Đội thợ lặn làm “vệ sinh” đáy biển
VHO- Chuyên đi lặn biển với công việc chính là làm sạch đáy biển vì mục tiêu môi trường tốt hơn cho Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, TP Hội An (Quảng Nam), gần một năm qua, đội thợ chuyên lặn đã tiêu diệt sao biển gai để tạo môi trường sống cho san hô .
Sau khi tiêu diệt sao biển gai, san hô phát triển
Nằm trong khuôn khổ dự án do tổ chức Quốc tế về bảo tồn Thiên nhiên (WWF) tài trợ, ban đầu, nhóm chỉ có 10 người là lực lượng nòng cốt của Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, thực hiện các công việc lặn vớt các vật thể như lưới, chai lọ, nhựa, tiêu trừ sao biển gai nhằm giúp cho môi trường biển tại đảo Cù Lao Chàm thêm trong sạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các loài san hô phát triển, hải sản sinh sống và thu hút du lịch, phát triển kinh tế biển đảo…
Càng về sau, nhận thấy giá trị hữu ích mà công việc thầm lặng này mang lại cho cộng đồng, nhiều đơn vị du lịch cùng người dân trên đảo Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP Hội An) đã đăng ký tình nguyện tham gia. Trong tất cả những loài sao biển được phân bố trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, sao biển gai là một loài khá nổi bật, được xem là mối đe dọa với các rạn san hô, bởi san hô là thức ăn ưa thích của chúng. Tuy nhiên, theo BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, các biện pháp thủ công để tiêu diệt loài sao biển gai này nhằm hạn chế tác động đến rạn san hô cũng không được khuyến khích thực hiện vì loài sao biển gai này có khả năng sinh sản mạnh.
Rác được vớt từ đáy biển
Mới đây, nhóm đã phát hiện lượng sao biển gai phát triển đến mức báo động trên toàn vùng. Trong tháng 5 và 6, số lượng sao biển gai thu bắt và tiêu hủy hai khu vực Hòn Lá và Bãi Bấc là 57 cá thể. “Cơ thể sao biển gai được bảo vệ bởi hàng ngàn gai nhọn, sẵn sàng tiết chất độc nếu có vật thể lạ chạm vào. Do đó, khi bắt chúng phải cẩn thận, tránh gai đâm vào người sẽ gây đau nhức, thối thịt. Đồng thời cũng cần tránh làm gai gẫy, một phân mảnh sao biển gai tách ra từ cơ thể mẹ có khả năng tạo thành một cá thể mới hoàn chỉnh. Khi tiêu diệt bằng cách dùng các vật thể nhọn và sắc để chia cắt một cá thể sao biển gai thì vô tình đã tạo thêm nhiều cá thể sao biển gai hơn nữa phát tán ra môi trường, làm rạn san hô càng dễ bị phá hủy hơn”, chị Nguyễn Thị Hồng Thúy, cán bộ kỹ thuật của BQL Bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết.
Ngoài ra, một biện pháp để hạn chế sự tác động đến rạn san hô đối với loài sao biển gai này là thường xuyên tổ chức xử lý bằng hóa chất và chôn những cá thể sao biển gai thu gom được, định kỳ hai lần mỗi năm. “Để công việc mang lại hiệu quả, chúng tôi phân ra khu ranh giới từng vùng. Trước tiên làm tại các khu vực bảo tồn, sau đó mở rộng ra”, ông Nguyễn Văn Vũ, Phó giám đốc BQL Bảo tồn biển Cù Lao Chàm chia sẻ. Ngoài ra, các thành viên đội lặn còn kiêm nhiệm việc vệ sinh làm sạch đáy biển, vớt nhựa, kim loại, thủy tinh, cao su, gỗ, quần áo/vải, rác hỗn hợp, rác thải lớn.
Bà Nguyễn Mỹ Quỳnh, Quản lý dự án, hợp phần Thủy sản và khu bảo tồn biển (WWF Việt Nam) cho biết: “Công việc của đội lặn vớt rác hết sức ý nghĩa. Không chỉ làm đẹp các rạn san hô, bãi biển Cù Lao Chàm trong mắt du khách, mà quan trọng hơn là góp phần giải thoát các sinh cảnh này khỏi mối đe dọa suy thoái do tác động của rác thải nhựa”.
Sản phẩm tái sử dụng từ cao su giành giải Ba cuộc thi ECO-n 2021 |
THU HOÀI