khó khăn. Cô cũng là 1 trong 3 nhà giáo của tỉnh Nghệ An và 200 nhà giáo tiêu biểu toàn quốc được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, cô đã vinh dự được tham gia sự kiện Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà giáo tiêu biểu.
Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An xúc động bày tỏ: “Trong những đóng góp tận tụy của đội ngũ nhà giáo thì khó khăn, vất vả nhất phải kể đến các giáo viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt địa bàn giáp biên giới. Đây là những nơi đang thiếu thốn về kinh tế, cơ sở vật chất, nhận thức của bà con còn hạn chế. Cô giáo Lầu Y Pay là điển hình về tấm gương sáng trong ngành Giáo dục, luôn tận tụy với nghề, kiên trì, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm mang con chữ đến với trẻ em vùng cao”.