Trao giải 3 sản phẩm công nghệ bảo vệ động vật hoang dã
VHO - Sau gần 1 tháng tranh tài, hành trình cuộc thi Zoohackathon Vietnam 2021 với chủ đề “Coding to end wildlife trafficking” (Lập trình để cứu động vật hoang dã) đã chính thức khép lại. Ba đội xuất sắc nhất với những ý tưởng công nghệ đột phá đã được vinh danh trong buổi Lễ bế mạc của cuộc thi, diễn ra vào hôm nay 15.11 song song tại hai địa điểm thi ở Hà Nội và TP.HCM.
Cuộc thi thu hút 125 bạn trẻ bạn trẻ tham gia
Zoohackathon là cuộc thi lập trình để huy động sinh viên và thanh niên đưa giải pháp chống lại tội phạm trục lợi từ buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) thông qua công nghệ và sáng tạo. Cuộc thi được phối hợp tổ chức bởi CHANGE, WildAid cùng các đối tác là Đại học FPT và Vietseeds Foundation, với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Diễn ra trong giai đoạn diễn biến của đại dịch Covid-19 còn phức tạp, nhưng sức hút cuộc thi không hề giảm đối với giới trẻ yêu công nghệ và ĐVHD khi thu về gần 300 đơn đăng ký. Ban Giám khảo đã chọn ra 125 bạn trẻ triển vọng nhất để lập 21 đội thi bước vào phiên lập trình chính thức, kéo dài từ chiều ngày 13.11 đến chiều 15.11.
Triển lãm hình ảnh động vật hoang dã
Đến với cuộc thi năm nay, 125 bạn trẻ từ nhiều trường đại học đã đem tới những ý tưởng sáng tạo và tinh thần nhiệt huyết mong muốn đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam. Các ý tưởng sản phẩm giải pháp của các đội rất phong phú, bao gồm các ứng dụng, nền tảng, giúp nâng cao nhận thức về các loài hoang dã nguy cấp, các công cụ hỗ trợ quá trình điều tra việc buôn bán ĐVHD trên không gian mạng, các sáng kiến công nghệ có thể giúp người dân báo cáo đưa thông tin về các hoạt động buôn bán ĐVHD một cách an toàn và hiệu quả, và cả các công cụ tìm kiếm và tổng hợp kho dữ liệu và tài liệu để hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật, các tổ chức bảo tồn, cũng như phục vụ mục đích giáo dục.
Trao giải cho một trong Top 3 giải pháp công nghệ nổi bật và toàn diện nhất cuộc thi
Sau 48 giờ lập trình và hoàn thiện sản phẩm, từ 21 đội thi, 5 đội tiềm năng nhất đã được lựa chọn vào vòng chung kết để tranh tài trực tiếp và trả lời các câu hỏi của Ban giám khảo. Kết quả chung cuộc, 3 đội với những giải pháp công nghệ nổi bật và toàn diện nhất đã được công bố tại lễ bế mạc. Đội BLATH gồm các thành viên đến từ Hà Nội, xuất sắc giành chiến thắng với sản phẩm có tên là “Found” - ứng dụng giúp cộng đồng có thể trực tiếp báo cáo các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ĐVHD trực tuyến và ngoại tuyến. Dữ liệu thu được dùng để phục vụ mục đích khảo sát và xử lý các hành vi vi phạm hỗ trợ các cơ quan chức năng và các tổ chức phi chính phủ. Đội DeColGen gồm các thành viên đến từ TP.HCM. Dự án được đội thực hiện có tên “WildGogh” - chương trình dùng để phát hiện tự động các bài đăng, bài rao bán vi phạm về mua bán và tiêu thụ ĐVHD trên mạng xã hội, các nền tảng thương mại điện tử... Đội SaoLa với sản phẩm công nghệ giúp cho người dùng mạng xã hội có thể cập nhật thông tin về ĐVHD, các bài báo, tin tức, luật pháp một cách đầy đủ nhất, thậm chí có thể báo cáo các hành vi trái pháp luật với các cơ quan chức năng liên quan. Cũng trong sản phẩm này, các bạn cũng sẽ phát triển nền tảng game (trò chơi), người dùng có cơ hội đóng vai người kiểm lâm với nhiệm vụ bảo vệ các loài sinh vật trong rừng. Sau khi đã chăm sóc các loài vật một thời gian, người dùng sẽ nhận được một lượng tiền ảo, và công nghệ blockchain có thể chuyển số tiền này thành tiền thật cho người dùng.
Mỗi đội trong Top 3 nhận được giấy chứng nhận, giải thưởng hiện kim và hiện vật cùng cơ hội tham dự giải Zoohackathon toàn cầu. Ngoài ra, 2 đội còn lại đã lọt vào vòng chung kết cũng nhận được giấy chứng nhận Top 5 cho những nỗ lực vượt bậc của các thành viên. Tất cả các đội còn lại tham gia vào phiên lập trình cũng được nhận giấy chứng nhận từ chương trình cùng các suất học bổng từ Đại học FPT.
KIỀU GIANG