Giữ cho dòng Hương trong xanh
VHO- Đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn minh đô thị và bảo vệ môi trường du lịch, tỉnh Thừa Thiên Huế tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý những vi phạm môi trường trên sông Hương, đặc biệt tình trạng thả hoa đăng nhựa và rải vàng mã.
Sau hoạt động thả hoa đăng truyền thống sẽ có bộ phận trục vớt để tránh ảnh hưởng đến môi trường sông Hương
Cùng với đó, các cấp ngành cũng phát động phong trào “Vì dòng Hương trong xanh”, “Thừa Thiên Huế xanh - sạch - sáng”… lan tỏa cộng đồng chung tay giữ gìn dòng sông di sản.
Nói không với hoa đăng nhựa
Có mặt tại Bến thuyền Tòa Khâm (đường Lê Lợi, TP Huế) vào tối cuối tuần qua, chúng tôi liên tục gặp nhiều đoàn khách du lịch đến mua vé trải nghiệm dịch vụ ngắm cảnh, thưởng thức nghệ thuật ca Huế trên sông Hương. Thông thường những tour này kèm với dịch vụ thả hoa đăng trên sông nếu du khách có nhu cầu. Trước khi thuyền xuất bến, chủ thuyền đã nhờ người dẫn chương trình nghệ thuật hoặc đích thân thông báo với hành khách về việc không thả rác thải xuống sông Hương, nếu muốn thả hoa đăng thì đơn vị tổ chức tour đã chuẩn bị hoa đăng bằng giấy, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường.
Bà Lê Thị Lành, 48 tuổi, chủ thuyền rồng du lịch TTH-003 cho biết, việc tuyên truyền giữ gìn vệ sinh môi trường đã được triển khai, và mới đây khi UBND tỉnh yêu cầu chấn chỉnh, xử lý mạnh hơn thì chúng tôi càng phải thông báo kỹ cho du khách khi đặt tour. Du khách đi tour nghe ca Huế ban đêm thì triển khai tốt, các ca sĩ đã tuyên truyền thêm cho khách về việc không sử dụng đèn hoa đăng bằng nhựa hay có sáp thắp sáng đựng trong nắp kẽm. Nhưng ngại nhất vẫn là khi các thuyền phục vụ lễ hội, các dịp đi cúng trên sông, nhiều người khách thuê thuyền vẫn bất chấp để rải vàng mã xuống sông Hương. “Trước khi hợp đồng dịch vụ, chúng tôi cũng đã thông tin rõ ràng để khách hành lễ xong không được rải vàng mã xuống sông. Bây giờ thời công nghệ, chỉ cần có người quay chụp lại thì chủ thuyền sẽ bị phạt nặng, đã có nhiều trường hợp bị lên Hue-S và xử phạt rồi. Nếu khách không đồng ý tuân thủ thì chúng tôi cũng từ chối phục vụ”, bà Lành nói.
Một đoàn du khách miền Nam đang chuẩn bị xuống thuyền rồng để đi tour ngắm cảnh sông Hương và nghe ca Huế, khi được thông báo về các quy định để bảo vệ môi trường cho dòng sông, họ đều đồng tình và ủng hộ. Chị Nguyễn Thị Minh, du khách từ Bình Phước, nói “mỗi du khách cần tham gia tích cực bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan để phát triển du lịch bền vững. Hiện nay, nhiều địa phương cũng đã có nhiều tour du lịch khám phá, trải nghiệm gắn với các hoạt động bảo vệ môi trường và đã được hưởng ứng tích cực. Sông Hương có vẻ đẹp riêng, được ví như dòng sông di sản nên cần được bảo vệ, giữ gìn”.
Theo yêu cầu mới của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, các công ty, doanh nghiệp và chủ phương tiện tàu, thuyền hoạt động kinh doanh du lịch trên sông Hương phải nghiêm túc chấp hành theo đúng pháp luật về bảo vệ môi trường, tuyệt đối không sử dụng đèn hoa đăng bằng nhựa; đồng thời kiên quyết từ chối phục vụ đối với khách sử dụng đèn hoa đăng bằng nhựa, hoa đăng sử dụng sáp thắp sáng chứa trong các nắp kẽm, rải thả vàng mã trên sông.
Thả hoa đăng truyền thống (hoa đăng bằng giấy) trên sông Hương vào dịp lễ hội ở Huế
Thường xuyên kiểm tra
Thả đèn hoa đăng trên sông Hương là hoạt động văn hóa được tổ chức trong các dịp lễ hội Festival cũng như lễ hội của Phật giáo, mang ý nghĩa tôn vinh những giá trị tinh thần, giá trị tâm linh và văn hóa của người Việt Nam, cầu nguyện sự bình yên, quốc thái dân an. Những lễ hội này, sử dụng hoa đăng truyền thống làm bằng giấy hạn chế ảnh hưởng môi trường; sau khi thả đèn sẽ có bộ phận trực để trục vớt, không gây ảnh hưởng môi trường dòng Hương.
Tuy nhiên gần đây xuất hiện tình trạng một số hộ kinh doanh sử dụng đèn hoa đăng bằng nhựa đưa vào khai thác, phục vụ người dân và du khách thả hoa đăng trên sông Hương, tập trung ở các điểm như: Cồn Hến, Cồn Dã Viên… Các đợt thả hoa đăng nhựa, hoa đăng sử dụng sáp thắp sáng chứa trong nắp kẽm, đốt rải vàng mã đã ảnh hưởng đến cảnh quan và chất lượng môi trường nước của sông Hương. Ngay sau khi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có văn bản chỉ đạo chấn chỉnh xử lý các vi phạm về môi trường trong hoạt động du lịch trên sông Hương, UBND TP Huế cũng đã nhanh chóng thông báo, chỉ đạo đến UBND các phường, xã, các đơn vị liên quan trên địa bàn, thường xuyên kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ông Lê Quang Triển, Phó trưởng Ban Quản lý Bến xe - thuyền TP Huế, thông tin, hiện nay có 11 doanh nghiệp với 129 thuyền rồng du lịch đang khai thác trên sông Hương. Các chủ thuyền đều đã cam kết về đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường khi hoạt động. Đơn vị cũng thường xuyên thông báo, nhắc nhở về những quy định của tỉnh và thành phố về công tác bảo vệ môi trường, không thả hoa đăng nhựa, rải vàng mã… Thời gian qua, trong phạm vi khu vực do đơn vị quản lý (Bến thuyền Tòa Khâm và bến thuyền Thiên Mụ) chưa phát hiện tình trạng vi phạm nói trên. “Tại các bến thuyền, chúng tôi đã trang bị các thùng rác phù hợp, tiến hành thu gom và xử lý rác thải hàng ngày, đảm bảo môi trường chung và đáp ứng yêu cầu của du khách. Đồng thời, nhân viên ở các bến cũng thường xuyên thông báo trên hệ thống loa để tuyên truyền đến các chủ thuyền, du khách về việc giữ gìn vệ sinh môi trường, không thả hoa đăng nhựa, không rải vàng mã”, ông Triển nói.
Không chỉ riêng việc giữ gìn, bảo vệ môi trường cho dòng sông Hương di sản, Phó Chủ tịch UBND TP Huế Trần Song cũng đề nghị Công an TP Huế, Phòng TN&MT và UBND các phường, xã tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư trong đó có hành vi rải, đốt vàng mã không đúng nơi quy định. Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường và các quy định có liên quan.
UBND TP Huế cũng kêu gọi mỗi người dân thành phố là một đại sứ du lịch, tuyên truyền và phổ biến những quy định của tỉnh và TP Huế về thả đèn hoa đăng trên sông Hương để du khách đến Huế chủ động chấp hành, thực hiện nghiêm túc góp phần bảo vệ môi trường, hình thành nếp sống văn minh đô thị. n
SƠN THÙY