Lan tỏa lối sống xanh
VHO- Với mục đích đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động bảo vệ môi trường, hình thành thói quen, lối sống gần gũi với thiên nhiên, các cấp Hội phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai hiệu quả và sâu rộng mô hình “Phụ nữ sống xanh”.
Mô hình ngôi nhà xanh tiết kiệm của xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa
Điểm sáng ở An Tráng
Đã trở thành nếp sống, suốt 4 năm qua, cứ sau mỗi buổi đi chợ hay cuối ngày, bà Nguyễn Thị Hải (57 tuổi) ở thôn An Tráng, xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa lại dành một ít thời gian để phân từng loại rác thải sinh hoạt trong gia đình. Với những thức ăn thừa, phế phẩm rau xanh... bà cho vào một túi, còn vỏ chai thủy tinh, lon bia, nước ngọt… bà cho vào một túi riêng. Bà Hải cho biết, các hộ dân ở đây đều có hai giỏ đựng rác, một giỏ đựng rác hữu cơ, một giỏ đựng rác vô cơ và để ở một góc hợp vệ sinh nơi sân vườn. Cuối tuần, người thu gom rác thải tập hợp đưa đến bãi tập kết rác để xử lý. “Từ ngày thực hiện mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, lượng rác thải đổ ra môi trường rất ít và không còn tình trạng vứt rác thải nhựa, chai thủy tinh, túi ni lông ra ngoài ruộng, vườn. Nhờ đó, môi trường sinh sống của người dân ở nông thôn ngày càng được cải thiện”, bà Hải bày tỏ.
Khu vườn nhà của bà Tôn Thị Hoa (51 tuổi) thôn An Tráng, xã Nghĩa Thắng xanh mướt màu xanh của rau, củ quả, cây cối làm mọi người cảm thấy dễ chịu với cuộc sống ở vùng nông thôn. Để có được khu vườn như thế, bà Hoa đã tận dụng các loại phế phẩm từ rau xanh để ủ làm phân hữu cơ bón cho vườn rau, củ quả. Bà Hoa chia sẻ, gia đình bà thực hiện phân loại, xử lý rác thải tại nguồn hơn 3 năm nay, sau khi được Hội LHPN tỉnh tuyên truyền, vận động. Nếu không phân loại, xử lý rác ban đầu thì rác thải sinh hoạt sẽ vứt khắp nơi, gây mất vệ sinh và ô nhiễm môi trường sống.
Cuối năm 2018, thôn An Tráng, xã Nghĩa Thắng được chọn làm mô hình điểm về phân loại rác tại nguồn do Hội LHPN tỉnh và Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức. Các hộ được hỗ trợ 2 giỏ nhựa đựng rác hữu cơ và vô cơ, được tham gia lớp tập huấn. Những tình nguyện viên đến tận nhà hướng dẫn người dân cách phân loại rác tại nhà. Hiện nay, có 100% hộ trong thôn An Tráng tham gia phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn theo quy định. Ngoài việc hỗ trợ 10 thùng rác lớn đặt ở một số khu dân cư trên địa bàn xã, hướng dẫn cách phân loại rác, qua 4 năm triển khai mô hình, Hội LHPN xã Nghĩa Thắng đã hỗ trợ, cấp phát hơn 300 giỏ rác để hội viên, phụ nữ phân loại và đựng rác. Đến nay, mô hình đã lan tỏa ra 5/7 thôn trên địa bàn, với trên 1.000 hộ tham gia.
Phong trào lan tỏa đi vào nề nếp
Từ mô hình phân loại rác thải tại hộ gia đình, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình phân loại rác thải giàu tính nhân văn, có sức lan tỏa mạnh trong cộng đồng, như xây dựng nhiều “Ngôi nhà xanh tiết kiệm” chứa các loại rác thải nhựa, kim loại; bao bì giấy, để bán lấy tiền giúp đỡ hội viên, phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Mới đây, Hội LHPN xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành ra mắt mô hình đổi phế liệu tái chế lấy hàng nhu yếu phẩm như muối, đường, nước mắm, dầu gội, xà phòng… thu hút đông đảo người dân tham gia.
Chủ tịch Hội LHPN xã Hành Dũng Đinh Thị Kim cho biết, quá trình thực hiện phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ tích cực tuyên truyền, vận động nên người dân đã hưởng ứng và tích cực tham gia, nhất là từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới đến nay. Giờ đây, về xã Hành Dũng không còn tình trạng rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi dọc các tuyến đường, dưới sông hay ngoài đồng ruộng như trước nữa. Tất cả rác thải sinh hoạt đều được người dân phân loại ngay tại nhà, rác vô cơ được thu gom tới nơi quy định để xử lý. “Mô hình này sẽ được phát huy và nhân rộng hơn nữa trong thời gian tới để đưa xã Hành Dũng trở thành vùng quê văn minh, xanh, sạch, đẹp từ nhà ra đến ngõ”, bà Kim nhấn mạnh.
Chủ tịch Hội LHPN huyện Mộ Đức Huỳnh Thị Thùy Trang cho hay, vào đầu tháng 10.2022, Hội LHPN huyện đã ra mắt và tập huấn mô hình “Phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ” tại thôn An Mô, xã Đức Lợi. Mô hình có 20 thành viên tham gia, mỗi thành viên được hỗ trợ một thùng ủ rác và được cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trực tiếp tập huấn những kiến thức cơ bản về rác thải và hướng dẫn phân loại rác thải; ủ phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt; hướng dẫn cách lấy men để ủ rác thải sinh hoạt hữu cơ. Ngoài ra, Hội LHPN huyện còn hỗ trợ 120 giỏ đựng rác cho các chị phụ nữ và bà con để về phân loại rác thải tại hộ gia đình. “Mô hình lan tỏa trong cộng đồng để kêu gọi người dân cùng chung tay với phụ nữ, các cấp, các ngành tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc về môi trường, nhất là rác thải, góp phần hình thành nếp sống văn hóa thân thiện với môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống”, bà Trang nói.
NHƯ ĐỒNG