Quảng Nam: Tiếp cận du lịch xanh, bền vững

VHO - Trong hai ngày 16-17.1, Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam, Dự án Du lịch Thụy Sĩ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam (ST4SD) đã tổ chức hai phiên họp kỹ thuật giới thiệu, cách tiếp cận du lịch bền vững tại tỉnh Quảng Nam và chứng chỉ du lịch xanh.

Quảng Nam: Tiếp cận du lịch xanh, bền vững - Anh 1

Phiên họp kỹ thuật chứng chỉ xanh

Hai phiên họp được tổ chức với sự tham gia của chuyên gia thuộc Đại học HSLU, đại diện các Sở, ban ngành liên quan, các địa phương, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Phiên họp kỹ thuật giới thiệu và cách tiếp cận du lịch bền vững đã giúp các bên liên quan trong ngành du lịch  của tỉnh Quảng Nam có hiểu biết chung về khái niệm và cách tiếp cận phát triển du lịch  bền vững. Các tham luận, nội dung trao đổi tại phiên họp xoay quanh những mục tiêu cụ thể, xác định các hướng phát triển sản phẩm của những điểm đến, địa phương thực hành du lịch  xanh, du lịch  bền vững; Xác định nhu cầu hỗ trợ từ dự án và các chủ đề cần đàm thoại; Kinh nghiệm phát triển du lịch  bền vững, lộ trình phát triển sản phẩm du lịch  sinh thái bền vững tại Hội An; Giới thiệu một số mô hình du lịch  bền vững từ Thụy Sỹ và trên thế giới, các xu hướng phát triển bền vững trong tương lai,…

Phiên họp kỹ thuật chứng chỉ du lịch  xanh hướng đến mục tiêu nhằm chia sẻ những kinh nghiệm phát triển chứng chỉ xanh từ các chuyên gia của Dự án Chương trình Du lịch bền vững Thụy Sỹ ở Việt Nam (SSTP); những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai. Chương trình được tổ chức để nắm bắt nhu cầu các bên liên quan qua đó tiếp tục phát triển chứng chỉ xanh theo hướng có lợi cho các bên tham gia; đồng thời giúp các chủ thể liên quan nhận thức được cơ hội, thách thức trong phát triển du lịch xanh tại địa phương để tiếp tục kiên định theo lối đi này.

Phiên thảo luận nhóm giữa cơ quan quản lý hành chính về du lịch, cơ quan quản lý điểm đến, doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, nhà hàng,…xoay quanh nội dung làm thế nào để chứng chỉ xanh đơn giản, hiệu quả và có lợi cho doanh nghiệp.

Quảng Nam: Tiếp cận du lịch xanh, bền vững - Anh 2

Làng cổ Lộc Yên - điểm đến hướng đến du lịch  xanh của Quảng Nam

Năm 2021, tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch về phát triển du lịch xanh đến năm 2025 cùng Bộ Tiêu chí du lịch xanh (có sự hỗ trợ của Dự án phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam của Thụy Sỹ - SSTP) để chính quyền, doanh nghiệp ngành Du lịch, cộng đồng cùng nhìn lại, định hướng, tìm ra những hướng đi thích hợp.

Đến thời điểm này, đã có 20 đơn vị đạt chứng nhận du lịch xanh theo Bộ tiêu chí du lịch  xanh Quảng Nam, trong đó có 11 đơn vị đạt chứng nhận 3/3 Lá Sâm Ngọc Linh; 9 đơn vị đạt chứng nhận 2/3 Lá Sâm Ngọc Linh.

Trong năm 2024, ngành du lịch sẽ nghiên cứu điều chỉnh Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam theo từng lĩnh vực phù hợp hơn với điều kiện địa phương và bổ sung các minh chứng; đồng thời xây dựng dự thảo bộ tiêu chí du lịch xanh cho lĩnh vực nhà hàng và cơ sở mua sắm, trải nghiệm (work shop).

Theo các chuyên gia STTP, Quảng Nam là điểm đến đón nhiều khách quốc tế - nhận thức về du lịch  Xanh của các cấp lãnh đạo, doanh nghiệp cao. Phù hợp với yêu cầu của khách hàng và thị trường du lịch hiện nay.

Bên cạnh đó, cũng có những khó khăn khi thực hiện bộ tiêu chí du lịch  xanh tại Quảng Nam trong thời gian qua. Chủ yếu đến từ những vấn đề như: Rào cản tâm lý; Rào cản về nhận thức và  nhân lực, tài chính, không nhìn thấy lợi ích của doanh nghiệp mà chỉ thấy trách nhiệm; nhận thức về du lịch  xanh còn chưa cao từ cấp quản lý, cán bộ ngành du lịch , chủ doanh nghiêp, người lao động,…

Từ những thuận lợi, khó khăn thực tế thời gian qua, các chuyên gia STTP đã đưa ra kiến nghị đề xuất điều chỉnh một số tiêu chí và chỉ số của Bộ tiêu chí du lịch  xanh để phù hợp với điều kiện kinh doanh du lịch  đã thay đổi; Nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp du lịch về việc thực hiện bộ tiêu chí du lịch  Xanh thông qua các buổi chia sẻ kinh nghiệm thực tế; …

Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch  Quảng Nam chia sẻ: Đa số các doanh nghiệp du lịch  ở Quảng Nam khi nói đến du lịch  xanh đã cảm nhận được. Việc tham gia vào du lịch xanh không nhất thiết phải qua hiệp hội, sở, ngành nào, mà đôi lúc chỉ cần tự nhận thức, tham gia chuyển đổi xanh đã là một việc đáng ghi nhận. Việc tự chuyển đổi, đặc biệt là trong nhận thức về du lịch  xanh rất tốt.  Ví dụ có nhiều homestay, villa đã chủ động giới thiệu cho khách những điểm đến xanh để tạo giá trị với du khách. Chuyển đổi xanh chỉ là trực tiếp chuyển đổi xanh môi trường, văn hóa mà chuyển đổi xanh cả trong nhận thức, chúng ta phải sống tử tế, làm điều tốt cho du khách, đưa khách đến nơi xanh, tử tế hơn cũng là cách chuyển đổi xanh.

KHÁNH CHI

Ý kiến bạn đọc