Giữ rừng ngập mặn nguyên sinh Rú Chá

VHO- Rú Chá là khu rừng ngập mặn nguyên sinh hiếm hoi còn sót lại trên hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (Thừa Thiên Huế) và là hệ đầm phá lớn nhất Đông Nam Á.

Giữ rừng ngập mặn nguyên sinh Rú Chá - Anh 1

 Du khách đến ngắm cảnh, tham quan tìm hiểu hệ sinh thái ở Rú Chá Ảnh: THUỲ TRANG

Với vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai và được xem là “lá phổi xanh” của dân cư trong vùng, Rú Chá đang được chính quyền địa phương và cộng đồng tích cực giữ gìn, bảo vệ.

“Bức tường xanh” giúp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai

Mới đây, tác phẩm nhiếp ảnh Đánh cá ở rừng ngập mặn của tác giả Phạm Huy Trung đã đoạt giải Nhất cuộc thi ảnh quốc tế danh giá Drone Photo Awards 2021 (ở hạng mục Con người), khiến cho nhiều du khách gần xa biết đến và muốn tìm hiểu nhiều hơn về rừng ngập mặn Rú Chá. Đó là khu rừng ngập mặn nguyên sinh trên phá Tam Giang, thuộc làng Thuận Hòa, xã Hương Phong, TP Huế. Khu rừng này ban đầu có diện tích gần 3,9 ha với chủ yếu là loại cây chá gốc to lớn, bám chặt vào đất. Sau này, rừng ngập mặn Rú Chá được trồng mở rộng diện tích thêm hơn 18 ha, tập trung trồng các loài đước, sú, vẹt, bần chua…

Theo TS Phạm Ngọc Dũng, nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế, người gắn bó nhiều năm với các dự án trồng rừng ngập mặn cho biết, diện tích rừng ngập mặn Rú Chá không đa dạng về thành phần loài nhưng có vai trò, giá trị rất quan trọng đối với hệ sinh thái đất ngập nước. Khu rừng nguyên sinh quý hiếm này còn là “bức tường xanh” giúp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, bảo vệ đê điều và tăng khả năng ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.

Rú Chá không chỉ được xem là “lá phổi xanh” của vùng dân cư ven phá Tam Giang, mà còn được biết đến là điểm check-in nổi tiếng của nhiều du khách. Mỗi mùa, khung cảnh thiên nhiên ở Rú Chá đều có những vẻ đẹp riêng. Mùa thu là cả một rừng lá vàng ươm, không khí trong lành, mát dịu, đẹp như một bức tranh. Mùa đông, dù rừng chá đã rụng hết lá, chỉ còn lại những thân cây khẳng khiu với lớp màu bàng bạc nhưng vẫn vươn mình đầy sức sống, chờ đợi mùa xuân đến với những cành lá xanh non… Từ trạm canh (chòi canh) nằm ngay giữa khu rừng, du khách có thể ngắm khung cảnh bao quát xung quanh Rú Chá mở rộng ra phá Tam Giang và phía xa là cửa biển Thuận An. Rừng ngập mặn Rú Chá còn có hệ sinh thái đa dạng, với nhiều loài thủy hải sản quý hiếm và nổi tiếng của phá Tam Giang.

Giữ rừng ngập mặn nguyên sinh Rú Chá - Anh 2

Rừng ngập mặn Rú Chá nhìn từ trên cao Ảnh: ĐÌNH HUY

Sẽ là điểm du lịch hấp dẫn

Ông Trần Viết Chức, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hương Phong cho biết, chính vì những giá trị độc đáo về cảnh quan thiên nhiên, môi trường của Rú Chá nên thời gian qua, địa phương đã tích cực tuyên truyền và vận động để người dân nâng cao ý thức, không xả rác thải bừa bãi khi đến tham quan, ngắm cảnh ở Rú Chá. Hiện nay, chúng tôi đã thông báo không cho người dân và du khách đi xe vào rừng ngập mặn. Trước lối vào rừng ngập mặn này, xã đã dựng biển tuyên truyền về để rác đúng nơi quy định; công ty về môi trường cũng bố trí thêm các thùng rác đặt tại các vị trí phù hợp, vào cuối tuần Đoàn thanh niên của xã thực hiện chương trình “Ngày Chủ nhật xanh” dọn vệ sinh và nhặt rác thải ở Rú Chá… Đặc biệt, phải kể đến là công lao của vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Đáp, hộ dân duy nhất đã sinh sống và gắn bó với ở rừng ngập mặn Rú Chá gần 40 năm qua. Ông thường xuyên vận động, nhắc nhở, tuyên truyền đến du khách về công tác bảo vệ môi trường, cảnh quan cho Rú Chá. Ông Chức cũng cho biết thêm, ngoài hệ sinh thái đa dạng ở rừng ngập mặn nguyên sinh Rú Chá (diện tích 21,9 ha), hiện nay các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương đang quy hoạch, mở rộng trồng rừng ngập cho xã Hương Phong vừa nhằm bảo vệ môi trường, tạo sinh kế cho cộng đồng và thúc đẩy phát triển xã hội của khu vực này.

Cuối năm 2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt đề án “Phát triển rừng ngập mặn tại xã Hương Phong” với nhiệm vụ sẽ tiếp tục bảo vệ nghiêm ngặt 21,9 ha rừng ngập mặn hiện có, bảo vệ đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng ngập mặn. Đồng thời, xác định diện tích có khả năng trồng cây ngập mặn theo các phương thức khác nhau; xác định cơ cấu bố trí loài cây, phương thức trồng hợp lý cho từng khu vực; trồng mới 232,84 ha rừng ngập mặn nhằm nâng cao khả năng phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo điều kiện để phát triển nuôi trồng thủy sản hiệu quả, bền vững, thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, góp phần đưa kinh tế - xã hội của xã Hương Phong phát triển nhanh, bền vững.

Đề án cũng đặt ra nhiệm vụ xây dựng khu vườn thực vật ngập mặn với khoảng 30 loài chủ yếu, đặc trưng của cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về nghiên cứu khoa học, giáo dục - đào tạo về thực vật, hệ sinh thái rừng ngập mặn cho học sinh, sinh viên và các nhà nghiên cứu. Trong đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ nghiên cứu xây dựng “bảo tàng gien” các loài thực vật ngập mặn ở miền Trung như cây cóc trắng, cóc đỏ; thường sinh sống ở miền Nam; vẹt dù dở miền Bắc… Qua đó, nhằm bảo tồn nguồn gien cây rừng ngập mặn hiện có để phục vụ nghiên cứu khoa học, tạo điểm nhấn hấp dẫn phục vụ du lịch sinh thái... 

 THÙY AN

Ý kiến bạn đọc