Hội An: Triển khai hoạt động giám sát rác thải biển
VHO- Hoạt động giám sát rác thải biển đợt 1 năm 2023 vừa triển khai tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam những ngày qua đã nhận được tham gia nhiệt tình của cộng đồng dân cư địa phương, đặc biệt là các nhóm tình nguyện viên trẻ tuổi, du khách.
Hoạt động nhận được sự tham gia nhiệt tình của cộng đồng, tình nguyện viên, du khách
Trong 3 ngày, 8-10.2, Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Hội An chủ trì tổ chức hoạt động giám sát rác thải biển đợt 1 năm 2023 tại bãi biển Phước Trạch, Phước Hải (phường Cửa Đại). Hoạt động diễn ra với sự đồng hành của Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub), sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Ban Quản lý Khu bảo tổn biển Cù Lao Chàm (BQL Khu BTB Cù Lao Chàm)
Đây là một hoạt động trong khuôn khổ Dự án "Giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương" (LSPP) được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thuộc chương trình "Dự án Các hoạt động địa phương Việt Nam vì Sức khỏe Môi trường", thực hiện bởi GreenHub.
Các thành viên tích cực thu gom rác thải trên các bãi biển
Các mục đích hướng đến của hoạt động gồm: Khảo sát và ghi lại số lượng các loại rác thải tại các bãi biển trên địa bàn TP Hội An; Thu thập và phân tích số liệu để hình thành bộ dữ liệu khoa học về rác nhựa rò rỉ ra đại dương, từ đó đưa ra các đề xuất xây dựng chính sách liên quan đến rác thải nhựa tại địa phương; Áp dụng khoa học công dân để trao quyền tham gia vào hoạt động thu thập, ghi chép số liệu cho các đối tác, tình nguyện viên tại địa phương với sự hướng dẫn của các chuyên gia nhằm giáo dục cho cộng đồng về thực trạng ô nhiễm nhựa tại địa phương cũng như mối nguy hại của rác thải nhựa.
Các bạn trẻ tình nguyện tham gia hoạt động
Trong 3 ngày diễn ra, hoạt động giám sát rác thải biển áp dụng khoa học công dân đã nhận được tham gia của cộng đồng dân cư địa phương, đặc biệt là thu hút sự quan tâm nhóm tình nguyện viên trẻ tuổi. Thông qua các bước khảo sát địa điểm, xác định mặt cắt, thu gom và ghi chép số liệu rác thải biển, công dân địa phương được tiếp cận và có được góc nhìn chân thực về ô nhiễm nhựa tại địa bàn sinh sống.
Số liệu ghi chép từ hoạt động sẽ được phân tích bởi các chuyên gia của BQL Khu BTB Cù Lao Chàm. Kết quả phân tích sẽ được báo cáo trong buổi họp tham vấn thời gian tới nhằm đưa ra những từ hoạt động giám sát này cũng sẽ được phổ cập rộng rãi trong cộng đồng nhằm giúp nâng cao hiểu biết và trách nhiệm của công dân về rác nhựa và ô nhiễm nhựa.
Khảo sát, ghi chép số liệu rác thải biển ở Hội An
Rác thải nhựa trên biển là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng và cấp bách nhất hiện nay trên phạm vi toàn cầu. Theo Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (năm 2018), hiện tại, mỗi năm thế giới sử dụng khoảng 500 tỷ túi nhựa, 13 triệu thùng dầu để sản xuất nhựa, 1 triệu chai nhựa được mua mỗi phút, 100.000 động vật biển bị chết vì rác thải nhựa mỗi năm. Dự báo tới năm 2050, toàn cầu có thể sản xuất tới 1.124 triệu tấn nhựa, nếu không thu gom, tái chế, tái sử dụng lượng sản phẩm nhựa này một cách triệt để sẽ gây ra "ô nhiễm trắng" đối mới môi trường toàn cầu.
Rác thải biển đang là thách thức lớn đối với thành phố du lịch Hội An
Tại TP Hội An, chính quyền và cộng đồng người dân đang cùng chung tay nỗ lực để đẩy lùi vấn nạn ô nhiễm nhựa. Đây là một thách thức lớn đối với một thành phố du lịch đang trên đà phát triển. Nhiều văn bản, chính sách đã được thực thi, nhiều mô hình đã được triển khai vận hành.
Vào năm 2019, đảo Cù Lao Chàm của TP. Hội An được chọn là nơi để tiến hành thực hiện phương pháp giám sát rác thải nhựa bãi biển tại các địa điểm Bãi Bắc, Bãi Xếp Trên, Bãi Xếp Dưới. Hoạt động được thực hiện bởi Ban quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, nhóm hành động vì môi trường Cù Lao Chàm và cộng đồng người dân, bước đầu đã thu hoạch được nhiều kết quả phục vụ cho việc nghiên cứu thực trạng ô nhiễm nhựa tại địa phương và đề xuất các giải pháp xử lý, giảm thiểu.
Tiếp nối thành công này, từ năm 2022, Phòng Tài nguyên Môi Trường TP Hội An chủ trì phối hợp với GreenHub tổ chức chương trình Tập huấn Giám sát rác thải bãi biển TP. Hội An với sự hỗ trợ về kỹ thuật đến từ các chuyên gia thuộc Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm.
“Hoạt động giám sát rác thải biển là hoạt động hết sức ý nghĩa tại địa phương, mang tính giáo dục to lớn và góp phần xây dựng bộ dữ liệu về rác thải nhựa tại thành phố. Dưới góc nhìn của địa phương, tôi luôn ủng hộ và mong muốn hoạt động này có thể được duy trì và phổ biến rộng rãi trong thời gian tới để có nhiều người cùng tham gia hơn nữa. Địa phương cũng sẽ tạo mọi điều kiện thuận lời để hỗ trợ hoạt động được triển khai định kỳ trong thời gian tới”, ông Vũ, đại diện UBND phường Cửa Đại cho hay.
Phát hành tài liệu hướng dẫn hoạt động giám sát rác thải biển tại Hội An
Cũng trong dịp này, Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Hội An đã phát hành “Tài liệu hướng dẫn Hoạt động giám sát rác thải biển và ô nhiễm nhựa áp dụng khoa học công dân tại thành phố Hội An”.
“Đây là lần thứ hai em được tham gia vào hoạt động giám sát rác thải biển này. Đối với em đây là một hoạt động ý nghĩa. Thông qua việc thu gom và phân loại, định lượng, ghi chép số liệu về rác thải, em đã hiểu hơn về thực trạng ô nhiễm nhựa tại địa phương nơi mình sinh sống. Trong suốt quá trình thực hiện, các anh chị chuyên gia luôn theo sát để hỗ trợ, nội dung tài liệu hướng hướng dẫn cũng rất chỉn chu và dễ hiểu. Em hy vọng bản thân và mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ như em có thể tiếp tục được tham gia hoạt động này trong thời gian tới.” - Bạn Nguyễn Trọng Tuyên đến từ CLB Vì môi trường Hội An (S.E.A Club) cho biết.
Dự án “Giảm ô nhiễm Rác thải nhựa với các Giải pháp Địa phương” được hỗ trợ bởi USAID và thực hiện bởi GreenHub, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE), Mạng lưới Một sức khoẻ các trường Đại học Việt Nam (VOHUN), Công ty TNHH Tích hợp Hệ thống Quản lý Quốc tế (Gimasys). Mục tiêu của dự án là giảm ô nhiễm rác thải nhựa thông qua các hành động tập thể từ trung ương tới địa phương, huy động sự tham gia của các bên liên quan, cộng đồng và cá nhân. Tập trung vào các nội dung: Kiến thức về sức khoẻ môi trường; Giải pháp dựa trên thông tin, dữ liệu; Vận động chính sách; Các sáng kiến kinh doanh và sự tham gia của doanh nghiệp; Truyền thông (truyền thống và hiện đại) thực hiện tại Hà Nôi, Đà Nẵng và Hội An.
KHÁNH CHI