Hệ lụy lựa chọn giới tính khi sinh:

Bài cuối - Làm sao để không thiếu 1,5 triệu cô dâu vào năm 2034?

THẢO LAM

VHO - Việt Nam bắt đầu xuất hiện tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh từ năm 2006 khi tỉ số giới tính khi sinh là 109,8 bé tai/100 bé gái. Bằng nhiều giải pháp, tốc độc này đã được khống chế, nhưng tỉ số giới tính khi sinh vẫn đang ở mức cao, từ năm 2012 đến nay luôn duy trì ở mức trên 112 bé trai/100 bé gái (năm 2023 là 112).

Tình trạng thừa nam, thiếu nữ trong tương lai

Đây là thông tin được bà Nguyễn Thị Thơm, Phó Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) đưa ra tại lớp tập huấn Cập nhật thông tin cho phóng viên báo chí liên quan đến vấn đề lựa chon giới tính thai nhi trên cơ sở định kiến giới vừa diễn ra tại Hải Phòng.

Bài cuối - Làm sao để không thiếu 1,5 triệu cô dâu vào năm 2034? - ảnh 1
Bà Hoàng Thị Thơm, Phó Cục trưởng Cụ Dân số phát biểu tại sự kiện tập huấn

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê,  một số tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng tỉ lệ này lên đến gần 120 như: Hưng Yên (119,5), Hải Dương (118,3), Quảng Ninh (124,4). Việc “thừa nam thiếu nữ” dẫn đến Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới (2034) và tăng lên 2,5 triệu (2059) tức là thiếu chừng này cô dâu vào các năm 2034 và 2059.

Nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam tiếp tục gia tăng và không được kiểm soát sẽ để lại những hệ lụy khó lường về mặt xã hội, kinh tế, thậm chí cả an ninh chính trị… như: ảnh hưởng đến cá nhân, gia đình, cộng đồng, xã hội và các chuẩn mực xã hội (vị thế và vai trò của người phụ nữ ngày càng bị hạ thấp, phụ nữ còn trở thành hàng hoá của nạn buôn bán người và mại dâm đã đề cập ở trên).

Bà Hoàng Thị Thơm cho rằng, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến tính trạng “thừa nam thiếu nữ” trong tương lai, làm biến đổi chỉ số nhân khẩu học và cụ thể là tăng áp lực kết hôn sớm đối với phụ nữ, tăng nhu cầu dịch vụ tình dục, gia tăng buôn bán phụ nữ kéo theo bạo lực tình dục đối với phụ nữ, làm ảnh nặng nề đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, và sức khỏe tâm thần của phụ nữ.

“Do ảnh hưởng của nền văn hóa châu Á, trọng nam khinh nữ, đánh giá vai trò của nam giới là trụ cột trong gia đình… nên tâm lý ưa thích và mong muốn có con trai để "sau này về già có chỗ dựa dẫm"; "nối dõi tông đường, kéo dài dòng họ"… đã ăn sâu trong tâm thức của nhiều người Việt Nam. Điều này cũng trở thành quan niệm truyền thống của người Việt Nam qua nhiều thế hệ. Tâm lý yêu thích con trai là nguyên nhân gốc rễ của hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam”, Phó Cục trưởng Cục Dân số nhấn mạnh.

Hiện nay, hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi ở Việt Nam chưa phát triển, đặc biệt là ở nông thôn, nhiều người già không có lương hưu, hay trợ cấp xã hội… nên mong mỏi con trai là trụ cột về tinh thần, là trụ cột về kinh tế cho cả gia đình. Chính sự mong mỏi có con trai cùng với những tiến bộ khoa học công nghệ trong sản khoa… không ít gia đình đã lạm dụng những tiến bộ này để thực hiện lựa chọn giới tính trước sinh.

Cần nhiều biện pháp để giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

Bài cuối - Làm sao để không thiếu 1,5 triệu cô dâu vào năm 2034? - ảnh 2
Việt Nam cần nhiều biện pháp để giảm tỉ số giới tính trước sinh

Với mong muốn có con trai, nhiều gia đình đã lựa chọn đến một số cơ sở y tế để thực hiện. Ngoài ra, mặc dù đã bị cấm, nhưng hiện nay có nhiều cơ sở y tế vẫn thông báo về giới tính thai nhi, trong khi việc xử phạt rất hạn chế, thậm chí gần như không xử phạt được.

Lý giải về điều này, bà Hà Thị Quỳnh Anh, chuyên gia về Giới và nhân quyền Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) cho biết, qua điều tra, việc giám sát, xử phạt các cơ sở y tế vi phạm là vô cùng khó khăn. Bởi vì có rất nhiều cách lách luật khác nhau để nhân viên y tế tiết lộ giới tính thai nhi, mà không cần nói thai nhi là con trai hay con gái; thậm chí thực hiện các thủ thuật để loại bỏ thai nhi với giới tính không mong muốn. Cơ quan chức năng rất khó có được số liệu đó, nguyên nhân là không ai báo cáo với đơn vị chức năng.

Vì vậy,  thay bằng việc xử phạt các cơ sở y tế thì cần tập trung nhiều nguồn lực hơn vào tập huấn và nâng cao tinh thần trách nhiệm, trách nhiệm nghề nghiệp của người cung cấp dịch vụ y tế. Đồng thời đưa ra những cam kết để y bác sĩ thực hiện, dựa trên tinh thần tự nguyện, tự nhận thức được trách nhiệm của mình.

“Tuy nhiên, có rất nhiều trang thông tin quảng cáo phương pháp hoặc khuyến khích việc lựa chọn giới tính thai nhi ở trên trang web hoặc mạng xã hội. Và những hành vi quảng cáo này có thể thanh tra, kiểm tra và xử phạt ngay”, bà Quỳnh Anh nhấn mạnh.

Cũng theo đại diện UNFPA, nguyên nhân gốc rễ của vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh là tư tưởng ưa thích con trai; xuất phát từ những định kiến giới đã tồn tại trong xã hội từ rất lâu đời. Cùng với đó là những yếu tố tác động như  mức sinh thấp, quy mô gia đình nhỏ và đặc biệt là cái sự sẵn có của công nghệ lựa chọn giới tính. Vì vậy, để giải quyết được tất cả những cái yếu tố tác động này thì không thể một sớm một chiều và không thể có 1 can thiệp  đơn giản hoặc 1 cơ quan ban, ngành nào giải quyết được; mà đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các Bộ, ban, ngành.

Việt Nam đã có đề án giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh do Bộ Y tế là đơn vị chủ trì. Ngoài ra cần phải tăng cường công tác truyền thông hướng đến giới trẻ để thế hệ tiếp theo sẽ không còn những định kiến giới và không còn sự lựa chọn ưa thích con trai hay con gái nữa; để cùng hướng đến một xã hội bình đẳng hơn.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện những chính sách để đảm bảo làm thế nào các gia đình cảm thấy yên tâm khi sinh con gái, không nhất thiết cứ phải có con trai. Nhiều gia đình lựa chọn có con trai bởi cảm thấy không tin tưởng khi họ về già không người chăm sóc khi, con gái đi lấy chồng.

Do đó, chính sách cho người cao tuổi cần được xây dựng như thế nào để những gia đình sinh con gái cảm thấy yên tâm mà không cần phụ thuộc vào sự chăm sóc của con trai…

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc