Góc nhìn của giới trẻ về rác thải nhựa

VHO- Tôi sinh ra không phải để làm điều xấu cho xã hội, mà tôi sinh ra tôi mong muốn phục vụ việc ăn uống cho loài người, tại sao họ lại ghét bỏ tôi chỉ vì tôi được làm bằng nhựa?

Góc nhìn của giới trẻ về rác thải nhựa - Anh 1

 Cảnh trong phim ngắn “Hành trình của chiếc thìa nhựa”

Đây là trăn trở của chiếc thìa nhựa được Nguyễn Thanh Hòa (Đà Nẵng) đưa vào câu chuyện về “Hành trình của chiếc thìa nhựa” đã gây ấn tượng với Ban Giám khảo cuộc thi tác phẩm sáng tạo truyền thông Plastic Talk - Khi nhựa lên tiếng do Quỹ Vì Tầm vóc Việt, Green Hub và một số đơn vị tổ chức. Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, thành viên Ban tổ chức cho biết, “Hành trình của chiếc thìa nhựa” mang đến cho người xem sự ám ảnh về sự tồn tại lâu dài của nhựa, có thể tàn sát các loài động vật.

“Tôi bị đáng ghét là vì người ta đã chế tác tôi một cách không đúng, người ta đã sử dụng tôi một cách thiếu ý thức. Hành trình của tôi là ở các quán cà phê, bãi rác, xuống đáy biển, lên bãi cát và chui vào bụng của một con chim, tôi thấy rất ấm áp. Trong quá trình phân hủy, con chim phải tiết dịch mật ra và tiêu hóa chiếc thìa nhựa, nhưng nó không nghiền nát được tôi. Sau đó, tôi cảm giác rằng con chim không cựa nữa, không thở nữa và con chim đã chết, còn tôi vẫn sống và tiếp tục lang thang”, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng chia sẻ về tự sự của chiếc thìa nhựa.

Sau vòng 1, 18 tác phẩm thuộc 3 thể loại: Phim ngắn, Postcard, Truyện tranh đã được lựa chọn vào vòng Chung kết, Ban Tổ chức đã tổ chức thi vòng 2 - Phản biện để Ban Giám khảo góp ý cho các thí sinh thực hiện, sửa chữa tác phẩm một cách tốt hơn. Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cho hay, Ban Giám khảo có nhiều thành phần là nhà báo, nhiếp ảnh gia, chuyên gia môi trường, người làm truyền thông… “Ở góc độ nhà báo và chuyên gia môi trường, tôi chia các thí sinh thành 2 nhóm tác giả, một là các bạn rất trẻ và thực hiện tác phẩm một cách chuyên nghiệp, thuê cả người mẫu chuyên nghiệp để thực hiện bộ ảnh nhằm truyển tải thông điệp con người bị trói buộc bởi nhựa, trên bàn ăn cũng nhựa, cả quả địa cầu được gói trong túi nilon, rãnh Mariana, là rãnh đại dương sâu nhất của sâu nhất trong lớp vỏ Trái đất cũng có rác thải nhựa… cho thấy kiến thức môi trường của thí sinh rất tốt, kèm theo đó là kiến thức về truyền thông, thể hiện ý tưởng rất chuyên nghiệp. Nhóm thứ 2 là nhóm HS THPT với những nét vẽ dễ thương, làm postcard, hồn nhiên. Các bạn nghĩ ra các phương pháp postcard âm thanh tương tác với giới trẻ cao, đặc biệt là giới trẻ đô thị, là đối tượng tham gia sâu vào mạng xã hội. Đây sẽ là một kênh truyền thông rất hiệu quả mà báo chí truyền thống không dễ tiếp cận được”, đại diện Ban Giám khảo chia sẻ.

Góc nhìn của giới trẻ về rác thải nhựa - Anh 2

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (hàng trên bên trái) góp ý cho các thí sinh vòng Phản biện

Không chỉ chiếc thìa nhựa, mà vỏ quả bóng bay cũng có thể mang đến sự hủy diệt của muôn loài. Tác phẩm “Quả bóng bay” của Đỗ Ngọc Diệu Anh (Hà Nội) lại bắt đầu từ 2 chú chim líu lo, vui vẻ với ước mơ bay tới chân trời mới. Khi đang bay tung tăng trên bầu trời thì 2 chú bỗng gặp một quả bóng bay tròn to đầy sắc màu. Dù đã được cảnh báo trước nhưng không kịp nữa rồi, dây của bóng bay đã cuốn vào chân một chú chim... Kết thúc câu chuyện, tác giả mang đến thông điệp bóng bay là nguy cơ dẫn đến cái chết nhất của động vật hoang dã, do bóng bay thường được buộc bằng những sợi dây dài, khi bóng vỡ và rơi xuống biển, sinh vật biển, đặc biệt là rùa nếu nuốt phải sẽ chết vì bệnh đường ruột.

Ngoài ra, một số tác phẩm như Gia đình và rác thải nhựa, Chai nhựa phưu lưu ký, Những điều Nhựa chưa kể, Trái đất trong tay bạn… là những tác phẩm được các tác giả trẻ sử dụng các hiệu ứng ánh sáng, âm thanh, tạo hình rất hấp dẫn để thu hút người xem. Hiện các tác giả đang gấp rút hoàn thiện tác phẩm để bước vào vòng chung kết diễn ra trung tuần tháng 10. Điểm đặc biệt của cuộc thi là không chỉ thu hút được đối tượng yêu thích môi trường mà còn một số bạn trẻ đam mê với việc làm sạch môi trường, đặc biệt là nhóm sinh viên Trường Báo chí đã từng tham gia nhiều hoạt động vì môi trường, được đi thực tế và tập huấn kỹ năng sáng tạo truyền thông, đẩy các ý tưởng của mình thành sản phẩm, tận dụng kiến thức của thế giới để đấy vấn đề lên trong tác phẩm của mình mà không bị vi phạm bản quyền…

Nhằm tiếp cận, lan tỏa tới khán giả, các thí sinh đã sử dụng nhiều biện pháp khác nhau như mạng xã hội, youtube… “Mục đích của cuộc thi là lan tỏa tới cộng đồng góc nhìn đa chiều về tác hại của rác thải nhựa và xây dựng một cuộc sống giảm thiểu rác thải nhựa. Mỗi thí sinh sẽ là những tuyên truyền viên về điều này và sẽ tiếp tục sáng tạo ra những sản phẩm thiếp theo, “mưa dầm thấm lâu” đến ý thức bảo vệ môi trường của mọi người”, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng nhấn mạnh. 

 NGUYÊN KHANG

Ý kiến bạn đọc