Tìm kiếm mô hình giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa

VHO- Trung tâm Hỗ trợ Phát triển xanh hợp tác cùng Khoa Truyền thông và Văn hoá đối ngoại - Học viện Ngoại giao vừa phát động “Cuộc thi Tìm kiếm mô hình kinh doanh giảm thiểu rác thải nhựa thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn PlastiNovation”.

Cuộc thi nằm trong khuôn khổ dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương (LSPP) được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ nhằm hướng tới thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế tuần hoàn thông qua tìm kiếm và hỗ trợ các doanh nghiệp có sáng kiến giảm rác thải nhựa sáng tạo.

Tìm kiếm mô hình giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa - Anh 1

Các diễn giả tại toạ đàm Sáng kiến kinh doanh giảm rác thải nhựa

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết: “Các giải pháp dựa trên khoa học công nghệ đổi mới sẽ hỗ trợ cho mục tiêu của Chính phủ về vấn đề giải quyết rác thải nhựa, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Việc giảm thiểu rác thải nhựa sẽ mang đến lợi ích cả về kinh tế và môi trường. Trong khuôn khổ dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương”, cuộc thi PlastiNovation sẽ tạo ra sự khác biệt bằng cách tập trung vào các sáng kiến kinh doanh đang ở giai đoạn triển khai và cất cánh, đầu tư để góp phần tạo ra một phần hoặc toàn bộ mô hình kinh tế tuần hoàn khép kín. Chúng tôi tin cuộc thi sẽ là đòn bẩy giúp các doanh nghiệp xanh kinh doanh trong mảng giảm thiểu rác thải nhựa cất cánh. Tôi xin tuyên bố khai mạc cuộc thi PlastiNOvation”.

Tại tọa đàm Sáng kiến kinh doanh giảm rác thải nhựa, PGS.TS Trương Mạnh Tiến cho rằng môi trường là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm hiện nay và Luật Bảo vệ môi trường đã được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện 4 lần từ năm 1993 đến nay. “Rác thải nhựa là vấn đề toàn cầu. Điều quan trọng nhất là chúng ta cần ngừng xả thải ra môi trường, đặc biệt với biển và đại dương; thu gom và tái chế”, ông Tiến chia sẻ.

Theo ông Phạm Hoàng Hải, mô hình kinh tế tuần hoàn được giới thiệu tại Việt Nam từ khoảng năm 2016, được nhìn nhận với 3 điểm chính: sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, sử dụng hiệu quả sản phẩm: kéo dài vòng đời sản phẩm, thay đổi tâm lý sử dụng, đánh giá hiệu quả mô hình kinh tế đó. Diễn giả cho biết mô hình kinh tế tuần hoàn đã tồn tại lâu ở Việt Nam: mô hình chuồng, hợp tác xã nhưng chưa nhìn nhận với khái niệm kinh tế tuần hoàn. “Nhựa là bạn và là một phần tất yếu của cuộc sống. Chúng ta không thể hoặc chưa thể thay thế các sản phẩm từ nhựa nhưng hãy tăng giá trị và sử dụng đúng giá trị của nó, cần thay đổi từ thiết kế sinh thái để nhựa quay trở lại cuộc sống”, ông Hải nói.

Trong khi đó, ông Vũ Minh Lý đã đặt ra những khó khăn của doanh nghiệp gặp phải khi dùng các bao bì thân thiện với môi trường như giá thành cao so với sản phẩm làm từ nhựa thông thường do vấn đề thu thuế, phân biệt sản phẩm thân thiện với môi trường thật với các sản phẩm giả bằng cách dán nhãn sinh thái. Diễn giả cũng mong các bạn trẻ theo đuổi các dự án về môi trường sẽ được ủng hộ để có thêm động lực thực hiện; đồng thời hy vọng cuộc thi PlastiNovation sẽ tìm ra những sáng kiến kinh doanh phù hợp, bền vững để bảo vệ môi trường.

Cuộc thi PlastiNovation diễn ra ngày 8.7 – 31.8 với các đối tượng dự thi là các doanh nghiệp, công ty, tổ chức, hộ gia đình… (bắt buộc đã có pháp nhân và đã có hoạt động sản xuất, kinh doanh) đáp ứng ít nhất một trong số các tiêu chí: Đã và đang có hoạt động kinh doanh về chuỗi giá trị thu gom tái chế; Đã và đang có giải pháp công nghệ cho phân loại rác thải tại nguồn;  Đã và đang có sáng kiến triển khai cho giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa hay thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn; Đã và đang có giải pháp thay thế nhựa sử dụng một lần, túi nilong khó phân hủy,... hoặc sản xuất, kinh doanh sản phẩm thân thiện môi trường. Sáng kiến phải được triển khai tại Hà Nội, Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Cần Giờ (TP.HCM).

 

X.QUANG

Ý kiến bạn đọc