TP.HCM:

Áp lực chỗ học tăng cao

KIỀU GIANG

VHO - Năm học mới 2024-2025 cận kề cũng là lúc ngành Giáo dục phải đối mặt với những khó khăn về thiếu trường lớp do áp lực tăng dân số cơ học. Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, bình quân mỗi năm địa phương tăng thêm khoảng 25.000 học sinh (HS) các cấp học, áp lực này làm gia tăng sĩ số HS/lớp vượt cao so với chuẩn.

Áp lực chỗ học tăng cao - ảnh 1
Học sinh tiểu học tại TP.HCM trong ngày khai giảng năm học mới

Hơn 20% HS không có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM

Năm học 2024-2025, dự kiến số HS của TP.HCM sẽ tăng lên hơn 24.000 em (trong đó trên 17.000 HS hệ công lập). Theo đó, tăng cao nhất là ở bậc THPT với gần 17.000 HS, bậc THCS hơn 7.000 HS, bậc mầm non tăng hơn 6.000. Riêng bậc tiểu học có thể giảm gần 6.200 HS. Dự kiến tổng số HS các bậc học trong năm tới đây là hơn 1,7 triệu em.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu, trong năm học 2023-2024 vừa qua, số HS không có hộ khẩu thường trú tại thành phố chiếm hơn 20% tổng số HS, bình quân mỗi năm số HS tăng thêm các cấp học khoảng 25.000 em.

Điều này đã làm sĩ số HS/lớp vượt cao so với chuẩn, số lượng HS tham gia học 2 buổi/ngày giảm, chưa đáp ứng yêu cầu của chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện co hẹp lại, gây ảnh hưởng đến các lớp đang học…

“Mặc dù sĩ số tăng cao, nhìn chung năm học 2024-2025, TP.HCM vẫn đảm bảo 100% chỗ học cho em trên địa bàn”, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM khẳng định. Dự kiến năm học mới, thành phố đưa vào sử dụng 23 dự án với 476 phòng học mới. 

Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, Chiến lược phát triển giáo dục TP.HCM từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đề ra mục tiêu đến năm 2030 “Tỉ lệ cơ sở và số HS theo học tại các cơ sở giáo dục phổ thông ngoài công lập đạt 40% (cơ sở) và 30% (HS). Đến năm 2030, tỉ lệ tương ứng đạt 50% (cơ sở) và 35% (HS)”.

Hiện nay, tỷ lệ HS THPT học tại các trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, loại hình công lập đạt tỷ lệ chiếm 80% tổng số HS (ngoài công lập chiếm 20%).

Áp lực chỗ học tăng cao - ảnh 2
Số trường THPT phân bố không đồng đều tất cả các khu vực, dẫn đến áp lực tuyển sinh. Trong ảnh: Một trường THPT tại TP.HCM

Ngành giáo dục Thành phố đang phấn đấu thực hiện lộ trình theo Chiến lược phát triển giáo dục đã được phê duyệt và Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong giáo dục phổ thông” tại Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, do đó số các trường THPT công lập đã và đang đáp ứng đủ chỗ học cho con em trên địa bàn Thành phố, tuyển sinh được những HS đủ điều kiện, năng lực, sở trường để tiếp tục theo học bậc THPT.

Tuy nhiên hiện nay, số trường THPT phân bố không đồng đều tất cả các khu vực, áp lực tuyển sinh tại quận Gò Vấp, quận Bình Tân, Quận 12, TP Thủ Đức.

UBND TP.HCM đã triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án xây dựng 4.500 phòng học chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Dự kiến mục tiêu đến năm 2025 có 7 dự án trường THPT sẽ được xây dựng mới để phục vụ nhu cầu chỗ học cho con em trong độ tuổi trên các địa bàn Quận 11, Quận 12, quận Gò Vấp, quận Bình Tân, TP Thủ Đức.

Điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, tăng tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày và giảm áp lực tuyển sinh tại các khu vực như Quận 12, quận Gò Vấp, quận Bình Tân, TP Thủ Đức và các khu vực lân cận.

Rất nhiều dự án xây dựng trường học gặp vướng mắc

Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, trong quá trình triển khai các dự án xây dựng trường học, những thay đổi mới về quy định trong thực hiện các thủ tục về đầu tư công và các quy định liên quan khác về quy hoạch, đất đai,… dẫn đến việc triển khai các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 phải trải qua nhiều bước.

Áp lực chỗ học tăng cao - ảnh 3
Nhiều trường học không đủ diện tích sân trường để tất cả học sinh được tham gia các buổi chào cờ, tựu trường, tổng kết năm học…

Tiếp đến, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội và sự gia tăng nhanh chóng dân số trên địa bàn Thành phố thời gian vừa qua, yêu cầu thực hiện điều chỉnh các đồ án quy hoạch đô thị là thiết yếu, do vậy quỹ đất sạch để đầu tư xây dựng trường học ngày càng hạn chế và thực tế rất nhiều dự án xây dựng trường học hiện nay gặp vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.

Ngoài ra, còn nội dung khó khăn khá lớn đối với đặc thù của TP.HCM đó là việc đảm bảo định mức diện tích đất bình quân/HS theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT về Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Theo đó, định mức diện tích đất bình quân/HS ở các cấp học như sau: Mầm non: 10-12m2/HS; Tiểu học: 8-10m2/HS; THCS: 8-10m2/HS; THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học: 10m2/HS.

Chỉ tiêu này được quy định để xem xét điều kiện đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục, xét đạt tiêu chí trường đạt chuẩn các cấp độ đối với các công trình trường học hiện hữu và là cơ sở để tính phương án quy mô đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng mới trường lớp hoặc tính chất khác khi thực hiện dưới hình thức đầu tư bao gồm cả các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Với định mức khá cao trong điều kiện đặc thù của TP.HCM đã tạo không ít những khó khăn trong công tác xây dựng đầu tư phát triển mạng lưới trường lớp và tăng số lượng phòng học ở tất cả các cấp học hiện nay, đặc biệt là các khu vực nội thành.

Để tháo gỡ bất cập trên, Sở GD&ĐT đã có đề xuất kiến nghị và cùng với các sở ngành tham mưu UBND TP.HCM báo cáo Bộ GD&ĐT và Bộ Xây dựng xem xét, tháo gỡ. Đến nay, Bộ GD&ĐT đã xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung lấy ý kiến góp ý các địa phương, về cơ bản dự thảo đã có lưu tâm, cập nhật nội dung về định mức diện tích đất bình quân/HS ở các cấp học để có sự thống nhất với Tiêu chuẩn quốc gia – Yêu cầu thiết kế trường học các cấp là điều kiện thuận lợi để giải quyết khó khăn trong việc tính toán quy mô các dự án trường học khi thực hiện đầu tư.

Áp lực chỗ học tăng cao - ảnh 4
Sở GD&ĐT cho biết TP.HCM vẫn đảm bảo 100% chỗ học cho em trên địa bàn

Được biết, tại Kỳ họp thứ 17 HĐND TP vừa qua, Sở GD&ĐT đề xuất quan tâm đưa các dự án trường học vào kế hoạch đầu tư công trung hạn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, cần quan tâm, chuẩn bị quỹ đất phù hợp để giải quyết nhu cầu về xây dựng trường học phục vụ cho mục tiêu giáo dục.  

Đối với Đề án xây dựng 4.500 phòng học nói trên, tổng nhu cầu đề xuất đầu tư từ ngân sách tập trung Thành phố đến năm 2025 gồm 277 dự án với số phòng học xây dựng mới 5.560 phòng (trong đó ước tính tăng thêm 4.343 phòng), tổng mức đầu tư trên 32.000 tỷ đồng; đồng thời đưa vào phương án đầu tư theo phương thức xã hội hóa với dự kiến 110 dự án, quy mô 2.638 phòng học, vốn đầu tư khoảng 24.803 tỷ đồng thông qua các hình thức: Đối tác công - tư (PPP), Chương trình hỗ trợ lãi suất từ Công tư Đầu tư tài chính nhà nước Thành phố và kêu gọi xã hội hóa.

Khắc phục vấn đề thiếu trường lớp

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 348/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long tại buổi làm việc với Bộ GD&ĐT. 

Phó Thủ tướng Lê Thành Long đánh giá GD&ĐT là lĩnh vực hết sức quan trọng, quyết định chất lượng nguồn nhân lực của đất nước, được xã hội đặc biệt quan tâm và được Đảng, Nhà nước xác định là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển nhanh và bền vững. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành giáo dục còn nhiều khó khăn, hạn chế, bất cập cần được chia sẻ và đề ra giải pháp khắc phục như vấn đề thiếu trường, lớp học; tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp học còn thấp; thừa, thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn chưa bảo đảm; chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu…

Phó Thủ tướng Lê Thành Long yêu cầu Bộ GD&ĐT và cơ quan liên quan tập trung rà soát và tiếp cận tổng thể, toàn diện trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về giáo dục, đào tạo, nhất là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các quy hoạch, chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo; hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật Nhà giáo bảo đảm chất lượng, tiến độ theo quy định; khắc phục vấn đề thiếu trường lớp học cấp mầm non, phổ thông ở Hà Nội, TP.HCM…