Chuyện những người “hái lá mùng năm”

KHÁNH CHI

VHO - Dịp Tết Đoan Ngọ (5.5 âm lịch), khắp các chợ lớn nhỏ ở Quảng Nam, đi đâu cũng ngào ngạt mùi thơm của các loại “lá mùng năm” (lá lao) từ đảo Cù Lao Chàm. Như một tập tục dân gian, ai đến chợ cũng mua một vài bó lá tươi hoặc khô về nấu nước uống thanh lọc cơ thể hoặc chữa một số bệnh như ho, cảm sốt, đau bụng…

Chuyện những người “hái lá mùng năm” - ảnh 1

Ông Vinh vào rừng thu hoạch lá

 Nửa thế kỷ “hái lá mùng năm”

“Nước lá” là biệt danh mà người dân Cù Lao Chàm đặt cho ông Nguyễn Vinh (67 tuổi), người gìn giữ rất nhiều tri thức bản địa về các loại lá rừng. Một ngày làm việc của ông Vinh bắt đầu từ khoảng 5 giờ sáng, với đồ nghề mang theo khá đơn giản, chỉ có cây rựa, bao tời, cây ba cháng, cuốc hoặc xà beng… Khởi hành từ Bãi Ông đến Eo Gió, ông men theo con đường mòn mà dân Cù Lao hay gọi là “đường lá lao” để lên núi tìm lá rừng. Con đường ngoằn ngoèo dù không có định vị, sơ đồ chỉ dẫn, nhưng hơn 50 năm đi về, ông Vinh đã thuộc nằm lòng những địa danh dân gian lưu truyền như Hang Lờm, Hòn Sẹo, dốc Ông Bòa, khe nước Nhĩ, Mũi Đông, Hòn Nhàn, Khe Trôi…

Ông Vinh “nước lá” cho biết đã theo chân cha đi hái lá trên con đường này từ khi mới 15 tuổi. Thuở ấy còn chưa có đường nhựa quanh núi, hai cha con đi theo chỉ dẫn mà những già làng trên đảo đã đi. Miết thành quen, góc nào, khu nào có loại lá gì, ông đều nhớ tên, nhớ vị trí như in trong não...

Chuyện những người “hái lá mùng năm” - ảnh 2

Công đoạn sơ chế cũng đòi hỏi phải có kinh nghiệm, lá cây được bằm nhỏ, phơi khô chừng 3 nắng, những loại thân hoặc rễ thì phơi lâu hơn. Ảnh: HỒNG VIỆT

Qua khảo sát của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, hiện người dân ở Cù Lao Chàm sử dụng khoảng 80 loại cây lá rừng để tạo nên đặc sản “lá mùng năm”. Bà con tin rằng lá phải được hãm bằng nước giếng Chăm ở xóm Cấm thì uống mới ngon, mới có tác dụng giải nhiệt, tăng đề kháng. Một món nước bổ dưỡng phải đủ 20-25 vị lá rừng, trong đó có những loại đặc trưng như bồ đề núi, quế hương, chè vằng, ngũ da bì, bù gia, bướm bạc, dủ dẻ, hà thủ ô, bời lời, ổi tàu, sâm núi, riềng núi... Hương vị nước thơm ngọt, đậm đà, uống vào giúp ngủ ngon, mát gan, giải độc nên trở thành đặc sản nức tiếng mà du khách nào đến với xứ đảo cũng tìm mua bằng được.

Khi du lịch phát triển, du khách đến đảo nhiều hơn, từ chỗ chỉ để dành uống vào dịp Tết Đoan Ngọ, dùng trong gia đình, “lá mùng năm” đã trở thành sản vật bản địa, được thu hái quanh năm để phơi khô, bán cho khách mang về làm quà.

Ông Nguyễn Từ, một cao niên ở Bãi Làng kể, từ đời ông nội ông đã có nhiều người theo nghề hái lá, tuy phải vào rừng sâu núi thẳm, nhưng khi có kinh nghiệm thì cũng tương đối dễ dàng và cho thu nhập khá. Tuy nhiên, rất ít người trẻ theo nghề này và hiện ở Cù Lao Chàm chỉ còn một nhóm khoảng chừng 10 người chuyên hái lá rừng. Nhiều người đã ở tuổi “xưa nay hiếm” cũng vẫn theo nghề như vợ chồng ông Trần Dâng (76 tuổi, Bãi Làng); ông Lê Duy Mãi (75 tuổi, Bãi Làng); bà Nguyễn Thị Đi (76 tuổi, Bãi Hương)…

Chuyện những người “hái lá mùng năm” - ảnh 3

“Lá mùng năm” bán ở chợ Hội An dịp Tết Đoan Ngọ

Giữ gìn tri thức bản địa

Theo Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, từ năm 2000 trở lại đây, những kinh nghiệm, tri thức dân gian của cư dân trong việc thu hái và sử dụng cây lá ở Cù Lao Chàm đã được đúc kết, lưu truyền và trở thành nghề, vì sản phẩm “lá mùng năm” đã bắt đầu được tiêu thụ rộng rãi. Đây được xem là một trong những loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng ở xứ đảo, góp phần làm phong phú, đa dạng di sản văn hóa của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới.

Trong quá trình thực hành nghề, người dân kiêng không đi rừng đốn lá vào “ngày sóc, ngày vọng” (rằm và mồng một). Những người hiếm hoi còn theo nghề trên đảo Cù Lao Chàm như ông Vinh “nước lá” luôn tâm niệm hái phải biết đủ, phải biết nuôi dưỡng, bảo tồn thì mới giữ được nguồn lá rừng quý hiếm cho đời sau. Mỗi loại lá lại có cách thu hái riêng để cây còn tiếp tục đâm chồi, sinh sôi, nảy nở, chứ nếu cứ theo kiểu chặt ngang gốc, “tận thu” lá thì tài nguyên sẽ cạn kiệt rất nhanh. Tri thức dân gian làm nghề được người dân Cù Lao Chàm giữ gìn và lưu truyền theo cách thức bền bỉ như thế.

Ông Vinh cho biết, nguyên tắc bất di bất dịch từ đời các cụ truyền lại là hái xoay vòng, nay hái khu vực này, mai chuyển sang nơi khác, gặp cây hư hỏng, “đau ốm” thì phải tìm cách dựng, trồng lại, đánh dấu để ghi nhớ hiện trạng từng loại cây như lời chỉ dẫn cho những người hái sau. Người có kinh nghiệm sẽ biết vị trí phân bổ của từng loại cây, cần đốn trong thời gian nào để đảm bảo chất lượng. Khi đốn phải giữ lại gốc và nhánh còn nhỏ, có như vậy cây mới có đủ thời gian sinh trưởng, lá kết tinh đủ dược tính.

Trong tiết học ngoại khóa của các trường học trên đảo cũng mời những người có kinh nghiệm như ông Vinh đến để hướng dẫn cho học sinh kiến thức về “lá mùng năm”, công dụng, cách phân biệt, nhận diện trực quan các loại cây rừng có tác dụng chữa bệnh…

Tuy không còn nhiều người trẻ trên đảo mặn mà với nghề hái lá lao nhưng những người làm nghề lớn tuổi vẫn tin rằng việc truyền tải kinh nghiệm, kiến thức về các loại đặc sản địa phương cho lớp trẻ cũng là cách để bảo tồn di sản. “Các bạn trẻ sẽ có cách làm khác, sáng tạo hơn và đã có những bước đi đầu tiên để đưa lá lao, rau rừng Cù Lao Chàm thành thương hiệu, gắn với địa danh vươn ra thị trường lớn hơn. Hy vọng họ có thể nghiên cứu thành công những loại dược liệu sạch, xanh, thân thiện với môi trường…”, ông Vinh chia sẻ.