Giải pháp nào cho các điểm tập kết rác ở Hà Nội?

VHO- Tại Hà Nội, nhiều bãi tập kết rác thải nằm chềnh ềnh giữa đường, trên vỉa hè, nơi đông người qua lại là cảnh tượng không hiếm gặp.

Giải pháp nào cho các điểm tập kết rác ở Hà Nội? - Anh 1

 Rác tràn ra đường ở ngõ 279 Đội Cấn, dù đã có biển cấm đổ rác

Một Hà Nội ngày càng phát triển, hiện đại thì những cảnh nhếch nhác đó không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân mà còn làm nhiều du khách phiền lòng khi đến đây.

Tràn cả xuống lòng đường

Trong khu vực nội đô Hà Nội, nhiều bãi rác thải tự phát chất cao thành đống, ruồi muỗi bu bám, ngày nắng thì bốc mùi nồng nặc, ngày mưa thì nước từ những bãi rác tràn ra đường, vỉa hè ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân. Từ các đường phố lớn cho tới những ngõ hẻm chỗ nào cũng có những bãi rác tự phát. Chị Lê Thanh Hòa (Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân) cho biết, đoạn đường này chỉ khoảng 2 km mà có tới 3-4 chỗ tập kết rác. “Đơn vị thu gom rác quây bạt ở vỉa hè, thế là thành nơi tập kết. Mong sao chính quyền địa phương có biện pháp xử lý, trả lại môi trường sống trong lành cho người dân và giữ gìn cảnh quan đô thị”, chị Hòa cho biết.

Trong khi đó, tại ngõ 279 Đội Cấn (quận Ba Đình, Hà Nội), bãi rác tự phát chềnh ềnh ngay vỉa hè, rác tràn xuống đường. Ngõ hẹp, hai ô tô tránh nhau còn khó, đến đoạn có bãi rác tự phát này là bị ùn ứ, nhiều hôm ách tắc chỉ vì thùng gom rác và rác thải tràn ra đường ngõ. Tại đây, UBND phường Ngọc Hà đã cắm biến cấm đổ rác, nhưng đống rác này ngày nào cũng chất ngất. Người dân thì ngao ngán cho sự bất lực của các cơ quan chức năng địa phương. Tại khu vực cổng chợ Long Biên (quận Ba Đình), hàng chục xe rác tập kết ở đây vào giờ tan tầm khiến giao thông khu vực luôn bị ách tắc. Tại quận Ba Đình, đa số điểm tập kết rác được bố trí dưới lòng đường, thậm chí sát cổng trường học…

Trên nhiều tuyến đường như Bà Triệu, Ngô Quyền, Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm)… các thùng rác được đặt ngay dưới lòng đường, gây cản trở giao thông. Điểm chung của các điểm tập kết rác thải này đều không có hệ thống thu nước rác hay hệ thống xử lý nước thải, không có tường rào và không có mái che. Cùng với quá trình đô thị hóa, khối lượng rác thải, nhất là rác thải sinh hoạt ngày càng tăng, việc khắc phục vấn đề này thực sự là một yêu cầu bức thiết. Tốc độ cải thiện môi trường sống, trong đó có xử lý về rác thải cũng như quy hoạch các điểm tập kết rác thải chưa theo kịp với tốc độ phát triển của Hà Nội.

Loay hoay tìm lời giải

Theo thống kê của Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên toàn quốc là 61.500 tấn/ngày (thành thị là 31.000 tấn/ngày, nông thôn 30.500 tấn/ngày). Nhưng có tới 85% số đô thị từ thị xã trở lên sử dụng phương pháp chôn lấp chất thải không hợp vệ sinh. Chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội, mỗi ngày thành phố Hà Nội phát sinh khoảng 6.000-7.000 tấn rác thải sinh hoạt. Do đơn vị thu gom không có đủ điều kiện để phân loại rác tái chế, nhất là rác thải nhựa, túi ni lông nên hầu hết được đưa đến các khu xử lý chôn lấp.

Số lượng điểm chuyển tải, trung chuyển rác trên địa bàn Hà Nội nhiều năm nay không đủ đáp ứng nhu cầu thực tiễn do thiếu quỹ đất hoặc tìm được vị trí nhưng chưa phù hợp về hạ tầng cơ sở. Hầu hết các quận nội thành của Hà Nội hiện nay, các điểm tập kết rác đều để ở vỉa hè, lòng lề đường. Các cơ quan chức năng của TP Hà Nội cũng đã yêu cầu các quận đầu tư xây dựng các điểm chuyển tải rác trên địa bàn. Tuy nhiên, nhiều quận cho biết không thể bố trí được địa điểm. Với mật độ dân cư đông, các quận trung tâm của Hà Nội đang rất cần những giải pháp hiệu quả giải quyết vấn đề thiếu điểm chuyển tải rác cũng như những giải pháp để giảm thiểu ùn ứ rác trong khu vực ngoại thành.

Ngày 20.8.2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa theo hướng coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên. Còn tại Điều 73 Luật Bảo vệ môi trường 2020, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm hạn chế sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thải bỏ chất thải là sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học theo quy định; không thải bỏ chất thải nhựa trực tiếp vào hệ thống thoát nước, ao, hồ, kênh, rạch, sông và đại dương. Chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và tài nguyên khoáng sản biển, nuôi trồng và khai thác thủy sản phải được thu gom, lưu giữ và chuyển giao cho cơ sở có chức năng tái chế và xử lý. Các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần và sản phẩm thay thế bao bì nhựa khó phân hủy sinh học được chứng nhận thì được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Chất thải nhựa phải được thu gom, phân loại để tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý theo quy định của pháp luật. Chất thải nhựa không thể tái chế phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng xử lý theo quy định…

Hà Nội đã đầu tư xây dựng Nhà máy Điện rác Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) có tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỉ đồng bằng vốn nước ngoài. Nhà máy với công suất xử lý 4.000 tấn rác khô (tương đương gần 5.500 tấn rác ướt) mỗi ngày. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ xử lý rác tại 9 quận nội thành. Việc nhà máy này đi vào hoạt động, rác sẽ thành tài nguyên, được sử dụng có ích sẽ tác động đến thay đổi nhận thức của người dân, các cơ quan quản lý của Hà Nội về rác thải. 

 HOÀNG ANH

Ý kiến bạn đọc