Lặn ngắm san hô trái phép ở bán đảo Sơn Trà: Khó xử lý?

VHO - Sau vài đợt xử lý, hiện nay dịch vụ lặn ngắm san hô trái phép lại rộ lên ở bán đảo Sơn Trà Đà Nẵng gây nên những bất an cho công tác bảo vệ môi trường biển. Đầu tháng 8.2023, quận Sơn Trà (Đà Nẵng) đã ra quân xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm, tuy nhiên tình trạng này sẽ lại tái hiện nếu không có chế tài xử lý thật nặng và nghiêm ngặt.

Ông Phan Minh Hải - Phó Trưởng BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng (BQL) thừa nhận: “Tình trạng lặn ngắm san hô trái phép không chỉ diễn ra thời gian gần đây mà đã có từ lâu rồi. Tuy nhiên tình trạng này không được xử lý triệt để, cứ im ắng vài bữa rồi lại trở lại”, ông Hải thông tin. 

Đối với việc bảo vệ san hô, BQL đã có nhiều biện pháp phối hợp như cử nhân viên trực cố định, dùng thúng và loa, còi hiệu để đẩy đuổi phương tiện vi phạm. Sau đó, gửi thông tin phối hợp với Đồn Biên phòng Sơn Trà xử lý. Trước đây, BQL đã đề xuất UBND thành phố, Sở Du lịch TP về việc khoanh vùng để khi phát triển các loại hình dịch vụ nhưng vẫn bảo tồn được hệ sinh thái biển. Để bảo vệ khu vực trong vùng quản lý, định kỳ hằng năm cơ quan chức năng cũng tiến hành thả phao khoanh vùng, nhắc nhở người dân và du khách thực hiện nghiêm các quy định tại khu vực bảo vệ san hô, phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý những trường hợp vi phạm về khai thác và bảo vệ san hô.

Lặn ngắm san hô trái phép ở bán đảo Sơn Trà: Khó xử lý? - Anh 1

Vẻ đẹp của san hô tự nhiên dưới đáy biển Sơn Trà cần được bảo vệ. Ảnh: Đào Đặng Công Trung

Cũng như các địa phương phát biển du lịch biển, nhu cầu của du khách muốn tham quan, trải nghiệm, khám phá các sản phẩm du lịch dưới nước như lặn ngắm san hô, thể thao trên biển… tại bán đảo Sơn Trà ngày càng cao. Trước đây, các chủ hộ có lắp đặt một số bè nổi nhằm phục vụ mục đích làm nơi tập trung, nghỉ ngơi của du khách, sử dụng làm nhà hàng, chòi câu phục vụ du khách, đưa khách lặn ngắm san hô mà không đảm bảo được sự an toàn đối với môi trường tự nhiên.

Một số người dân, du khách thiếu ý thức cố ý “phớt lờ” quy định và khuyến cáo của cơ quan chức năng, cố lặn vào khu vực bảo vệ, giẫm đạp làm gẫy cành hoặc chết san hô. Năm 2023, cơ quan chức năng đã cưỡng chế, xử lý, tháo dỡ quán, sạp, công trình trái phép ở bán đảo Sơn Trà, đặt chướng ngại vật  để chặn các lối đi từ đường Hoàng Sa xuống các địa điểm đã được cưỡng chế nhưng nhiều người vẫn mở các lối đi để dẫn khách xuống.

Năm 2022, Đồn Biên phòng Sơn Trà đã liên tục kiểm tra, xử lý, xử phạt rất nhiều trường hợp, cá nhân, tổ chức tour lặn ngắm san hô trái phép. Tuy nhiên để xử lý triệt để thì còn khó khăn. Về chức năng quản lý, Phó Trưởng BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng khẳng định: “Theo chức năng nhiệm vụ, ở trên bờ thuộc quản lý của quận, giao cho biên phòng quản lý mặt nước. BQL chỉ có nhiệm vụ tạo sản phẩm du lịch mới, khuyến cáo, tuyên truyền chứ không có quyền hạn về xử lý xử phạt. Thành phố đã có nhiều văn bản giao cho lực lượng biên phòng xử lý nhưng vẫn chưa được triệt để, một phần do chế tài xử phạt còn nhẹ, không đủ sức răn đe”.

Lặn ngắm san hô trái phép ở bán đảo Sơn Trà: Khó xử lý? - Anh 2

Anh Đào Đặng Công Trung phát động các đội nhóm tham gia phong trào nhặt rác, giữ sạch đáy biển, bảo vệ san hô

Bán đảo Sơn Trà có năm vị trí thuộc vùng bảo vệ san hô gồm: Hòn Sụp, Bãi Bụt, Bãi Nồm, Đông Bãi Bắc, Hục Lỡ, với tổng diện tích bảo vệ khoảng 134 ha. Trong đó, Bãi Nồm có diện tích lớn nhất lên đến 48 ha. Đà Nẵng giao cho Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng bảo vệ rạn san hô khu vực Hòn Sụp, bốn vị trí còn lại nằm trong diện tích mặt nước được giao cho các chủ dự án khoanh vùng quản lý. Để ngăn chặn các hành vi dùng xuồng hơi, thúng máy chở khách du lịch lặn ngắm san hô trái phép, Đồn Biên phòng Sơn Trà liên tục cắt cử cán bộ chiến sĩ tuần tra, cắm chốt tại các địa điểm du lịch vào ngày cao điểm. 

Anh Đào Đặng Công Trung, một người chuyên đi thực tế với công việc nhặt rác nơi đáy biển hơn 12 năm qua tại các vùng biển miền trung ái ngại trước những tác động của con người đối với hệ sinh thái san hô: “Đánh bắt các loài cá trong rạng san hô bằng lưới, rập và câu cá là điều nghiêm cấm, vì lưới mắc vào san hô sẽ khiến san hô gãy vỡ, khiến các loài cá sống cộng sinh ngày càng thu hẹp. Vấn nạn hiện nay đến từ việc khai thác du lịch, cho thuyền vào khu vực có san hô nhưng không quản lý du khách để bơi vào khu vực có san hô cạn, dẫm đạp gây hư hỏng,xây xác hoặc có người vô ý thức bẻ, bắt các loại sinh vật biển và san hô mang về”. 

Qua đó, anh Trung đề xuất phải quy hoạch các vùng san hô quanh bán đảo Sơn Trà một cách nghiêm túc xác định tầm quan trọng của rạng san hô như là một loại tài nguyên quý báu để phát triển kinh tế và du lịch biển, thả bù giới hạn,cắt cử ngừoi theo dõi các hành vi xâm hại và xử lí hành chính nghiêm. Tuyên truyền đến ngư dân để họ nhận thức rõ tầm quan trọng của tài nguyên san hô để không đánh bắt mà hướng đến bảo vệ san hô. Ngoài ra cần khuyến khích các hội nhóm có các chương trình lặn rác, cắt dây và gỡ lưới ma, các team nuôi, trồng và cấy san hô những nơi bị xâm hại nghiêm trọng với các phương án thực tế chuyên nghiệp, hiệu quả.

MINH CHÂU

Ý kiến bạn đọc