Chuyện ăn uống thời nay
VHO - Ẩm thực hay việc ăn uống là chuyện hằng ngày của vua quan sĩ thứ người muôn nước. Ngoài việc để duy trì sự sống, ẩm thực còn được xem là một lạc thú ở đời.
Ăn được món ngon người ta cảm thấy vui thích. Để có được đồ ăn thức uống ngon miệng, người ta phải có nguồn nguyên liệu thực phẩm, chế biến tinh tế, nhiều thứ là bí quyết, lại có khi tùy thuộc vào tay nghề của từng đầu bếp, có đầu bếp được tôn là “vua” (vua bếp).
Người ta coi ẩm thực là một dạng thức văn hóa, văn hóa ẩm thực. Nói đến văn hóa là nói đến sản phẩm thông qua con người mới có, nó khác với tự nhiên thuần túy.
Người ta cũng ví ẩm thực là một nghệ thuật (nghệ thuật ẩm thực) để nhấn mạnh tính độc đáo trong tạo tác đồ ăn thức uống. Vì là để duy trì sự sống, là một trong những lạc thú ở đời, nên trong du lịch cũng không thiếu phần ẩm thực.
Ngoài cảnh trí tự nhiên hay nhân tạo hấp dẫn, các di sản văn hóa kỳ diệu, các món ẩm thực cũng có sức cuốn hút du khách đến với một địa phương nào đó. Bên cạnh các đồ ăn thức uống truyền thống, ngày nay rất phổ biến loại thực phẩm chức năng, giúp phòng bệnh hay trong quá trình chữa bệnh.
Người ta thường nói đến văn hóa ẩm thực là cái cách người ta chế biến thức ăn, cái cách mà người ta ăn uống với những sự khác nhau giữa các dân tộc, vùng miền. Điều đó không sai. Nhưng những sự cố gần đây lại khiến người viết suy nghĩ thêm một khía cạnh khác của nó.
Những thực phẩm như sữa giả, lòng dồi thiếu an toàn, thực phẩm chức năng giả đã được nhiều cơ quan chức năng phanh phui gần đây khiến mọi người phải rùng mình. Cứ thử nghĩ, sữa là thứ thường dùng cho người già, trẻ em, nhất là người bệnh nhẹ bệnh nặng, uống phải sữa giả thì hậu quả sẽ thế nào?
Nếu các loại thực phẩm chức năng giả không được phát hiện, những người cần dùng cứ tin tưởng, cứ “vô tư” mà dùng, thì hậu quả thế nào? Giả dụ mua phải một cái ti vi giả nhãn hiệu thì hậu quả cuối cùng là ti vi mau hư, người mua cùng lắm là mất khoản tiền mua cái ti vi đó.
Nhưng hậu quả của thực phẩm giả, thực phẩm chức năng giả không chỉ như vậy. Đương nhiên người tiêu dùng mất khoản tiền mua nó, mà còn rước về mình mối nguy hại đối với sức khỏe, và cái này mới là mất mát lớn hơn rất nhiều. Đã có bao nhiêu người mất tiền để mua về thứ tưởng làm cho họ khỏi suy dinh dưỡng mà thêm suy dinh dưỡng, khỏi bệnh mà lại thêm bệnh, đáng ra chưa chết mà lại phải chết?
Cho nên tôi trộm nghĩ, văn hóa ẩm thực chưa nên nói gì cao siêu, trước tiên phải là sự sạch trong lương tâm của người làm ra các thứ đồ ăn thức uống. Thực phẩm giả, thực phẩm thiếu an toàn cũng sẽ tác hại đến du lịch. Nếu thực phẩm ngon có sức quyến rũ du khách thì thực phẩm giả, thực phẩm thiếu an toàn sẽ nhanh chóng khiến du khách sụt giảm, tác hại với ngành du lịch cũng rất khó đo đếm.
Thực phẩm giả, thực phẩm thiếu an toàn là thứ tác hại tức thì, trực tiếp đến sức khỏe con người, nên trên thế giới người ta đều coi trọng vấn đề kiểm định chất lượng thực phẩm. Thực phẩm phải được kiểm soát chặt chẽ.
Khi có người làm thực phẩm giả, thực phẩm thiếu an toàn, kém chất lượng, sẽ bị xử phạt rất nặng, thường khi phải phá sản, không còn cơ hội hành nghề. Từ đó mới đủ sức răn đe đối với những cá nhân hay đơn vị hoặc vô ý hoặc cố tình vi phạm.
Việc phát hiện gần như cùng một thời gian nhiều thực phẩm giả, thực phẩm dỏm, cũng có thể đoán rằng nó đã từng tồn tại một thời gian dài ngắn trước đây, và tác hại của nó đã có nhưng ta chưa thể biết được mức độ sâu rộng thế nào.
Lại một vấn đề liên quan cũng đáng quan tâm: Vậy tại sao trước đây không phát hiện ra? Ở đây, bên cạnh sự thông đồng trong quản lý chất lượng thực phẩm từ một số cán bộ nhà nước, thì sự không biết hay làm ngơ cũng nên xem là lỗi nghiêm trọng, bởi nó đều dẫn đến những hậu quả khôn lường cho xã hội.
Văn hóa ẩm thực không dành cho những người thiếu lòng nhân, thiếu lương tâm trách nhiệm, sống bừa bãi và hám tiền mà bất chấp sức khỏe của người khác.