Mặn mòi làng “giang nắng phơi nước” bên bờ sông Loan
VHO - Nằm bên bờ sông Loan, lại sát cửa biển, từ bao đời nay làng Phú Lộc, xã Quảng Phú (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) nổi tiếng với nghề làm muối truyền thống. Qua thăng trầm thời gian, làng Phú Lộc hiện là địa phương duy nhất ở tỉnh Quảng Bình vẫn còn mặn mà với nghề “giang nắng phơi nước”.
Cánh đồng muối ở bên bờ sông Loan, xã Quảng Phú (Quảng Trạch)
Nếu như ở các địa phương khác dùng nước biển làm muối thì diêm dân làng Phú Lộc lại dùng nước từ cửa sông Loan nên hạt muối ở đây “trắng như gạo”, lại chứa nhiều khoáng chất, độ mặn vừa phải, không có vị chát.
Vụ muối ở Phú Lộc thường kéo dài từ tháng 3 đến đầu tháng 8 hằng năm. Cũng như ở những nơi khác, nghề muối phụ thuộc vào thời tiết, nắng càng gắt, càng to thì hạt muối làm ra càng mặn, càng đẹp và trắng tựa hạt gạo.
Bên ruộng lúa vàng là làng muối trắng
Trên cánh đồng muối cuối tháng 7, dưới cái nắng như thiêu như đốt ở miền Trung, hàng trăm người dân Phú Lộc cần mẫn, phơi mình làm việc. Ngay từ sáng sớm, diêm dân dẫn nước trực tiếp từ sông Loan, sau đó tháo xuống 5 - 6 ô ruộng ban đầu. Đến trưa, dưới ánh nắng mặt trời, mọi người tưới nước mặn đã được lọc từ bể vào sân phơi.
Khi muối kết tinh, bà con nơi đây sẽ dùng dụng cụ “cào bằng” để tập trung muối lại trên mỗi ô ruộng. Sau đó dùng xe gỗ để thu gom, đóng bao tải. Kết thúc quy trình làm muối, diêm dân lại đổ nước mới ra phơi mẻ mới và chờ đến khi nắng gắt, muối kết tinh lại thì thu hoạch.
Diêm dân giang nắng giữa trưa để làm nên hạt muối trắng
Để làm ra được hạt muối tưởng chừng đơn giản, song đó là cả một quá trình kỳ công, thấm đẫm mồ hôi lẫn nước mắt của diêm dân. Ông Phạm Văn Lưu (62 tuổi, xã Quảng Phú, Quảng Trạch), người gắn bó với nghề làm muối hơn 30 năm.
Ông cho biết, để làm ra hạt muối, chúng tôi phải kỹ càng chưng cất nước ở một khu vực riêng để nước có đủ độ mặn. Sau đó, chúng tôi đem nước có đủ độ mặn này ra giang nắng thì mới kết tinh thành hạt muối. Tuy vất vả là vậy nhưng nghề muối cũng mang lại nhiều niềm vui, đó là thử thách sự kiên trì, chịu khó chịu khổ của mỗi người.
Mặn mòi làng muối Phú Lộc
Sắc màu làng muối bên bờ sông Loan
Cùng chia sẻ với chúng tôi, diêm dân Phạm Ngọc Chính (thôn Phú Lộc 1, xã Quảng Phú) cho biết: Gia đình sống nhờ vào ruộng muối hơn 1000m2, những ngày nắng gắt thu được hơn 1 tấn muối khô, cho thu nhập khoảng 2 triệu đồng. Đặc thù nghề muối là trời nắng làm, trời mát nghỉ vì nắng càng to sản lượng muối thu về càng nhiều. Nghề làm muối tuy vất vả, mệt nhọc nhưng đã gắn bó và nuôi sống gia đình qua bao thế hệ nên chúng tôi phải gắn kết đến hết đời.
Phụ nữ Phú Lộc gìn giữ và trao truyền nghề làm muối truyền thống
Hạt muối trắng tựa gạo
Bức tranh phong cảnh hữu tình về ruộng muối, ruộng lúa ở hai bờ sông Loan
Ông Nguyễn Ngọc Minh, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho biết: “Nghề làm muối của địa phương có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cánh đồng muối Phú Lộc có diện tích khoảng 72ha, với trên 260 hộ dân đang sản xuất, sản lượng mỗi năm ước tính đạt khoảng 5.000 - 7.000 tấn cung ứng ra thị trường. Hiện nay, địa phương đã và đang nổ lực xây dựng thương hiệu, chất lượng muối Phú Lộc và tạo thu nhập ổn định cho người dân.
TÂN BÌNH; ảnh: BÙI CƯỜNG