Các bệnh viện phòng ngừa và ứng phó khi sự cố y khoa xảy ra

V.THANH

VHO - Là ngành nghề mang tính đặc thù, dù các cán bộ y tế có làm tốt đến đâu thì bệnh viện vẫn là nơi tiềm ẩn sự cố y khoa và sai sót chuyên môn.

Đây là phát biểu của TS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) tại Hội nghị tập huấn triển khai thí điểm bộ công cụ báo cáo sự cố y khoa trực tuyến và quản lý nguy cơ, an toàn người bệnh diễn ra ngày 11.3 tại Hà Nội.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trung bình mỗi năm, có 134 triệu sự cố y khoa xảy ra tại các bệnh viện ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình (LMIC), gây ra khoảng 2,6 triệu ca tử vong, trong khi khoảng một nửa số sự cố y khoa đó có thể phòng ngừa được.

Cứ 10 người bệnh thì có hơn 1 người gặp phải sự cố y khoa, khoảng 12% sự cố đó gây tổn hại nặng (tình trạng tàn tật vĩnh viễn hoặc tử vong).

Các bệnh viện phòng ngừa và ứng phó khi sự cố y khoa xảy ra - ảnh 1
Sau khi sự cố y khoa xảy ra, người thân bệnh nhân tập trung gây áp lực tại một bệnh viện ở Nghệ An

Tại Việt Nam, mỗi năm có 170 triệu lượt người bệnh khám, chữa bệnh ngoại trú, trên 10 triệu lượt bệnh nhân nội trú.

Mỗi lượt người khám nội trú cần thực hiện từ hàng chục thậm chí hàng trăm thủ thuật lâm sàng. Do đó có rất nhiều những sai sót và nguy cơ tiềm ẩn.

Theo TS Hà Anh Đức, việc triển khai thí điểm bộ công cụ báo cáo sự cố y khoa trực tuyến và quản lý nguy cơ, an toàn người bệnh giúp lãnh đạo các bệnh viện và Cục Quản lý Khám chữa bệnh được biết nhanh nhất sự cố y khoa cùng đơn vị chuyên môn có những giải pháp khắc phục kịp thời.

Tại buổi tập huấn, TS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho rằng, sự cố y khoa là các tình huống không mong muốn xảy ra trong quá trình chẩn đoán, chăm sóc và điều trị bệnh nhân.

Nguyên nhân có thể do các yếu tố khách quan, chủ quan hoặc diễn biến bệnh lý hoặc cơ địa người bệnh, tác động sức khỏe, tính mạng của người bệnh.

Tuy nhiên việc không ứng phó kịp thời và hiệu quả với một sự cố sẽ dẫn đến các hậu quả như ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành Y tế, người bệnh mất niềm tin, bệnh viện mất bệnh nhân, nhân viên y tế hoang mang…

Vì vậy, để chủ động trong xử lý sự cố y khoa có thể xảy ra, bệnh viện cần chủ động chuẩn bị trước sự cố. Ít nhất đánh giá 6 tháng 1 lần;

Thành lập đội ngũ phản ứng nhanh chuyên xử lý sự cố: cần có kế hoạch, phân công cụ thể vai trò của từng cá nhân có liên quan.

Nhằm bảo đảm khi có sự cố y khoa xảy ra, việc xử lý sự cố phải tích cực, phù hợp, nhịp nhàng.

Đặc biệt khi có sự cố xảy ra, bên cạnh đảm bảo an toàn cho người bệnh cần cung cấp thông tin chi tiết về sự cố cho lãnh đạo bệnh viện hoặc người giám sát.

Với người nhà bệnh nhân cần thẳng thắn, cởi mở, cung cấp đầy đủ thông tin; nếu có lỗi, phải nhận lỗi; khẳng định trách nhiệm khắc phục hậu quả và cần tìm kiếm sự thông cảm và hậu thuẫn của người bệnh và người nhà người bệnh…

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc