Biến đổi khí hậu gây ra cháy rừng ở châu Âu như thế nào?

VHO - Châu Âu đang trải qua một mùa cháy rừng nghiêm trọng trong năm 2025, với hàng loạt đám cháy bùng phát dữ dội khắp khu vực Địa Trung Hải.

Từ Catalonia (Tây Ban Nha) đến các đảo Hy Lạp như Evia và Crete, thảm thực vật khô hạn nhanh chóng biến thành ngọn lửa cuồng nộ, thiêu rụi nhà cửa, rừng cây và buộc hàng nghìn người phải sơ tán. Trong bối cảnh này, giới khoa học khẳng định biến đổi khí hậu chính là yếu tố làm trầm trọng thêm nguy cơ cháy rừng ở châu lục này.

Theo Hệ thống Thông tin Cháy rừng châu Âu (EFFIS), hơn 227.000 ha đất đã bị thiêu rụi tính đến đầu tháng 7 – con số cao gấp đôi mức trung bình trong vòng 20 năm qua. Dù chưa vượt mốc kỷ lục của các năm 2003 và 2017, khi diện tích cháy lên đến hơn 1,1 triệu ha mỗi năm, các chuyên gia cảnh báo tình hình năm nay vẫn có thể diễn biến tồi tệ hơn trong những tháng còn lại.

Lính cứu hỏa nỗ lực dập tắt đám cháy rừng lan rộng tại Les Pennes-Mirabeau, gần Marseille, miền nam nước Pháp, ngày 8.7. Ảnh: Pompiers13
Lính cứu hỏa nỗ lực dập tắt đám cháy rừng lan rộng tại Les Pennes-Mirabeau, gần Marseille, miền nam nước Pháp, ngày 8.7. Ảnh: Pompiers13

Một nguyên nhân then chốt là thời tiết cực đoan. Mùa hè ở Địa Trung Hải đang trở nên nóng hơn và khô hơn, kéo dài nguy cơ cháy suốt nhiều tháng. Khi một đám cháy bùng phát, gió mạnh cùng thảm thực vật khô cằn tạo điều kiện cho ngọn lửa lan nhanh và vượt khỏi tầm kiểm soát.

Biến đổi khí hậu – hệ quả từ việc con người đốt than, dầu và khí đốt – đã khiến Trái đất nóng lên khoảng 1,3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đặc biệt, châu Âu là khu vực nóng lên nhanh gấp đôi mức trung bình toàn cầu kể từ thập niên 1980. Đường cơ sở nhiệt độ tăng khiến các đợt nắng nóng diễn ra thường xuyên và khốc liệt hơn, kéo theo nguy cơ cháy rừng bùng phát trên diện rộng.

Không chỉ các nước Địa Trung Hải, nhiều khu vực khác ở châu Âu cũng đang đứng trước nguy cơ cao. Theo dự báo, tháng 8 năm nay nhiệt độ sẽ tiếp tục cao hơn trung bình, trong khi lượng mưa tại nhiều nơi sẽ thấp hơn mức bình thường, đặc biệt là ở miền Nam và Đông Âu.

Chính phủ các nước đã bắt đầu hành động. Hy Lạp huy động kỷ lục 18.000 lính cứu hỏa cho mùa cháy năm nay, đồng thời triển khai chiến thuật tuần tra và phản ứng sớm nhằm hạn chế thiệt hại. Tuy nhiên, các yếu tố xã hội như dân số giảm tại vùng nông thôn, dẫn đến thiếu lực lượng chăm sóc rừng, cũng góp phần làm tăng nguy cơ hỏa hoạn.

Liên hợp quốc cảnh báo rằng số vụ cháy rừng cực đoan toàn cầu có thể tăng tới 14% vào cuối thập kỷ này. Các chuyên gia nhấn mạnh, cần tập trung đầu tư vào công tác phòng ngừa, chẳng hạn như đốt rừng có kiểm soát để loại bỏ vật liệu dễ bắt lửa, hay phục hồi các hệ sinh thái như đất ngập nước và vùng than bùn – nơi có khả năng tự nhiên trong việc giữ nước và ngăn cháy lan rộng.

Theo HOÀI PHƯƠNG (THEO REUTERS, EURONEWS)/Báo Công Luận

Link bài viết gốc

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc