Biến chứng nguy hiểm của bệnh Zona do tự ý dùng Corticoid kéo dài
VHO - Biến chứng nguy hiểm của bệnh Zona là hậu quả của việc tự ý dùng Corticoid kéo dài hay dị ứng mạt bụi trong nhà gây viêm xoang kéo dài cho trẻ em là những thông tin được các bác sĩ cảnh báo trong công tác chăm sóc sức khỏe tại gia đình.
Biến chứng nguy hiểm của bệnh Zona do tự ý dùng Corticoid kéo dài
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận và điều trị một bệnh nhân nữ 78 tuổi (bà N.T.Q, trú tại Bắc Ninh) trong tình trạng viêm mô bào nặng vùng mặt, trán và đỉnh đầu do vi khuẩn tụ cầu vàng. Các vùng tổn thương sưng nề, đỏ, chảy mủ, kèm theo nhiễm khuẩn huyết.

Bệnh nhân có tiền sử hen phế quản, thường xuyên tự ý sử dụng corticoid kéo dài mà không theo chỉ định y tế. Ngoài ra, bà từng bị tai biến liệt nửa người trái cách đây hai năm và đang điều trị tăng huyết áp, tuy nhiên không rõ loại thuốc đang dùng.
Theo người nhà, khoảng 20 ngày trước khi nhập viện, bà Q xuất hiện các phỏng nước thành chùm trên nền da đỏ rát ở vùng mặt và đỉnh đầu. Bà được điều trị tại bệnh viện địa phương trong 7 ngày nhưng tình trạng không cải thiện, tổn thương lan rộng, sưng nề nặng và chảy mủ nên được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
BSCKII Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp cho biết: “Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng nặng sau khi bị zona thần kinh do không được phát hiện và điều trị kịp thời, dẫn đến viêm mô bào lan rộng vùng mặt và da đầu. Hình ảnh chụp CT sọ não có nghi ngờ viêm xương”.
Sau 7 ngày điều trị tích cực, tình trạng nhiễm trùng được kiểm soát. Tuy nhiên, vùng da đầu bị hoại tử diện rộng, buộc phải phẫu thuật cắt lọc mô hoại tử và đặt hệ thống hút áp lực âm (VAC) để làm sạch tổn thương.
Theo Ths.Bs Nguyễn Ngọc Linh, chuyên khoa Tạo hình thẩm mỹ, zona thần kinh vùng da đầu mang tóc là thể bệnh khá hiếm gặp. Trong trường hợp này, bệnh nhân cao tuổi, suy giảm miễn dịch do dùng corticoid kéo dài khiến vi khuẩn dễ xâm nhập, gây tổn thương lan rộng và nghiêm trọng.
Bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật cắt lọc toàn bộ mô hoại tử, đồng thời đặt hệ thống hút áp lực âm VAC – thiết giúp loại bỏ dịch bẩn, mô hoại tử, vi khuẩn, giúp làm sạch ổ viêm và kích thích hình thành mô hạt mới.
Sau 1-2 tuần điều trị, khi ổ viêm được kiểm soát, các bác sĩ mới tiến hành tạo hình phần da đầu bị khuyết để phục hồi tổn thương. Hiện nay, các tổn thương trên da đầu đang hồi phục tốt.
BSCKII Nguyễn Nguyên Huyền, Giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo: “Người từ 50 tuổi trở lên, đặc biệt những người có bệnh nền hoặc hệ miễn dịch suy yếu, nên chủ động tiêm vắcxin phòng Zona.
Đồng thời, khi xuất hiện các dấu hiệu ban đầu như đau rát, nổi mẩn đỏ hoặc mụn nước trên da, người bệnh cần đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ biến chứng nặng nề như hoại tử, nhiễm khuẩn huyết hoặc tổn thương thần kinh kéo dài.
Dị ứng mạt bụi nhà - Thủ phạm gây viêm xoang kéo dài
Mới đây, Phòng khám Đa khoa Medlatec đã tiếp nhận trường hợp bé trai 9 tuổi bị viêm mũi xoang dị ứng kéo dài suốt 2 năm. Sau khi thăm khám và thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán, bác sĩ xác định nguyên nhân chính gây bệnh là do dị ứng mạt bụi nhà – một yếu tố rất phổ biến và dễ bị bỏ qua trong môi trường sống hàng ngày.

Người nhà bé cho biết, suốt 2 năm nay, bé N.Q.H. (9 tuổi, TP.HCM) thường xuyên xuất hiện tình trạng ngứa mũi, hắt hơi, sổ mũi trong. Các triệu chứng tăng lên khi có yếu tố thời tiết thay đổi, không khí lạnh, đặc biệt là khói bụi, khói thuốc lá.
1 tháng gần đây, tình trạng diễn biến nặng hơn. Trẻ nghẹt mũi 2 bên, khi ngủ phải há miệng thở, sổ mũi trong kèm ngứa mũi, hắt hơi. Thỉnh thoảng, trẻ đau đầu vùng trán, mệt mỏi, ho đờm ít.
Người nhà đưa bé H. tới Phòng khám Đa khoa Medlatec Gò Vấp thăm khám. Kết quả chụp CT-Scanner xoang phát hiện tình trạng viêm mũi xoang dị ứng. Đặc biệt, kết quả xét nghiệm panel 53 dị nguyên có chỉ số IgE đặc hiệu tăng cao, panel dị ứng dương tính mạnh với dị nguyên mạt bụi nhà.
Theo Ths.Bs Trần Minh Dũng - Chuyên khoa Tai mũi họng, Phòng khám Đa khoa Medlatec Gò Vấp, tỉ lệ mắc viêm mũi dị ứng khoảng 10-30% dân số tại các quốc gia phát triển. Trẻ em có thể bắt đầu mắc sau 2 tuổi, tỉ lệ tăng dần cho đến tuổi thanh thiếu niên.
Tuy không phải là bệnh lý nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính mạng, tuy nhiên quá trình điều trị viêm mũi dị ứng gây ra gánh nặng kinh tế lớn, tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Hiện nay, xu thế mắc bệnh gia tăng, phần lớn liên quan đến quá trình đô thị hóa, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Trong đó, mạt bụi nhà là một trong những yếu tố phổ biến gây ra tình trạng dị ứng.
Nhưng nhiều người vẫn còn chủ quan, chưa nhận thức rõ mức độ ảnh hưởng của loại dị nguyên này trong không khí và môi trường sinh hoạt hằng ngày.
Mạt bụi nhà là sinh vật chân đốt, thuộc lớp nhện, không nhìn thấy bằng mắt thường, sống trong môi trường ấm, ẩm như nệm, gối, chăn, rèm cửa, thảm, thú nhồi bông... Thức ăn của chúng chủ yếu là tế bào da người, động vật bong tróc.
Đối với trẻ em có cơ địa dị ứng, chỉ cần tiếp xúc với một lượng nhỏ mạt bụi cũng đủ để kích hoạt phản ứng viêm mũi xoang, kéo dài dai dẳng nếu không phát hiện và xử lý kịp thời.
Vì vậy, Ths.Bs Trần Minh Dũng khuyến cáo, việc phòng ngừa viêm xoang ở trẻ không chỉ nằm ở điều trị y tế mà còn đòi hỏi sự chủ động từ phụ huynh trong việc cải thiện không gian sống của trẻ.
Theo bác sĩ Dũng, một số biện pháp phòng ngừa cần thực hiện là: Dùng vỏ bọc nệm, gối, chăn bằng vải dệt ≤6 micron. Nên chọn loại có thể giặt nhiều lần, không giữ bụi trên bề mặt
Kiểm soát độ ẩm: Giữ ẩm độ trong nhà dưới 50%. Dùng máy lạnh hoặc máy hút ẩm thay vì máy phun sương. Tránh trải thảm trên nền xi măng ẩm (dễ giữ ẩm và mốc).
Vệ sinh nhà cửa: Giặt drap, vỏ gối, chăn mền hằng tuần bằng nước nóng ≥55°C; Hút bụi bằng máy có bộ lọc HEPA hoặc túi lọc dày; Giảm bớt thú nhồi bông, ghế nệm, rèm vải trong phòng ngủ.
Dùng nhiệt, hóa chất: Hấp hơi nóng, sấy khô ở nhiệt độ cao có thể tiêu diệt mạt bụi. Một số chất (benzyl benzoate, tannic acid) có tác dụng ngắn, hiệu quả hạn chế. Acaricide 0.1% (emamectin) đang được nghiên cứu.
Cha mẹ cần trang bị kiến thức để nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường và chủ động đưa trẻ đi khám chuyên khoa khi cần thiết. Nếu trẻ có biểu hiện hắt hơi, nghẹt mũi, chảy nước mũi trong kéo dài, ho đêm... hãy đưa trẻ đi khám chuyên khoa Tai mũi họng hoặc Dị ứng miễn dịch.