Cảnh giác với chiêu trò “kết nối” ghép thận

SƠN THÙY

VHO - Những người từng được hiến ghép thận tại Bệnh viện Trung ương Huế nên đã tạo được lòng tin về việc “kết nối” ghép thận. Nhưng trên thực tế, họ là “đầu mối” mua, bán thận. Nhiều bệnh nhân và người nhà vì mong sớm có cơ hội ghép thận đã không ngần ngại “ký hợp đồng” để rồi vừa mất tài sản vừa ôm bệnh…

Cảnh giác với chiêu trò “kết nối” ghép thận - ảnh 1
Một tài khoản đăng tải “kết nối” người muốn HT (hiến thận) để tư vấn pháp lý nhưng mục đích để “trang trải cuộc sống”

 Từ đầu năm 2024 đến nay, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đã xét xử nhiều vụ án về tội “Mua bán bộ phận cơ thể người” mà chủ yếu là mua bán thận. Đáng nói, câu chuyện được khởi nguồn từ chính những bệnh nhân đã từng được hiến ghép thận thành công.

Là người từng được hiến ghép thận nên nắm rõ chiêu trò

Nguyễn Thanh Tú (SN 1982, quê ở Bà Rịa - Vũng Tàu) và Nguyễn Văn Nghĩa (SN 1990, quê ở Bến Tre) từng là những bệnh nhân được hiến ghép thận nên hiểu rõ quy trình của bệnh viện. Hằng ngày, hai người này thường đến khu vực Bệnh viện Trung ương Huế để tiếp cận những bệnh nhân, người nhà bệnh nhân có nhu cầu ghép thận để kết nối việc mua bán thận. Nhưng thực tế là họ đang môi giới bán thận để hưởng “chênh lệch” kiếm tiền tiêu xài.

Vụ việc bị tố giác đến cơ quan công an khi Nguyễn Thanh Tú đã nhận trước 300 triệu đồng của bệnh nhân Phan H (SN 1988, trú tại TP Huế), nhưng vụ ghép thận không thực hiện được do người hiến từ chối. Tú và Nghĩa thỏa thuận mức giá với bệnh nhân H là 800 triệu đồng tuy nhiên lại đưa ra giá với người bán là 360 triệu đồng/một quả thận. Số tiền mà người nhà anh Phan H chuyển cho Tú là tài sản tích cóp, vay mượn của gia đình, nhưng khi không được thực hiện ghép thận thì Tú dây dưa không chịu trả lại tiền. Theo cơ quan công an, từ năm 2021 đến 2022, Nguyễn Thanh Tú và Nguyễn Văn Nghĩa đã môi giới bán thận 3 lần trót lọt với tổng số tiền 2,6 tỉ đồng, hưởng lợi 630 triệu đồng. Ngoài ra Nguyễn Văn Nghĩa cũng thực hiện riêng một vụ với số tiền 800 triệu đồng, hưởng lợi 210 triệu đồng…

Mới đây, tháng 8.2024, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng tuyên phạt tổng cộng hơn 14 năm tù đối với hai anh em ruột là Nguyễn Thị Thu Hà (SN 1986) và Nguyễn Hữu Toàn (SN 1984, quê ở huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) về tội “Mua bán bộ phận cơ thể người”. Hà là người từng bán thận nên nắm được quy trình thực hiện ở bệnh viện. Từ năm 2022 - 2023, cùng với sự giúp sức của anh trai, Nguyễn Thị Thu Hà đã tiếp cận bệnh nhân và người nhà để thực hiện các “Hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn chăm sóc sức khỏe” nhưng thực chất là hành vi mua bán thận. Hai anh em ruột đã triển khai 3 vụ, thu lợi hàng trăm triệu đồng…

Cảnh giác với chiêu trò “kết nối” ghép thận - ảnh 2
Tháng 8.2024, hai anh em Nguyễn Thị Thu Hà và Nguyễn Hữu Toàn vừa bị TAND tỉnh Thừa Thiên Huế xử phạt tù về tội “Mua bán bộ phận cơ thể người”

Đừng để rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”

Thời gian gần đây, trên nhiều trang mạng xã hội, các đối tượng môi giới, mua bán thận đã sử dụng những tài khoản ảo để trao đổi việc mua bán thận rất tinh vi. Nhưng cũng có một số “group” lại rao việc mua bán thận một cách công khai. Có người là bệnh nhân cần tìm thận tương thích để ghép; có người thì cần bán thận với những lý do gia đình khó khăn, nợ nần, chữa bệnh cho người thân… Những trang hội, nhóm này đã góp phần cho các đối tượng môi giới kết nối thực hiện các vụ mua bán thận kiếm lời, cũng tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo…

Vào nhóm “Mua bán thận” vừa được lập cách đây hơn một tháng, nhiều bài đăng mời chào làm thủ tục pháp lý cho việc “hiến thận” ở khắp các địa phương TP.HCM, Hà Nội, Huế… Trong khi đó, cũng có một số tài khoản rao công khai muốn bán thận và nhận được nhiều bình luận quan tâm, xin địa chỉ, số điện thoại liên lạc, đưa ra mức giá… Với cái tên “Chàng khờ”, Huỳnh Thanh Bá (SN 1990, quê Gia Lai) đã tham gia nhóm “Hội hiến thận” trên mạng xã hội facebook để tìm kiếm những người có nhu cầu mua và bán thận. Trong năm 2021 và 2022, Bá đã hai lần thực hiện việc mua, bán thận và đã nhận tạm ứng trước của các người bệnh hơn 800 triệu đồng để thực hiện các chi phí xét nghiệm. Tuy nhiên cả hai lần này đều không thành công do người bán thận không đảm bảo sức khỏe, tiêu chuẩn để hiến. Số tiền đã nhận của các bệnh nhân, trừ chi phí xét nghiệm và các thủ tục, Huỳnh Thanh Bá đã trục lợi hơn 400 triệu đồng tiêu xài cá nhân. Tháng 6.2024 vừa qua, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tuyên phạt Huỳnh Thanh Bá 7 năm tù và buộc trả lại toàn bộ số tiền đã thu lợi được cho các nạn nhân.

Theo cơ quan Công an, tội phạm lợi dụng nhu cầu được ghép thận của nhiều người trong xã hội hiện nay để thực hiện việc môi giới, lừa đảo đang có dấu hiệu gia tăng. Cơ quan Công an khuyến cáo, người dân có nhu cầu nhận thận, hiến thận cần đến cơ sở y tế tìm hiểu thông tin, đăng ký nhận mô, bộ phận hiến tặng và chờ cơ hội được ghép nội tạng. Không tự ý làm quen, đặc biệt là thông qua các trang mạng xã hội, qua dịch vụ và các đối tượng không phải là cán bộ, y tá, bác sĩ thuộc các bệnh viện chuyên khoa thận.

Bên cạnh sự vào cuộc của các lực lượng Công an, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường tuyên truyền Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác để người dân nắm được đầy đủ. Đồng thời khuyến khích, động viên người dân tham gia hiến, tặng mô với ý nghĩa nhân đạo cho những người mắc bệnh có cơ hội phục hồi sức khỏe. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc