Giải pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa ở Hội An

VHO- Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) vừa phối hợp cùng UBND Thành phố Hội An, Viện nước Quốc Tế Stockholm (SIWI) tổ chức tham vấn “Trách nhiệm của các bên liên quan đối với ô nhiễm nhựa ở Hội An: Phân tích theo cách tiếp cận từ Nguồn tới Biển”, qua đó áp dụng Cách tiếp cận từ Nguồn tới Biển (S2S) nhằm xác định các ưu tiên trong quản lý rác thải nhựa tại Hội An.

Giải pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa ở Hội An - Anh 1

Quang cảnh cuộc họp tham vấn diễn ra vào cuối tuần qua tại Hội An

Hội thảo diễn ra tại TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam vào cuối tuần qua với sự tham dự của đại diện các cơ quan chức năng trên địa bàn, các chuyên gia môi trường trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp, hội đoàn thể và đặc biệt là những người chuyên thu mua, nhặt ve chai trên địa bàn Hội An. 
Nội dung họp tham vấn tập trung vào 3 mục đích chính là: Xây dựng hiểu biết chung về hiện trạng rác thải nhựa tại Hội An và các bước cần thiết để giảm rò rỉ nhựa ra môi trường; Xác định vai trò và trách nhiệm cụ thể của từng bên liên quan trong các hoạt động hợp tác để đạt được tầm nhìn chung; Thảo luận về các hoạt động ưu tiên và theo dõi tiến trình.
Tại buổi tham vấn, các chuyên gia và tổ chức quốc tế đánh giá Hội An là địa phương thực hiện rất tốt trong việc thực thi phân loại rác từng loại. Tuy nhiên áp lực phát triển du lịch cũng là những thách thức phức tạp về rác thải nhựa. 
Là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng trong nước, với gần 100.000 dân, số lượng du khách đã tăng theo cấp số nhân (năm 1991 đạt 3.400 lượt khách du lịch, năm 2018 tăng lên gần 5 triệu lượt khách). Việc tăng trưởng nhanh chóng này cũng khiến các dịch vụ như thu gom rác thải rắn chịu áp lực ngày càng lớn. Tuy địa phương nỗ lực rất nhiều trong việc giảm thiểu rác thải nhựa, thực hiện phân loại chất thải rắn tại đầu nguồn nhưng  lượng nhựa sử dụng một lần vẫn được sử dụng rộng rãi.

Giải pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa ở Hội An - Anh 2

Bãi rác Cẩm Hà-Hội An quá tải

Trong năm 2021 và 2022, IUCN hợp tác cùng SIWI và các bên liên quan thực hiện hoạt động “thí điểm Cách Tiếp cận S2S trong Quản lý Rác thải nhựa tại TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam” với nguồn vốn tài trợ của GIZ. 
Mục đích của hoạt động là thí điểm áp dụng các bước trong chu trình của Phương pháp Tiếp cận S2S vào quản lý rác thải nhựa tại Hội An theo tài liệu Hướng dẫn thực hiện phương pháp tiếp cận S2S1; Khung hành động theo cách tiếp cận S2S để ngăn ngừa rác thải biển: Ngăn ngừa rò rỉ rác thải nhựa đến lưu vực sông.
IUCN tiến hành hoạt động kiểm toán rác thải sinh hoạt năm 2020 tại toàn thành phố ở 9 nhóm đối tượng, và kết quả cho thấy hiện trang phát sinh chất thải rắn vào năm 2019 đạt ngưỡng cao nhất cho đến nay với 37.000 tấn (rác thải hữu cơ 67%, rác thải nhựa 15%). Hai nguồn phát sinh chất thải rắn chính tại Hội An là hộ gia đình (45% ) và cơ sở kinh doanh (40%).
Áp dụng cách tiếp cận S2S, các bên liên quan sẽ làm việc cùng nhau để xây dựng một tầm nhìn chung mà có thể hoàn thành được thông qua sự hợp tác của mỗi bên. Hoạt động đã phân tích các bên liên quan, tìm hiểu những khó khăn mà các bên liên quan đang gặp phải. 

Giải pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa ở Hội An - Anh 3

Nhặt rác thải nhựa từ sông trôi ra biển tại Cù Lao Chàm

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, những năm qua bản thân doanh nghiệp hữu rất rõ về tác hại của rác thải nhựa nên đã “từ chối” các vận dụng vỏ nhựa đưa vào nhập vào nhà hàng, khách sạn… Bên cạnh đó đưa các loại rác hữu cơ cho bà con ủ làm phân bốn cây, rau xanh thành hệ tuần hoàn rất hiệu quả. 
Tuy vậy vẫn khó giảm được bởi rác thải nhựa không chỉ xuất phát từ Hội An, do thành phố này có vị trí cuối nguồn của lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn khiến rác trôi theo dòng chảy và ứ đọng ở cuối nguồn. Cần có liên kết cùng các địa phương đầu nguồn cùng nhau có biện pháp quản lý mới thành công được. Ngoài ra, hiện cũng chưa có quy định cụ thể về giá thu mua và phúc lợi cho nhóm thu mua ve chai – một trong 5 bên liên quan chính của dòng rác.

Giải pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa ở Hội An - Anh 4

Các nhóm đưa ra phương án bảo vệ môi trường và giảm thiểu rác thải nhựa tại họp tham vấn

Với một số khó khăn vướng mắc trên, cuộc họp tham vấn đã cung cấp thêm thông tin về các nhóm liên quan đến dòng rác tại Hội An, sự phụ thuộc của các bên, xác định những rào cản và cơ hội, đưa ra những đánh giá phân tích, từ đó xác định được các vấn đề cần ưu tiên trong quản lý rác thải nhựa tại địa phương.
Điều này cho thấy ngoài các nguồn lực về tài chính, con người, đầu tư công nghệ để cải thiện việc thu gom, phân loại và xử lý chất thải rắn thì sự phối hợp giữa các bên liên quan, những nhóm chịu ảnh hưởng, được hưởng lợi bởi hệ thống quản lý chất thải rắn là rất quan trọng. Những nhóm chịu tác động nêu trên bao gồm các cộng đồng ở thượng nguồn sông Thu Bồn và ở các khu vực ven biển xung quanh Hội An, nơi có nguy cơ rò rỉ nhựa rất cao mà sau cùng có nguy cơ ảnh hưởng đến các khu du lịch của thành phố.
“Nếu làm tốt chuyện về hạn chế nhựa, chúng ta phải kết nối ở cấp độ quốc gia. Bởi ở cấp này mới xây dựng được nhiều cam kết giữa nhà sản xuất và dịch vụ tiêu dùng. Đặc biệt là các loại bao bì ni lông và vỏ hộp nhừa dùng một lần. Vì Hội An là điểm du lịch những thức ăn, nước uống nhanh là thứ cần giải quyết”, bà Ruth Mathews - Giám đốc Cao cấp của SIWI, chia sẻ. 

THU HOÀI
 

Ý kiến bạn đọc