Bắc Ninh: Tăng cường công tác tuyên truyền đảm bảo an toàn thực phẩm

P.DUYÊN

VHO - Năm 2024, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng và triển khai kế hoạch giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm trên địa bàn tỉnh, tiến hành lấy mẫu giám sát mối nguy thực phẩm theo nhóm trên thị trường, lấy mẫu giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm qua các đợt thanh tra, kiểm tra và giám sát các lễ hội, sự kiện trên địa bàn tỉnh.

Kết quả giám sát mối nguy ô nhiễm năm 2024 cho thấy trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh tồn tại một số mẫu thực phẩm không an toàn, có kết quả xét nghiệm vượt giới hạn tối đa cho phép theo quy định như: Nem Bùi (chỉ tiêu không đạt: tổng số vi khuẩn hiếu khí 95%; E.coli 40%; Salmonella 35%); Giò, chả (chỉ tiêu không đạt: tổng số vi khuẩn hiếu khí 21%; E.coli 12%; Salmonella: 7.5%); thịt chế biến sẵn ăn ngay (chỉ tiêu không đạt: tổng số vi khuẩn hiếu khí 30%; E.coli 25%; Salmonella: 4%); thịt và sản phẩm chế biến từ thịt phải xử lý nhiệt trước khi sử dụng (chỉ tiêu không đạt: E.coli 48%; Salmonella: 50%).

Bắc Ninh: Tăng cường công tác tuyên truyền đảm bảo an toàn thực phẩm - ảnh 1
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Bắc Ninh kiểm tra hậu kiểm về an toàn thực phẩm

Các sản phẩm này chủ yếu của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ hoặc kinh doanh thức ăn đường phố, sự đầu tư về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ chưa được chú trọng, chưa đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định; ý thức thực hành của người trực tiếp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chưa cao, chưa tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, do đó đã gây nên các mối nguy về ô nhiễm vi sinh vật, thuốc trừ sâu…Việc sử dụng các thực phẩm không an toàn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe của người dân trên địa bàn tỉnh, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh ban hành văn bản đề nghị các sở, ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến tới các hộ nông dân, cơ sở sản xuất ban đầu bảo đảm các điều kiện về đất canh tác, nguồn nước, địa điểm trồng trọt, địa điểm chăn nuôi; tuân thủ nghiêm các quy định về sử dụng phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật trong trồng trọt, sử dụng thức ăn trong chăn nuôi nhằm nâng cao nhận thức của các cơ sở sản xuất ban đầu và của người dân để đảm bảo cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm thực phẩm an toàn.  Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở sản xuất ban đầu. Xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo cho người dân.

Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nội dung về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Xây dựng và phát sóng các phóng sự, tin, bài, bài viết tuyên truyền đến người sản xuất, kinh doanh thực phẩm về các mối nguy ô nhiễm thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng về việc lựa chọn, bảo quản, sử dụng thực phẩm an toàn.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền về đảm bảo an toàn thực phẩm tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.  Chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm, ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Đặc biệt tuyên truyền tới các cơ sở chế biến nem Bùi; Giò, chả; thịt chế biến sẵn ăn ngay, thịt và sản phẩm chế biến từ thịt phải xử lý nhiệt trước khi sử dụng…để nâng cao ý thức thực hành trong quá trình sản xuất, chế biến nhằm hạn chế tối đa sự ô nhiễm vi sinh vật vào các sản phẩm thực phẩm. Tuyên truyền tới các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần đảm bảo các hàng hóa, nguyên liệu thực phẩm bày bán, sử dụng phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định.

Tăng cường công tác vận động, kí cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm giữa các tiểu thương kinh doanh tại chợ với UBND các xã, phường, thị trấn theo quy định và kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, nông sản được kinh doanh tại chợ. Chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND cấp xã, phối hợp với Đội Thanh tra - Quản lý An toàn thực phẩm trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Trong năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao kiến thức an toàn thực phẩm và triển khai các văn bản quy phạm về an toàn thực phẩm đối với người quản lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cộng tác viên an toàn thực phẩm tuyến xã, phường, thị trấn như tổ chức các lớp tập huấn, thanh kiểm, tra điều kiện an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, diễn tập nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm tập thể…

Qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc