Bảng quảng cáo tại 349 Lê Đại Hành, phường 11, quận 11 (TP.HCM):

Có đúng “ưu tiên kế thừa các vị trí quảng cáo phù hợp”?

HOÀNG HẢI

VHO - Chỉ quan sát thoáng qua cũng nhận thấy rõ những sai phạm trên nhiều bảng quảng cáo áp tường tại một cơ sở kinh doanh xe máy điện trên địa bàn phường 11, quận 11 (TP.HCM).

Có đúng “ưu tiên kế thừa các vị trí quảng cáo phù hợp”? - ảnh 1
Nhiều bảng quảng cáo tại cơ sở kinh doanh xe máy điện Quang Phương có địa chỉ số 349 Lê Đại Hành, phường 11 (quận 11). Ảnh chụp ngày 27.5

Tuy nhiên, trong văn bản trả lời phóng viên Văn Hóa do Chủ tịch UBND phường 11 ký cho thấy sự thoái thác trách nhiệm, thậm chí có dấu hiệu “bao che” để cho sai phạm tồn tại.

Cụ thể là các bảng quảng cáo tại cùng một cơ sở kinh doanh xe điện Quang Phương có địa chỉ số 349 Lê Đại Hành, phường 11, quận 11. Ghi nhận thực tế của phóng viên cho thấy, tại cơ sở nói trên có tới 5 bảng quảng cáo áp tường ngoài trời sai quy định, nội dung quảng cáo sản phẩm xe máy điện mang thương hiệu YADEA đến từ Trung Quốc.

Trong đó có hai bảng quảng cáo áp tường kích thước lớn với diện tích khoảng 100m2, nội dung quảng cáo sản phẩm xe máy điện YADEA. Theo quy định của Luật Quảng cáo hiện hành, những bảng quảng cáo này phải được cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo tiến hành thẩm định, cấp phép xây dựng công trình quảng cáo và văn bản đồng ý về nội dung quảng cáo.

Cũng tại cơ sở này còn tồn tại ba bảng quảng cáo áp tường với kích thước nhỏ hơn, nội dung quảng cáo lô gô và thương hiệu YADEA, tồn tại trước mặt tiền và bên hông cửa hàng. Cần nói thêm, năm 2024, hãng xe này đã từng “dính líu” đến việc bản đồ hệ thống cửa hàng của hãng hiển thị mập mờ về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Trong khi đó, tại điểm 2.2.1.7.1 Thông tư 04/2018/TT-BXD của Bộ Xây dựng Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện quảng cáo ngoài trời, quy định: Mặt trước hoặc mặt sau mỗi tầng được đặt một bảng quảng cáo ngang và một bảng quảng cáo dọc liền kề biển hiệu (nếu có); trường hợp không có biển hiệu cũng chỉ được đặt một bảng quảng cáo ngang và một bảng quảng cáo dọc.

Đối với bảng quảng cáo, hộp đèn ngang: Nhô ra khỏi mặt ngoài công trình tối đa 0,2m với chiều cao tối đa 2m, chiều ngang không được vượt quá giới hạn chiều ngang công trình. Đối với bảng quảng cáo, hộp đèn dọc: Ốp, gắn sát vào mặt ngoài công trình với chiều ngang tối đa 1m, chiều cao tối đa 4m nhưng không vượt quá chiều cao của tầng công trình nơi đặt bảng quảng cáo.

Tại điểm 3.2.2, Thông tư 04/2018/TT-BXD của Bộ Xây dựng cũng quy định: Phương tiện quảng cáo ngoài trời hiện hữu có vị trí, kích thước, kiểu dáng không phù hợp với quy định của Quy chuẩn này, chỉ được tồn tại hết thời hạn ghi trong giấy phép quảng cáo.

Thế nhưng, trong văn bản số 857/UBND do ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ tịch UBND phường 11 (quận 11) ký trả lời phóng viên Văn Hóa cho biết, việc lắp đặt biển quảng cáo tại địa chỉ nói trên theo hiện trạng quảng cáo đã có từ năm 2006, khi Chi nhánh Công ty TNHH Quang Hùng Phương đi vào hoạt động, từ đó đến nay không có xây dựng mới.

Có đúng “ưu tiên kế thừa các vị trí quảng cáo phù hợp”? - ảnh 2
Nhiều bảng quảng cáo tại cơ sở kinh doanh xe máy điện Quang Phương có địa chỉ số 349 Lê Đại Hành, phường 11 (quận 11). Ảnh chụp ngày 27.5

“Hiện nay, TP.HCM chưa thông qua quy hoạch quảng cáo ngoài trời... Tuy nhiên, theo quy định của Luật Quảng cáo năm 2012 thì tại vị trí 349 Lê Đại Hành (phường 11) đã hiện hữu trước khi Luật Quảng cáo ban hành theo điểm đ khoản 1 Điều 37 là ưu tiên kế thừa các vị trí quảng cáo phù hợp với quy định đã có trước”, văn bản số 857/UBND của Chủ tịch UBND phường 11 ký nêu rõ.

Tuy nhiên, khi xem kỹ Luật Quảng cáo năm 2012, chúng tôi không tìm thấy bất cứ một điểm nào trong khoản 1 của Điều 37. Nội dung khoản 1 Điều 37 cũng không hề có bất cứ quy định nào về “ưu tiên kế thừa các vị trí quảng cáo phù hợp” như văn bản UBND phường 11 cung cấp.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nội dung “ưu tiên kế thừa các vị trí quảng cáo phù hợp” được quy định cụ thể tại điểm đ khoản 2 Điều 37 Luật Quảng cáo năm 2012, chứ không phải quy định tại khoản 1 Điều 37 như nội dung phản hồi của UBND phường 11.

Như vậy, UBND phường 11 đã “nhầm lẫn” khi dẫn quy định Luật Quảng cáo và còn tự ý “sáng tác” thêm điểm đ khoản 1 của Điều 37, thậm chí thay đổi cả nội dung của khoản 1 Điều 37 Luật Quảng cáo năm 2012.

Chưa hết, Chủ tịch UBND phường 11 còn “tự đổi” họ cho phóng viên Văn Hóa, khi ở đầu văn bản số 857/UBND ghi rõ tên phóng viên Lê Hoàng Hải, nhưng câu cuối của văn bản này ghi trả lời “ông Nguyễn Hoàng Hải”.

Về nguyên tắc, một văn bản hành chính trước khi được Chủ tịch UBND phường 11 ký gửi đi, văn bản đó đã được thông qua các bộ phận và cá nhân liên quan xem kỹ. Thế nhưng, văn bản số 857/UBND chỉ gói gọn trên một mặt giấy A4 với nhiều nội dung thiếu chính xác như trên, vẫn được ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ tịch UBND phường 11 ký ban hành.

Đáng nói hơn, tháng 8.2024, Chủ tịch UBND TP.HCM đã có chỉ đạo thông qua văn bản số 4510/UBND-VX về tăng cường công tác quản lý hoạt động quảng cáo trên địa bàn thành phố. Theo đó, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các địa phương thường xuyên kiểm tra, kiên quyết xử lý, tháo dỡ công trình quảng cáo không đúng quy định.

Rà soát, không đề xuất đưa vào quy hoạch những vị trí không còn phù hợp với quy định trong giai đoạn hiện nay. Thế nhưng, ghi nhận thực tế hiện nay, trên địa bàn phường 11 (quận 11) vẫn đang tồn tại nhiều công trình quảng cáo sai quy định. Để tồn tại thực trạng này, dư luận có quyền nghi ngờ về năng lực quản lý cũng như dấu hiệu “bao che” chính quyền sở tại.