Người trẻ nói chêm tiếng Anh: Cần làm chủ và thuần thục ngôn ngữ

VHO- Chỉ cần cố gắng rèn luyện, một người có thể học cách sử dụng thuần thục nhiều ngôn ngữ và làm chủ việc chuyển ngữ (trộn mã), giúp các cuộc giao tiếp trở nên dễ dàng, đúng ý và hiệu quả hơn.

Nguoi tre noi chem tieng Anh: Can lam chu va thuan thuc ngon ngu hinh anh 1

Chêm tiếng Anh khi nói tiếng Việt có thể gây đứt gãy giao tiếp, mất thiện cảm với đối phương. Ảnh minh họa

Phải ở lại lớp sau giờ học để làm bài tập nhóm, Hồng Ánh nhắn tin cho mẹ: “Con chạy deadline nên về muộn nhé.” Chỉ lờ mờ biết “dead” mang nghĩa “chết,” mẹ của Hồng Ánh tá hỏa, tức tốc gọi điện cho con mới hiểu ý tin nhắn là: Con phải ở lại lớp để làm bài cho kịp hạn nộp.

Hiện tượng nói tiếng Việt chêm tiếng Anh hay một ngoại ngữ khác nói chung không còn là xa lạ, đặc biệt ở người trẻ và trong các cộng đồng người song ngữ/đa ngữ. Ở một chừng mực nào đó, trộn tiếng có thể được chấp nhận. Song việc lạm dụng ngoại ngữ có thể khiến một người quên tiếng Việt, làm người nghe mất cảm tình, thậm chí khiến người nói phải loay hoay để dịch từ ngoại ngữ về tiếng mẹ đẻ vì không biết dùng từ sao cho phù hợp và dễ hiểu.

Chêm tiếng Anh, quên tiếng Việt

Hồng Ánh là một sinh viên ngành Marketing. Do đặc thù ngành học phải tiếp xúc nhiều tài liệu tiếng Anh, cô cùng bạn bè thường xuyên đệm ngoại ngữ khi nói. Nhiều từ chuyên ngành được cho là khó dịch sát nghĩa ra tiếng Việt như "marketing," "insight," "logistics"… cũng được giữ nguyên như một thói quen.

Hồng Ánh thừa nhận có thời điểm cô luôn suy nghĩ như đang nói tiếng Anh. “Khi học ngữ pháp tiếng Anh, mình cảm thấy tiếng Anh logic hơn hẳn tiếng Việt. Câu cú gãy gọn hơn, từ vựng đa nghĩa, mỗi từ thường có sẵn một bối cảnh rõ ràng…” cô sinh viên cho biết.

Minh Tuấn - một nhân viên thiết kế cũng có cùng suy nghĩ. Tiếp xúc công cụ trên máy tính, tài liệu tham khảo nghề, video hướng dẫn trên YouTube đều bằng tiếng Anh, Tuấn có thói quen chèn ngoại ngữ khoảng 30% đến 40% dung lượng mỗi cuộc hội thoại.

“Mỗi lần dạy 'design' (thiết kế) cho em trai, mình phải mở hình ảnh từng công cụ như brush (cọ vẽ), palette (bảng màu)... vì nhiều lúc không thể nhớ ra từ tiếng Việt của nó là gì,” Minh Tuấn bộc bạch.

Minh Tuấn cũng ngại ngần chia sẻ mình hay gặp tình trạng “byelingual” - một từ ghép chỉ tình trạng dần quên từ vựng ở cả hai ngôn ngữ.

Giới chuyên môn gọi hiện tượng chuyển qua lại giữa hai ngôn ngữ này là chuyển mã hay trộn mã, nhằm phục vụ mục đích giao tiếp hiệu quả. Hiện tượng này không đồng nghĩa với thái độ khoe mẽ, sính ngoại của người nói, mà có thể chỉ do người nói chưa nghĩ ra từ phù hợp ở ngôn ngữ này, nên phải mượn từ vựng ở ngôn ngữ khác.

Nguoi tre noi chem tieng Anh: Can lam chu va thuan thuc ngon ngu hinh anh 2

Hiện tượng trộn mã trong giao tiếp không đồng nghĩa với thái độ khoe mẽ, sính ngoại bởi nó có thể phù hợp trong nhiều trường hợp. Ảnh minh họa

Theo Phó giáo sư-Tiến sỹ Phạm Văn Tình (Phó Viện trưởng Viện Việt Nam học, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), hiện nay, nhiều từ tiếng Anh đã trở nên phổ biến trong giao tiếp tiếng Việt, như "hello," "goodbye," "okay," "USB," "U23"...

Với độ phổ cập rộng, đặc biệt là ở các bạn trẻ, tiếng Anh gây ảnh hưởng lớn lên giới trẻ là chuyện hiển nhiên, thậm chí là cả với người lớn tuổi.

Tuy nhiên, một cuộc nói chuyện cần đáp ứng những điều kiện nhất định để đảm bảo hiệu quả về giao tiếp. Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Văn Tình dẫn ra bốn phương châm của triết gia người Anh Paul Grice về ngôn ngữ: Phương châm về lượng - nói đủ; phương châm về chất - dùng từ đúng và trúng; phương châm quan hệ - nói đúng trọng tâm, không lạc đề; phương châm cách thức - diễn đạt rành mạch, rõ ràng.

“Khi giao tiếp, hiện tượng trộn mã cần được tiết chế hoặc điều chỉnh cho phù hợp với người nghe. Tránh lạm dụng tiếng Anh, gây khó hiểu hoặc khó chịu cho người nghe, nhưng cũng không cần ép mình nói cho thuần Việt với những từ đã phổ biến trong tình huống cụ thể. Ví dụ cả người nghe và người nói đang ngồi trước máy tính mà phải dịch 'file' là 'tệp tin'/'thư mục,' hay dịch 'undo' thành 'làm lại'… thì rất nhiêu khê và dài dòng. Chính lúc ấy việc cố tình Việt hóa lại làm rối vấn đề,” ông Phạm Văn Tình nói thêm.

Ngôn ngữ chỉ là vỏ tư duy

Tháng 10/2021, ngôi sao giải trí Chi Pu từng gây bức xúc khi phát trực tiếp một video trên Tiktok, trong đó chèn lẫn lộn nhiều từ tiếng Anh-Việt khó nghe như “hoạt activities” (ý nói “hoạt động”) hay “enjoy cái moment này” (tận hưởng khoảnh khắc này)...

Khi ấy, video đã tạo ra làn sóng phản đối lớn vì cho rằng đây là kiểu ghép từ “nửa mùa,” lạm dụng trộn mã. Video bị lan truyền nhanh tới chóng mặt. Hồng Ánh nhận ra kiểu nói chuyện của mình ít nhiều có phần giống như vậy, đã lập tức “kiểm điểm” bản thân.

Cô sinh viên chia sẻ: “Mình bắt đầu tập cách diễn đạt đơn giản, tập tư duy lại bằng tiếng Việt. Ví dụ khi giải thích cho người lớn tuổi, mình không nói ‘check-in’ mà đổi thành 'ra bàn đăng ký' hoặc 'ra quầy lấy vé.' Mình không nói ‘ship hàng, ship COD’ với bà mình, mà nói ‘hôm nay có người chuyển hàng đến, bà trả tiền

Hồng Ánh thừa nhận chỉ cần cố gắng thay đổi tư duy thì bản thân có thể làm chủ việc chuyển ngữ, tôn trọng người nghe và giúp các cuộc giao tiếp trở nên dễ dàng, đúng ý hơn. Cô sinh viên trẻ cho rằng giới trẻ nói chung cần có trách nhiệm hơn với sự trong sáng của tiếng Việt.

Phiên dịch cao cấp Tạ Quang Đông - một người yêu tiếng Việt và từng gợi ra nhiều cuộc bàn luận sôi nổi về tiếng Việt trên Facebook - khẳng định ngôn ngữ là vỏ thể hiện tư duy. Theo ông, một ngôn ngữ này không hơn/kém một ngôn ngữ khác.

“Ngôn ngữ phản ánh tư duy, chứ không hẳn là ngôn ngữ này cảm tính hơn, ngôn ngữ kia logic hơn. Cảm tính hay logic là ở mỗi người, ở người dùng. Tiếng Việt cũng không nghèo từ vựng. Vì ngôn ngữ là hệ thống tín hiệu mang tính quy ước, đặt tên. Người Việt không giỏi khoa học, không sáng chế được thứ như xú páp, xi lanh… nên không có sẵn các từ này, phải du nhập thêm những từ biểu đạt những khái niệm, sự vật đó. Đó là chuyện bình thường,” ông Đông nhận xét.

Ông cũng nhiều lần đề xuất dịch nghĩa các từ “logistics” thành “tiếp vận”/”tiếp vận hậu cần”, “blockchain” thành “chuỗi khối”, “slogan” thành “hiệu ngữ”… và nhiều từ khác nữa. Theo ông, vì ngôn ngữ chỉ là vỏ, nên tên gọi của sự vật chỉ mang tính quy ước, để hiểu về sự vật đó thì cần có quy định, định nghĩa, hay thậm chí là bổ sung nét nghĩa mới, cho một từ.

Nguoi tre noi chem tieng Anh: Can lam chu va thuan thuc ngon ngu hinh anh 3

Ngôn ngữ là lớp vỏ thể hiện tư duy, không có ngôn ngữ nào logic hay cảm tính hơn một ngôn ngữ khác. Ảnh minh họa

Là một cựu du học sinh Trung Quốc, Hải Yến (26 tuổi) không quên tiếng Việt nhờ hai ngôn ngữ có nhiều điểm giao nhau (tiếng Việt có nhiều từ mượn tiếng Hán được sử dụng rộng rãi) cùng với việc luyện tập.

Dù cũng trộn mã tiếng Trung, Việt, Hải Yến ý thức rất rõ về việc sử dụng riêng rẽ hai ngôn ngữ. Nếu vô tình nói chêm tiếng Trung với người không biết tiếng, Hải Yến sẽ cố gắng giải thích rõ ý mình để người nghe không cảm thấy khó hiểu.

“Mình cố gắng đọc nhiều sách, tiểu thuyết bằng tiếng Việt và tiếng Hán để cải thiện giao tiếp. Một khi đã dùng thuần thục hai ngôn ngữ, quy tắc ngữ pháp và làm chủ được cả hai, mình không còn lo về việc quên tiếng, lai tiếng nữa. Nhờ thế mình cũng cảm thấy yêu và tự hào về tiếng mẹ đẻ của mình hơn”.

TTXVN

Ý kiến bạn đọc