Bộ GD&ĐT gặp mặt 60 gương giáo viên chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024
VHO - Ngày 14.11 tại Hà Nội, trong khuôn khổ chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi đã gặp mặt và tặng Bằng khen cho 60 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu được tuyên dương và nhà giáo trẻ tiêu biểu lần thứ IV.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cống hiến của các thầy cô giáo trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” và “Nhà giáo trẻ tiêu biểu”.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi, 2 chương trình không chỉ đúng với nhiệm vụ, trách nhiệm của Trung ương Đoàn, Trung ương Hội LHTN Việt Nam mà còn có ý nghĩa lớn lao đối với lực lượng cán bộ, giáo viên trên tất cả các địa bàn.
“Nhiệm vụ giáo dục ở vùng sâu, vùng xa và những trường chuyên biệt còn nhiều thử thách, thiếu thốn, bất cập nên cần hơn hết những nhà giáo tiên phong, lĩnh xướng nhận nhiệm vụ đó. Các nhà giáo được tuyên dương có sức lan toả như lời hiệu triệu hàng ngàn nhà giáo trẻ trên mọi miền Tổ quốc cùng cống hiến vì sự nghiệp giáo dục”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi nói.
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam cho biết, chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Uỷ ban Dân tộc, Bộ GD&ĐT, Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức. Sau 9 năm triển khai, chương trình đã tuyên dương 516 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu xuất sắc.
Đó là các thầy cô “bám bản” dạy vùng sâu, vùng xa; các thầy cô đang giảng dạy ở các huyện đảo, xã đảo xa xôi; các thầy giáo là những người chiến sĩ bộ đội Biên phòng mang quân hàm xanh nâng bước em đến trường và các thầy, cô giáo dục đặc biệt dạy các em học sinh khuyết tật; các giáo viên các trường giáo dưỡng thuộc Bộ Công an; các thầy giáo, cô giáo có nhiều cải tiến, sáng tạo thành tích trong thời kỳ cả nước phòng, chống đại dịch Covid – 19…
Năm nay, chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” tuyên dương 60 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu đang dạy học ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, huyện đảo, xã đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, các thầy giáo, cô giáo giáo dục đặc biệt, giáo viên các trường giáo dưỡng thuộc Bộ Công an, các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng làm công tác xóa mù chữ cho đồng bào, thanh thiếu nhi trên địa bàn đóng quân.
Trong đó có 4 cán bộ chiến sĩ bộ đội Biên phòng; 4 giáo viên thuộc trường giáo dưỡng Bộ Công an; 6 giáo viên giáo dục đặc biệt dạy học sinh khuyết tật, 6 giáo viên thuộc xã đảo, huyện đảo, còn lại là thầy giáo, cô giáo thuộc các xã vùng III (đặc biệt khó khăn) thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 861/QĐ – TTg của ngày 4.6.2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp Trung ương là giải thưởng do Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng hàng năm vào dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11. Nhà giáo trẻ tiêu biểu là những cô giáo, thầy giáo đạt nhiều thành tích cao trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, dấn thân cống hiến cho xã hội, sống gương mẫu và là tấm gương sáng cho học sinh, sinh viên.
Tại chương trình, các thầy, cô giáo và các nhà giáo trẻ đã trao đổi, chia sẻ những khó khăn trong quá trình giảng dạy; những động lực giúp các thầy cô tận tâm, cống hiến với nghề và những mong muốn, nguyện vọng về chế độ chính sách cho những giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Chia sẻ về công việc của mình, cô Hoàng Thị Ngọc Xuyến, Trường giáo dưỡng số 4, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (Bộ Công an) cho biết: Công việc của chúng tôi là quản lý, giáo dục, chăm sóc đối tượng là trẻ vị thành niên có hành vi vi phạm pháp luật, trong độ tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi. Ở độ tuổi còn rất nhỏ như vậy nhưng các em trước khi vào trường đã những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội như: giết người, hiếp dâm, trộm cắp, buôn bán và tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma tuý, gây rối trật tự công cộng...
“Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình giáo dục các em nhưng chúng tôi luôn nỗ lực, cố gắng để giúp các em có những sự thay đổi về nhận thức, tu dưỡng, học tập và rèn luyện sớm trở thành những người công dân lương thiện, hữu ích cho xã hội. Các em vào trường được tham gia học tập văn hoá, lao động và hướng nghiệp dạy nghề; giáo dục kỹ năng sống; giáo dục giới tính, và sức khoẻ sinh sản cho các em…”, cô Hoàng Thị Ngọc Xuyến chia sẻ.
Còn với cô Bùi Thị Thuý, trường Trẻ em khuyết tật huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định chia sẻ: Là một giáo viên dạy học sinh bình thường đã khó, đối với các em học sinh khuyết tật còn khó hơn nhiều nhưng với tấm lòng yêu nghề, mến trẻ, coi học sinh như những người thân yêu của mình. Cô và các đồng nghiệp đã dạy các em tiếp thu kiến thức, kỹ năng xã hội, kỹ năng giao tiếp để các em có thể hoà nhập tốt hơn với xã hội, không cảm thấy tự ti, mặc cảm…
Tại chương trình, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi đã trao Bằng khen của Bộ GD&ĐT cho 60 thầy cô giáo tham dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024.
Lễ tuyên dương các giáo viên tham gia chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024, sẽ diễn ra tại Nhà hát Chèo Việt Nam vào tối 15.11.