Hiệu quả từ chương trình đô thị giảm nhựa tại TP. Đà Nẵng
VHO- Là một trong những thành phố có tỷ lệ rác thải nhựa phát sinh bình quân trên đầu người khá cao (68kg/người/năm), để giảm tỷ lệ thất thoát rác thải ra môi trường, TP. Đà Nẵng đã bắt đầu tham gia chương trình Đô thị Giảm Nhựa của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên (WWF) Việt Nam và triển khai nhiều giải pháp đồng bộ bước đầu ở khu vực quận Thanh Khê. Qua đó, xây dựng các mô hình thí điểm giảm thiểu rác thải nhựa và ngăn chặn rò rỉ nhựa ra môi trường tự nhiên.
Mật độ và thành phần chất thải rắn đô thị năm 2019 tại TP. Đà Nẵng
(Nguồn: WWF-Việt Nam. 2020. Tóm tắt Nghiên cứu quốc gia về thực trạng chất thải rắn và rác thải nhựa ở Việt Nam. Dự án Đô thị giảm nhựa)
Đà Nẵng là một trong những thành phố có tỷ lệ rác thải nhựa phát sinh bình quân trên đầu người là rất cao (68kg/người/năm), thậm chí cao hơn nhiều so với lượng nhựa tiêu thụ bình quân đầu người năm 2019 trên toàn quốc là 41kg/người (Hiệp hội Nhựa Việt Nam, 2019
Giá trị này cao hơn một cách đáng kể so với báo cáo trước đây của Việt Nam và tương đương với mức độ phát sinh rác thải nhựa ở một số nước châu Âu trong những năm 2010.
Báo cáo của WWF-Việt Nam cho thấy, lượng rác thải nhựa bị thất thoát tại Đà Nẵng là 20,79 tấn/ngày, tương đương 10,2% tổng lượng rác thải nhựa phát sinh. Khoảng 25% rác thải nhựa phát sinh được đưa về thị trường tái chế, chủ yếu là bởi nhóm không chính quy. Nếu dùng dữ liệu của Đà Nẵng để quy ra dữ liệu quốc gia, thì mỗi năm có khoảng 660.000 tấn rác thải nhựa có thể bị thất thoát ra môi trường.
Để giảm tỷ lệ thất thoát rác thải ra môi trường, TP. Đà Nẵng đã bắt đầu tham gia chương trình Đô thị giảm nhựa của WWF Việt Nam và triển khai nhiều giải pháp đồng bộ bước đầu tại Quận Thanh Khê.
Điểm tập kết xanh, giảm nhựa cùng WWF
Quận Thanh Khê là một trong những địa phương trên địa bàn thành phố đã ký cam kết tham gia Chương trình Đô thị Giảm Nhựa . Từ đó địa phương này ban hành Kế hoạch Hành động về quản lý rác nhựa trên địa bàn đến năm 2025 , đồng thời triển khai đồng bộ một số nội dung như : Tập huấn giáo dục về Môi trường và rác nhựa cho đội ngũ cán bộ và giáo viên; Đẩy mạnh thu gom, phân loại rác tại nguồn trên địa bàn quận.
Mô hình điểm tập kết xanh trên địa bàn phường An Khê, quận Thanh Khê
Mới đây nhất, địa phương đã xây dựng mô hình điểm tập kết xanh trên đường Phan Xích Long (phường An Khê, đối diện chợ Tân An).
Địa điểm này có diện tích gần 3.000m2, trước đây, vào ban đêm thường xuyên xảy ra tình trạng đổ trộm giá hạ, xà bần và rác thải có kích thước lớn nên dẫn đến phát sinh một điểm nóng về môi trường. Tại khu vực này có 01 điểm tập kết thùng rác tạm thời để phục vụ công tác thu gom rác dân.
Phòng Tài nguyên Môi trường quận Thanh Khê phối hợp với WWF-Việt Nam đã tiến hành tổ chức tổng dọn vệ sinh môi trường, làm sạch mặt bằng khu đất này để UBND phường An Khê láng nền làm khu vui chơi theo hình thức xã hội hóa.
Các buổi họp với người dân để thống nhất triển khai mô hình “Điểm tập kết xanh” tại địa điểm nói trên cũng đã được tổ chức. Phòng cũng phối hợp với WWF-Việt Nam triển khai thực hiện xây dựng phông che chắn thùng rác kiên cố; Kết hợp vẽ tranh bích hoạ tuyên truyền các nội dung về môi trường; Trồng hoa giấy để tạo mảng xanh. Khi cây hoa giấy leo lên giàn được bố trí trên nóc của phông che sẽ tạo thành một mảng xanh bao phủ giúp giảm thiểu mùi hôi phát tán ra môi trường xung quanh và tạo mỹ quan cho khu vực.
Vẽ tranh bích họa, trang trí tuyên truyền các nội dung về môi trường tại Điểm tập kết xanh
Bên cạnh đó, nhằm tăng cường quản lý nhà nước trong quản lý rác thải, Phòng TNMT quận Thanh Khê và WWF-Việt Nam đã lắp đặt 02 cụm camera giám sát tại khu vực này để hỗ trợ UBND phường An Khê tăng cường quản lý tình trạng đổ trộm rác thải, thuận tiện trong công tác xử phạt các trường hợp vi phạm.
Chăm sóc hoa, tạo không gian xanh cho điểm tập kết.
Trong thời gian đến, quận Thanh Khê tiếp tục nhân rộng mô hình này tại 03 điểm tập kết thùng rác trên địa bàn quận. Qua đó góp phần giúp cho Công ty môi trường đô thị thành phố thuận tiện hơn trong khi làm nhiệm vụ.
Đồng thời cũng yêu cầu cao hơn đối với chất lượng công việc của Công ty: phải giữ vệ sinh tốt hơn nữa, vận hành và bảo quản điểm tập kết này, công nhân có chỗ để tạm khi xe thu gom bị hư hỏng, lộ trình thu gom không đúng giờ do sự cố khách quan…Vì là Điểm cố định, nên ổn định về cơ sở vật chất để công nhân có thể thuận tiện thao tác (không sợ bị người dân đẩy thùng đi, yêu cầu dời điểm…). Lộ trình cố định hơn để thực hiện thu gom nề nếp hơn. Cuối ngày công nhân có thể cất phương tiện làm việc vào đây mà không sợ bị mất như trước đây.
Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam triển khai từ tháng 10. 2019 đến tháng 12.2023 với sự tài trợ của WWF-Đức ( nguồn từ Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân CHLB Đức) tại các địa phương như A Lưới, Đà Nẵng, Đồng Hới, Hà Tĩnh, Long An, Rạch Giá, Tuy Hòa, Côn Đảo, Cù Lao Chàm, Phú Quốc. Mục tiêu và nhiệm vụ của dự án đặt ra gồm 4 nội dung, trong đó có nội dung Đô thị Giảm Nhựa nhằm xây dựng các mô hình thí điểm giảm thiểu rác thải nhựa tại bảy thành phố/quận (huyện) tham gia Dự án, thông qua việc cam kết và triển khai chương trình Đô thị giảm nhựa của WWF. Các mục tiêu khác như: Truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi; Chính sách quản lý và trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; Quản lý hiệu quả và giảm lượng tồn đọng rác thải nhựa tại ba khu bảo tồn biển quan trọng: Phú Quốc, Cù Lao Chàm và Côn Đảo.
HẢI MINH