Nhiều bệnh lý nguy hiểm liên quan đến ô nhiễm từ nhiệt điện than
VHO- Theo dự thảo quy hoạch điện VIII, Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 20.000MW điện than mới vào năm 2030. Nâng công suất điện than từ khoảng 21.000 MW hiện nay lên 40.899 MW và tiếp tục tăng khoảng 10.000 MW điện than nữa trong giai đoạn tới năm 2045. Trong đó, sản lượng điện sạch đạt 13,5% vào năm 2030.
Dự thảo quy hoạch điện VIII kèm theo tờ trình của Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ vừa qua đang vấp phải sự phản đối của các nhà khoa học về môi trường, sức khỏe người dân.
Với kịch bản phát triển điện than này sẽ đưa Việt Nam trở thành 1 trong 6 quốc gia có kế hoạch phát triển điện than lớn nhất toàn cầu. Tuy nhiên các nhà khoa học khẳng định, Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề biến đổi khí hậu và hiệu ứng nhà kính, tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng ảnh hưởng tới sức khỏe của cộng đồng. Một trong những tác nhân gây ô nhiễm đó chính là những phát thải công nghiệp của nhiệt điện than. Những nhà máy điện than sẽ làm tăng nồng độ bụi PM 2.5, SO2, NO2, tăng mức độ ô nhiễm môi trường xung quanh các nhà máy trong phạm vi nhiều km2. Theo tính toán, các nhà máy sẽ phát thải 6.000 kg/năm; 32% sẽ lắng đọng vào hệ sinh thái (trong đó 20% ở Việt Nam); khoảng 37.000km2 và 14 triệu người sẽ bị ảnh hưởng bởi lượng thủy ngân lắng đọng vượt ngưỡng…
Nhà máy điện than phát thải nhiều khí bụi ô nhiễm ra môi trường, ảnh hưởng sức khỏe người dân
Bên lề Hội thảo Nhiệt điện than và sức khỏe giải pháp năng lượng an toàn cho Việt Nam trong tương lai, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Phát triển môi trường sức khỏe (CHERAD) cho biết, phát thải nhiệt điện than có ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe và môi trường, làm gia tăng các bệnh mạn tính không lây; vô sinh, đẻ non, kém phát triển; hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu… Trên thế giới đã có rất nhiều công trình nghiên cứu ảnh hưởng phát thải của nhiệt điện than tới sức khỏe con người. Các nghiên cứu đã chứng minh được ảnh hưởng trầm trọng của phát thải nhiệt điện than tới sức khỏe như: hệ thống tim mạch, tiết niệu, ảnh hưởng sức khỏe sinh sản, ung thư… Theo một thống kê tại Trung Quốc, 196 nhà máy nhiệt điện than ở Bắc Kinh, Thiên Tân và Hà Bắc (trong năm 2011) khiến 9.900 người chết sớm; 8.800 trường hợp trẻ bị hen suyễn mới; 12.000 ca viêm phế quản mạn; 5.500 lượt nhập viện do hô hấp.
Vừa qua, CHERAD đã phối hợp với Đại học Quang Trung thực hiện nghiên cứu Khảo sát thực trạng sức khỏe môi trường tại xã Vĩnh Tân - nơi có các công trình nhiệt điện và xã Phước Thể - nơi cách trung tâm nhiệt điện khoảng 12 – 15km (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) thông qua phiếu điều tra.
Kết quả cho thấy, ung thư, tai biến và đột quỵ là 3 nguyên nhân tử vong chiếm tỷ lệ cao và gia tang nhanh tại xã Vĩnh Tân trong 3 năm (2018- 2020); cao hơn so với ghi nhận của các vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và toàn quốc theo niên giám y tế năm 2018. Phân tích sổ lưu thống kê các nguyên nhân và tỷ lệ chết tại xã Phước Thể trong 10 năm trở lại đây (từ năm 2010 – 2020) có thể thấy tỷ lệ tử vong do ung thư, tai biến và đột quỵ chiếm tỷ lệ rất cao và càng tang trong những năm gần đây. 100% người dân đều cảm nhận thấy tình trạng ô nhiễm không khí tại nơi mình sinh sống và đều cho rằng nguyên nhân gây ô nhiễm không khí là do tro bụi từ nhà máy điện than. Người dân quanh khu vực cho biết, tiếng ồn từ hoạt động của các nhà máy điện than phát ra rất khó chịu, có thời điểm đinh tai nhức óc, nhưng hiện nay đã đỡ hơn. Thời điểm tiếng ồn phát ra là từ 11 giờ trưa đến 1 giờ chiều, và từ 9 giờ tối đến rạng sang hôm sau.
Không chỉ có bụi, tiếng ồn, người dân, nhất là trẻ nhỏ ở quanh khu vực thường xuyên bị các bệnh liên quan đến đường hô hấp và là vấn đề đang lo ngại. có tới 66,7% người dân đang mắc bệnh, trong đó, gần 90% là các bệnh về phổi; 100% người dân mất them chi phí khám và điều trị hằng tháng. Người dân kiến nghị cần đóng cửa hoặc di dời các nhà máy điện than ra khỏi khu vực sinh sống.
Các nhà khoa học cho rằng, chuyển đổi năng lượng sạch và kinh tế carbon thấp đã trở thành một xu thế mới của thế giới như năng lượng mặt trời, năng lượng gió… Nhiều quốc gia cam kết loại bỏ nhiệt điện than, nhiều tổ chức tài chính ngừng tài trợ cho nhiệt điện than. Trong khi đó ngành điện Việt Nam vẫn phát triển nhiệt điện than, nhất là trong 10 năm tới đây như nội dung của dự thảo quy hoạch điện VIII là đi ngược lại xu hướng của thế giới trong khi gió, mặt trời là nguồn năng lượng tiềm năng của Việt Nam được Ngân hàng thế giới đánh giá cao, có thế tăng gấp gần 7 lần hệ thống điện Việt Nam, không phụ thuộc vào nước ngoài…
“Việt Nam cần đồng hành với thế giới, không thể một mình một chợ được. Chính sách phát triển ngành điện Việt Nam cần phải dài hơi để làm cơ sở pháp lý cho chiến lược, quy hoạch và phát triển điện lực. Quy hoạch điện VIII cần phải loại bỏ nhiệt điện than, dứt khoát đưa ra khỏi quy hoạch các dự án điện than chưa triển khai xây dựng. Đồng thời ưu tiên chính sách phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là gió và mặt trời”, ông Trần Đình Sính , Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (Green ID) nhấn mạnh.
NGUYÊN KHANG