Phủ xanh phá Tam Giang

VHO- Nhiều khu vực ven đầm phá Tam Giang (Thừa Thiên Huế) đang dần được phủ xanh nhờ những khu rừng ngập mặn. Chính những phụ nữ và các tổ cộng đồng của các làng, xã ven đầm phá đã tích cực tham gia trồng cây bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.

Phủ xanh phá Tam Giang - Anh 1

 Những cánh rừng ngập mặn đang dần được phủ kín trên phá Tam Giang

 Xã Hải Dương (TP Huế) là một địa phương nằm ven phá Tam Giang, đã từng và thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai và biến đổi khí hậu. Nhiều năm trở lại đây, những phụ nữ nơi này đã tích cực đẩy mạnh trồng rừng ven phá để giữ làng. Và nhắc đến người “khởi xướng” cho quá trình giữ xanh phá Tam Giang phải nói đến chị Phạm Thị Diệu My, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển xã hội tại Huế (CSRD).

Hơn 10 năm trước, khi đi khảo sát tình hình biến đổi khí hậu ở phá Tam Giang, chị Diệu My và các cộng sự đã đến thôn Vĩnh Trị, xã Hải Dương. Lúc đó, phụ nữ ở trong làng chỉ quen với việc đánh bắt tôm cá trên đầm phá, chưa tiếp cận hay hiểu gì về biến đổi khí hậu. Bằng nhiều cách tiếp cận, thuyết trình, chuyển tải thông điệp về biến đổi khí hậu, một số cư dân địa phương đã ủng hộ cùng CSRD triển khai mô hình trồng rừng ngập mặn chống biến đổi khí hậu. Dần dà về sau, không chỉ phụ nữ mà các thành viên khác của cộng đồng địa phương cũng hăng hái tham gia.

Chị Lê Thị Hoa ở thôn Vĩnh Trị kể rằng, ban đầu khi chi hội phụ nữ thôn bắt tay vào dự án trồng rừng ngập mặn, chị không được chồng ủng hộ bởi suy nghĩ phụ nữ biết gì mà tham gia trồng rừng chống biến đổi khí hậu. Vậy nhưng một thời gian sau, khi những khoảng rừng ven phá được trồng và phát triển, thấy được những hiệu quả lâu dài của mô hình này, chồng chị Hoa lại trở thành thành viên tích cực của đội trồng rừng ngập mặn do CSRD triển khai. “Giờ đây chồng tôi cùng nhiều anh em khác trong thôn đã lập ra đội tự quản để bảo vệ những cánh rừng ngập mặn. Ngày nào anh cũng đi kiểm tra rừng, rồi cứ liên tục đề xuất đi xin thêm vài vạn cây giống để tiếp tục trồng, mở rộng “lá phổi xanh” cho làng”, chị Hoa kể.

Phủ xanh phá Tam Giang - Anh 2

 Phụ nữ thôn Vĩnh Trị tham gia trồng rừng ngập mặn

Tính đến hiện nay, hội phụ nữ và các thành viên cộng đồng thôn Vĩnh Trị đã trồng được 3,2 ha rừng ngập mặn ven phá Tam Giang, với loại cây chính là bần chua. Với sự chăm sóc của chính người dân địa phương, cây bần phát triển tốt và tạo thành những cánh rừng xanh mát. Thời gian gần đây, một số loài chim đã về cư trú, báo hiệu cho những chuyển biến tích cực từ môi trường thiên nhiên của rừng ngập mặn. Đó cũng là niềm vui và hạnh phúc của những người trồng rừng.

Vợ chồng chị Võ Thị Thảo cũng là một trong những gia đình tích cực tham gia đội trồng rừng. Ban đầu, khi thấy CSRD về địa phương tập huấn nâng cao nhận thức và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, chị Thảo cùng nhiều người khác cũng chỉ nghĩ đi cho “có hội có hè”. Nhưng sau đó lại bị thuyết phục bởi những ý tưởng, mô hình và đặc biệt là hiệu quả lâu dài của trồng rừng ngập mặn ven phá Tam Giang, chị Thảo đã hăng hái tham gia. “Tranh thủ thời gian không đi biển là vợ chồng tôi đem cây giống ra trồng ở rừng ngập mặn. Rồi tự tay chăm sóc, bảo vệ để rừng phát triển. Rừng có xanh tốt thì sẽ bảo vệ làng quê của mình”, chị Võ Thị Thảo nói.

Để những rừng bần ven phá Tam Giang xanh tươi từng ngày như hôm nay, chị Phạm Thị Diệu My cùng các thành viên của CSRD cũng đã có không ít công sức để tiếp cận, tạo niềm tin và sự tự tin cho những phụ nữ, những hộ gia đình. Qua đó, dần thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu từ chính bản thân họ. Theo chị Diệu My, nét đặc biệt ở dự án trồng rừng ngập mặn vùng phá Tam Giang là giao cho cộng đồng điều hành và trao quyền cho phụ nữ trong việc quản lý rủi ro thiên tai ở khu vực thường xuyên bị lũ lụt nghiêm trọng, ngoài ra dự án cũng hỗ trợ sinh kế cho các nhóm nghèo và dễ bị tổn thương do phụ thuộc trực tiếp vào tài nguyên thiên nhiên. Trồng rừng ngập mặn ở phá Tam Giang gắn liền với tiêu chí “Gốc rễ bền chặt, phụ nữ quật cường”, do đó đối tượng mà CSRD hướng đến trực tiếp là phụ nữ, với mục đích nâng cao vai trò của phụ nữ và nhận thức của xã hội đối với vai trò của phụ nữ trong việc thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Chính yếu tố khác biệt “Gốc rễ bền chặt, phụ nữ quật cường” mà dự án trồng rừng ngập mặn khu vực phá Tam Giang của CSRD phối hợp với Đại học Potsdam (Đức) đã vinh dự giành giải quán quân của giải thưởng RISK Award năm 2021 vừa qua. Giải thưởng này do Quỹ Munich Re phối hợp với Văn phòng Giảm nhẹ Rủi ro thiên tai của Liên Hợp Quốc (UNDRR) sáng lập. 

MINH NGỌC - SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc