Mô hình "Cửa tiệm hạnh phúc" với công tác bảo vệ môi trường

VHO- Tại chương trình tập huấn, các chị em phụ nữ thuộc nhóm yếu thế đã học được rất nhiều điều mới mẻ, sáng tạo, để có thể phát triển các sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa thành những sản phẩm mới có giá trị sử dụng, tính hiệu quả, thẩm mỹ cao.

Mô hình

Các thành viên và chuyên gia tham gia chương trình tập huấn

Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Cẩm Nam, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam vừa phối hợp cùng CLB Vì môi trường Hội An (S.E.A Club) với sự đồng hành của Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) vừa tổ chức chương trình tập huấn giới thiệu và hướng dẫn quy trình sản xuất sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa cho các hội viên của mô hình Cửa tiệm hạnh phúc. 
Đây là một hoạt động trong khuôn khổ dự án "Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương" (LSPP) được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thuộc chương trình "Dự án các hoạt động địa phương Việt Nam vì sức khỏe môi trường". Chương trình được thực hiện bởi GreenHub- Tổ chức Khoa học Công nghệ thuộc Liên Hiệp các Hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng các đối tác.

Mô hình

Tìm hiểu cách thức phát triển sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa

Trong chương trình tập huấn, GreenHub đã định hướng cho các chị em phụ nữ thuộc nhóm yếu thế, đang tham gia mô hình Cửa tiệm Hạnh phúc tại phường Cẩm Nam cách thức phát triển các sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa. 
Cùng với đó đã hỗ trợ mời chuyên gia tập huấn đến hướng dẫn trực tiếp cho các chị em phụ nữ để nắm bắt quá trình tạo ra sản phẩm khuyên tai tái chế từ túi nilon và các sản phẩm nhựa bị bỏ đi. 
Mục đích của chương trình tập huấn hướng đến nhằm bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn làm sản phẩm thủ công  tái chế cho thành viên mô hình Cửa tiệm hạnh phúc. Tăng tính sáng tạo, thẩm mỹ, ứng dụng đối với sản phẩm của mô hình nhằm mang lại nguồn sinh kế ổn định cho nhóm yếu thế tại phường Cẩm Nam. Hướng dẫn các phương pháp tổ chức cũng như chia sẻ kinh nghiệm phát triển, đẩy mạnh hoàn thiện mô hình trong thời gian tới.
Tại buổi tập huấn, các thành viên cùng với các chuyên gia đã thảo luận trực tiếp, đưa ra những định hướng, mục tiêu và giá trị mà mô hình hướng đến.  

Mô hình

Tái chế rác thải nhựa thành những sản phẩm thủ công thẩm mỹ, hiệu quả

Chị Nguyễn Hồng Nhung, chuyên gia hướng dẫn đến từ thương hiệu đồ thủ công tái chế Napoland được GreenHub mời về hướng dẫn tại chương trình tập huấn cho biết: Trong buổi tập huấn, các chị em đã thể hiện được sự khéo tay, tỉ mỉ và sáng tạo. Mọi người còn biết cách phối hợp phân chia công việc với nhau rất tốt. Tôi tin, mô hình làm khuyên tai tái chế từ túi nilon có thể phát triển được tại vùng đất du lịch Hội An này.
Được biết, mô hình Cửa tiệm hạnh phúc được vận hành bởi Hội LHPN phường Cẩm Nam và S.E.A Club nhằm tạo điều kiện cải thiện sinh kế cho các chị em thuộc nhóm yếu thế của phường Cẩm Nam. Các sản phẩm của Cửa tiệm hạnh phúc có nguồn nguyên liệu chủ yếu đến từ vải thừa, banner truyền thông từ nhựa. 

Mô hình

Các sản phẩm thủ công tái chế từ rác thải nhựa sáng tạo, thẩm mỹ

Được triển khai từ tháng 9.2022, đến nay, sau 5 tháng hoạt động, mô hình đã tái chế được 550 kg vải thừa, 200 kg banner nhựa, tạo thêm thu nhập cho 10 thành viên trong nhóm sản xuất. Trong năm 2023, Dự án LSPP sẽ tiếp tục đồng hành cùng Hội LHPN phường Cẩm Nam và S.E.A Club trong việc định hướng và phát triển mô hình kinh doanh tái chế Cửa tiệm hạnh phúc. 

Mô hình

Sản phẩm khuyên tai tái chế từ túi nilon

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Phòng Tài nguyên - Môi trường Hội An, Cửa tiệm hạnh phúc là một mô hình vô cùng có ý nghĩa trong công tác bảo vệ môi trường kết hợp với mục tiêu cải thiện thu nhập cho nhóm yếu thế, giúp cho thành phố ngày càng phát triển theo hướng bền vững. “Tôi đã xem qua các sản phẩm và cảm thấy đây là một mô hình rất có tiềm năng phát triển. Đây cũng là một cơ hội lớn để các chị em thay đổi cuộc sống của mình, Phòng Tài nguyên - Môi trường TP. Hội An sẽ luôn ủng hộ và đồng hành cùng với mô hình”, ông Sơn chia sẻ.

Dự án LSPP được hỗ trợ bởi USAID, thực hiện bởi GreenHub; Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE); Mạng lưới Một sức khoẻ các trường Đại học Việt Nam (VOHUN); Công ty TNHH Tích hợp hệ thống quản lý quốc tế (Gimasys). Mục tiêu của dự án là giảm ô nhiễm rác thải nhựa thông qua các hành động tập thể từ trung ương tới địa phương, huy động sự tham gia của các bên liên quan, cộng đồng và cá nhân. Trong đó tập trung vào 5 nội dung chính: Kiến thức về sức khoẻ môi trường; Giải pháp dựa trên thông tin, dữ liệu; Vận động chính sáchCác sáng kiến kinh doanh và sự tham gia của doanh nghiệp; Truyền thông (truyền thống và hiện đại) thực hiện tại Hà Nôi, Đà Nẵng và Hội An. 

KHÁNH CHI

Ý kiến bạn đọc