Tìm giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên Khu sinh quyển Cù Lao Chàm
VHO - Ngày 27.9, tại TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam đã diễn ra Hội thảo "Nâng cao hiệu quả quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An".
Quang cảnh hội thảo
Tham dự và chủ trì hội thảo có đại diện lãnh đạo Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Bộ TN-MT), UBND TP.Hội An. Ban quản lý Khu DTSQTG Cù Lao Chàm-Hội An phối hợp tổ chức dưới sự tài trợ của Dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các Khu DTSQ ở Việt Nam” (Dự án BR).
Ngoài ra còn có sự tham gia của các đại biểu là đại diện các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh Quảng Nam và TP Hội An; Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam; các chuyên gia, hợp tác xã các làng nghề ,…
Hội thảo nhằm mục đích tổng kết và đánh giá các hoạt động, hiệu quả quản lý của Khu DTSQTG Cù Lao Chàm – Hội An; Thảo luận các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý trong thời gian đến; Giới thiệu và chia sẻ kết quả dự án BR triển khai tại Khu DTSQ Cù Lao Chàm – Hội An và giới thiệu các văn bản quản lý Khu DTSQ hiện hành.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, Cù Lao Chàm - Hội An là nơi sống dựa vào thiên nhiên trên nguyên lý bảo tồn để phát triển và phát triển để bảo tồn. Điều này đã góp phần vào định hướng xây dựng TP Hội An "sinh thái văn hóa du lịch" cũng như sự phát triển bền vững chung của Quảng Nam.
Tuy nhiên, thời gian qua tại khu sinh quyển này cũng bộc lộ những hạn chế trong quá trình vận hành, bởi mô hình và phương thức quản lý còn khá mới mẻ, quy định pháp lý chưa sát thực tiễn, chưa thống nhất, đòi hỏi quản lý khu sinh quyển cần có định hướng chiến lược thích ứng, giải pháp phù hợp.
Làng đồng quản lý Bãi Hương, Khu sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An
Hội thảo cũng đã thông tin về kết quả thực hiện dự án BR do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ tại Khu DTSQTG Cù Lao Chàm thông qua Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP)
Dự án này được triển khai trong 5 năm (2019-2024), thực hiện tại Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học và 3 Khu dự trữ sinh quyển thí điểm là Cù Lao Chàm- Hội An; Đồng Nai và Tây Nghệ An dưới sự quản lý của Bộ TN&MT. Mục tiêu chung là quản lý tổng hợp tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học được lồng ghép hiệu quả vào các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh địa bàn thực hiện dự án và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam. Dự án sẽ tập trung giải quyết vấn đề ở 2 cấp độ quốc gia và cấp độ khu dự trữ sinh quyển.
Tại Khu DTSQTG Cù Lao Chàm, dự án nhằm đánh giá hiện trạng và các lớp bản đồ về tài nguyên đa dạng sinh học và kinh tế – xã hội để xác định các khu vực dành riêng (set aside), xác định và xây dựng Kế hoạch bảo tồn xã (CCP) cho các xã ưu tiên tại Khu DTSQTG Cù Lao Chàm – Hội An;...
Dịp này, các đại biểu chia sẻ nhiều thông tin, giải pháp về cách tiếp cận phù hợp để bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên khu sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An; giới thiệu các quy định về quản lý khu dự trữ sinh quyển trên thế giới; một số mô hình quản lý và bài học kinh nghiệm của các khu dự trữ sinh quyển điển hình...
THU HOÀI