Bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hoá của đồng bào DTTS ở Quảng Bình

VHO - Những hoạt động của Dự án 6 về công tác “bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch” đã được các địa phương, ban ngành ở tỉnh Quảng Bình triển khai với nhiều hoạt động cụ thể.

Bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hoá của đồng bào DTTS ở Quảng Bình - Anh 1

Trình diễn lễ hội mừng cơm mới của người Bru- Vân Kiều ở xã Ngân Thuỷ (Lệ Thuỷ)

Gìn giữ, trao truyền văn hoá bản địa

Ở Quảng Bình có 2 DTTS chính đó là Bru – Vân Kiều (gồm 4 tộc người Vân Kiều, Ma Coong, Khùa, Trì) và Chứt (gồm 5 tộc người Sách, Mày, Rục, A Rem, Mã Liềng). Địa bàn cư trú của đồng bào sinh sống trên địa bàn 15 xã vùng sâu, vùng biên giới của 5 huyện (Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Bố Trạch, Tuyên Hóa và Minh Hoá) với trên 6.400 hộ, gần 28.000 người (chiếm khoảng 2,96% dân số toàn tỉnh). Các DTTS  còn lại ở tỉnh Quảng Bình như Thổ, Mường, Tày, Thái, Pacô với số dân không nhiều...

Thực hiện Dự án 6, ngành Văn hóa Quảng Bình phối hợp với các địa phương triển khai nhiều hoạt động nhằm “bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã diễn ra nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hoá phi vật thể và hỗ trợ trang thiết bị văn hoá; xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các bản vùng đồng bào DTTS và vùng miền núi tại 15 xã được thụ hưởng…

Bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hoá của đồng bào DTTS ở Quảng Bình - Anh 2

Các lớp tập huấn, truyền dạy văn hoá phi vật thể thu hút đông đảo đồng bào các DTTS tham gia

Các lớp tập huấn, xây dựng CLB sinh hoạt văn hóa dân gian đã thu hút đông đảo những hạt nhân văn nghệ, các già làng, trưởng bản, người có uy tín ở các bản làng DTTS trên địa bàn các xã ở tỉnh Quảng Bình tham dự. Bà Hồ Thị Bông ở bản Khe Cát, xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh) chia sẻ, tham gia lớp tập huấn, xây dựng CLB sinh hoạt văn hoá dân gian, các thành viên được truyền đạt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS và miền núi. Những nội dung về công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS; đồng thời gìn giữ, trao truyền nét văn hoá truyền thống cho lớp trẻ.

Để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS, các địa phương ở tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ thành lập đội văn nghệ truyền thống dân tộc, mua sắm các trang thiết bị loa máy, trang phục. Tổ chức các lớp học tiếng dân tộc theo hình thức truyền khẩu, lớp học truyền dạy văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc tại thôn, bản...

Bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hoá của đồng bào DTTS ở Quảng Bình - Anh 3

Đại diện lãnh đạo Sở VHTT Quảng Bình biểu dương, khen thưởng các học viên xuất sắc tại các lớp tập huấn

Phát huy di sản văn hóa

Trong đời sống văn hoá, người Bru-Vân Kiều đã tạo ra nhiều loại nhạc cụ cùng các điệu hát, điệu múa mang nét đặc trưng của cộng đồng dân tộc mình. Tiêu biểu như hát múa mừng lúa mới, múa đám chay, điệu tả oải (hát giao duyên và hát ru con) hay các nhạc cụ truyền thống như: kèn, sáo, đàn ta lư, cồng, chiêng, trống và các dụng cụ sử dụng lên nương rẫy như a rừa, a chói...

Đặc biệt, 3 lễ hội truyền thống của người Bru - Vân Kiều gồm lễ hội Đập trống của người Ma Coong, lễ hội Trỉa lúa, lễ hội Mừng cơm mới đã được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hoá của đồng bào DTTS ở Quảng Bình - Anh 4

Lễ hội Mừng cơm mới đã được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Tín ngưỡng của đồng bào Chứt ở Quảng Bình đều có những nghi lễ thờ cúng tổ tiên, ma đất, ma bếp, lễ vào mùa... Lễ cúng giang sơn là lễ hội lớn nhất của người A Rem tại xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa) được đồng bào gìn giữ và tổ chức định kỳ.

Ông Mai Xuân Thành, Phó Giám đốc Sở VHTT Quảng Bình cho biết, với phương châm “các dân tộc đều bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”, Dự án 6 của Chương trình MTQG 1719 đã tiếp sức và tạo nhiều điều kiện thuận lợi để ngành Văn hóa thực hiện công tác tìm hiểu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy văn hóa của đồng bào DTTS.

 

Theo kế hoạch, vào dịp kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23.11 tới đây, Bảo tàng Quảng Bình sẽ tổ chức trưng bày các hiện vật để phục vụ nhân dân. Đây là dịp để người dân nâng cao hiểu biết về văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh, khơi dậy lòng tự hào và chung tay gìn giữ, phát huy, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Dự án 6.

TÂN BÌNH

Ý kiến bạn đọc