Đồng quản lý bảo tồn biển tại Cù Lao Chàm
VHO- Mô hình quản lý tổng hợp, thích ứng và chia sẻ lợi ích giữa các nhóm cộng đồng địa phương mà Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, Hội An (Quảng Nam) đang tiếp cận là một minh chứng sinh động về hiệu quả phương thức đồng quản lý trong bảo tồn biển.
Cộng đồng tiếp cận thực hành trồng san hô bằng phương pháp mới tại Cù Lao Chàm
Việc áp dụng mô hình này không chỉ mang lại sinh kế bền vững cho người dân mà qua đó sẽ góp phần quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường bền vững biển khu DTSQTG Cù Lao Chàm.
Mô hình cộng đồng bảo vệ, khai thác và bảo tồn cua đá, một đặc sản nổi tiếng của Cù Lao Chàm được xây dựng tại xã đảo Tân Hiệp từ năm 2012 được đánh giá là một trong những điển hình về mô hình đồng quản lý, phát triển du lịch bền vững dựa vào người dân địa phương. Một HTX gồm những thành viên là những người có nghề “săn” cua đá trên đảo được thành lập, từ đó xây dựng khung quản lý, cộng đồng bảo vệ, khai thác hợp lý cua đá theo quy trình và tiêu chí cụ thể. Hỗ trợ phát triển thành thương hiệu loài đặc trưng, có chỉ dẫn địa lý, cải thiện thu nhập của người dân địa phương. Xa hơn nữa, hướng đến xây dựng các sản phẩm đặc trưng, chất lượng cao, góp phần phát triển du lịch bền vững. Ông Phạm Công, một thành viên trong HTX cho biết, hằng năm HTX sẽ chỉ khai thác một số lượng cua đá nhất định, cam kết ổn định giá cả, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm. Bên cạnh thành lập tổ cộng đồng bảo vệ, khai thác bền vững cua đá sẽ kết hợp tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân, du khách trong việc bảo vệ cua đá và các sản vật khác trên đảo.
Để hạn chế việc khai thác tự phát dẫn đến nguy cơ mất cân bằng sinh thái, cạn kiệt sản vật, chính quyền cũng thực hiện khai thác có kiểm soát với số lượng cho phép, khai thác theo mùa vụ, theo kích thước quy định. Vào mùa sinh sản (khoảng từ tháng 8 đến tháng 2 năm sau), cua đá được quản lý, bảo vệ, cấm đánh bắt, khai thác để phục hồi. Cơ quan chức năng cũng tổ chức kiểm tra, dán nhãn sinh thái cua đá. Nhờ đó đã bảo tồn được khoảng 75% số lượng cua đá trong tự nhiên.
Phương thức đồng quản lý mà Khu DTSQTG Cù Lao Chàm hướng tới trong thời gian qua là một phương thức quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên dựa trên sự phối hợp giữa người dân và các cơ quan quản lý. Trong đó nhà nước chia sẻ quyền hạn, trách nhiệm và chức năng quản lý với những người sử dụng nguồn lợi. Qua đó, góp phần bảo vệ được nguồn lợi, nâng cao đời sống người dân trong các khu bảo tồn. Xa hơn nữa, người dân ý thức quyền lợi, trách nhiệm của mình, cùng chung tay bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học, bảo vệ các hệ sinh thái, tài nguyên thiên nhiên, phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử, phát triển kinh tế xã hội cộng đồng địa phương bền vững.
Mô hình Tiểu khu đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương được triển khai từ năm 2011 tại Cù Lao Chàm đã chứng tỏ hiệu quả của phương thức đồng quản lý này. Ban quản lý cộng đồng có gần 20 thành viên do chính người dân bầu ra. Người dân địa phương được giao quản lý hơn 19 km2 mặt nước của khu bảo tồn để tự tổ chức quản lý, sử dụng kiểm soát chặt chẽ các hoạt động như khai thác thủy sản, phát triển dịch vụ du lịch, các hoạt động truyền thông và nâng cao nhận thức, phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử đi kèm. Chị Lê Thị Hương, một người dân ở Bãi Hương chia sẻ, vì nhận được những hiệu quả thực tế từ mô hình này, nên chị cũng như mọi người dân ngày càng tham gia tích cực hơn vào các hoạt động như giữ gìn môi trường, bảo vệ nguồn lợi của Tiểu khu. Có xanh, sạch, đẹp thì càng thu hút du khách đến tham quan, nhiều doanh nghiệp tìm đến đầu tư, cùng người dân tổ chức khai thác các tour, dịch vụ du lịch. Và cũng nhờ đó, thu nhập mọi người được cải thiện, bền vững hơn. Bên cạnh đó, vận động người dân hoàn thành việc đăng ký khai thác thuỷ sản, giúp quản lý, kiểm soát chặt chẽ trong lĩnh vực khai thác.
Theo BQL Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, một trong những điểm then chốt trong việc vận hành hiệu quả mô hình đồng quản lý chính là việc nâng cao vai trò, gắn trách nhiệm của người dân vào nguồn tài nguyên tại địa phương. Phát huy sức mạnh cộng đồng trong quá trình quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường biển, hướng đến sự phát triển bền vững. Có thể nói, đồng quản lý là một mô hình tổng hợp, huy động tất cả ngành, nghề có liên quan, mọi thành phần xã hội, từ người dân, chính quyền, ban quản lý khu bảo tồn biển, các nhà khoa học đến doanh nghiệp. Quan trọng nhất chính là việc thu hút được sự tham gia của cộng đồng với mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên, qua đó tạo sinh kế cho người dân…
THU HOÀI